Chuyện ANZ thất bại khi tự mở fintech ở Campuchia và lý do vì sao ngân hàng buộc phải bắt tay với startup

23/11/2017 15:38 PM | Kinh doanh

Có tài chính, hiểu thị trường, có niềm tin khách hàng, ANZ đã launch một Fintech tại thị trường Campuchia. Nhưng chỉ một thời gian, ANZ buộc phải tách Startup này ra làm một công ty độc lập, khi mô hình vận hành cồng kềnh của một ngân hàng lớn bó buộc sự phát triển của một Startup đang lên…

Chia sẻ về mối quan hệ giữa ngân hàng và Fintech tại buổi thảo luận về “Tương lai ngành ngân hàng dưới tác động của công nghệ” trong khuôn khổ sự kiện ngày hội khởi nghiệp Techfest, ông Vũ Đức Minh Hiếu – CEO Công ty Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) kể lại câu chuyện ngân hàng đầu tiên lập Fintech – ANZ.

Năm 2010, ANZ lập một Fintech trong lòng ngân hàng này tại thị trường Campuchia – hệ thống thanh toán và ngân hàng WING – với suy tính ban đầu rằng họ có tài chính, hiểu thị trường, có thương hiệu..., những lợi thế mà một Startup Fintech mới nổi khó có được.

Tuy nhiên, sau một thời gian, ANZ phát hiện 2 tập khách hàng của ANZ và “đứa con” WING hoàn toàn khác nhau.

Khách hàng của ANZ là những người thuộc tầng lớp có thể gọi là cao cấp. ANZ phải chi tương đối nhiều chi phí để thu hút khách hàng, từ việc chi trả lương nhân viên, chi phí văn phòng, chi phí vận hành…

Trong khi đó, khách hàng của WING tạm coi là ở phân khúc thấp hơn, hoặc chỉ sử dụng dùng một dịch vụ nhất định.

Đến một thời điểm, ANZ buộc phải tách WING ra như một thực thể độc lập, để WING có dư địa phát triển hơn.

“Tại sao các ngân hàng đang phải tách ra các công ty tài chính riêng để phát triển? Bởi đôi khi 2 tập khách hàng của ngân hàng và công ty tài chính là khác nhau. Mảng tài chính tiêu dùng tập trung vào khách hàng nhỏ lẻ, có nhu cầu vay nhỏ, 5 – 10 triệu đồng chẳng hạn. Họ cần quy trình thời gian nhanh, thậm chí 1 ngày là phải giải ngân ngay”, ông Hiếu chia sẻ.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng các Fintech khi cho vay có lợi hơn ngân hàng khi không bị chi phối bởi nợ xấu hoặc lãi suất trần.

“Ngân hàng và Fintech, tôi thấy có 2 tập khách hàng khác nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể phối hợp cùng phát triển và phân chia miếng bánh thị trường. Tất nhiên, đâu đấy cũng có khoảng trùng lẫn nhau và chúng ta buộc phải chấp nhận, và tìm ra một hướng đi nào đấy để phù hợp với sự phát triển”, ông Hiếu nói.

Chia sẻ quan điểm về câu chuyện ANZ và WING, ông Võ Tấn Long - Giám đốc Dịch vụ ngân hàng công nghệ số VPBank – cho rằng câu chuyện tách Startup ra khỏi ngân hàng còn vì một lý do mang tính quyết định khác: Sự khác biệt về mô hình vận hành và cách ra quyết định giữa ngân hàng và Fintech.

Mô hình vận hành cồng kềnh cùng với quy trình ra quyết định tầng tầng lớp lớp hoàn toàn không phù hợp với Fintech.

Từ đó, ông Long cũng cho rằng các ngân hàng cần liên tục thay đổi, thậm chí cả các ngân hàng lớn.

“Khi tiếp cận một lượng khách hàng mới, chúng ta không thể biết góc tiếp cận nào là đúng đắn nên chúng ta phải liên tục thay đổi. Để liên tục thay đổi, bản thân các ngân hàng phải có một mô hình hoàn toàn khác hẳn, mà để thay đổi mô hình, kể cả ngân hàng nhỏ như VPBank hay lớn như Agribank để thay đổi trong ngày 1, ngày 2 là không có”.

“Thế nên, ngân hàng mới phải tách công ty, hoặc phát triển Startup trong lòng ngân hàng, hoặc bắt tay với các Fintech. Phải có Startup mới giải quyết được các vấn đề”, ông Long nói.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM