Blockchain sẽ được NHNN xem xét xây dựng hành lang pháp lý, nhưng là về lâu dài

11/11/2017 07:32 AM | Kinh doanh

Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết về lâu dài, NHNN sẽ xem xét các vấn đề đang gặp rắc rối về pháp lý như blockchain, cho vay ngang hàng P2P. Còn trước mắt, Ban chỉ đạo Fintech sẽ giải quyết vấn đề trước mắt như xây dựng hành lang pháp lý cho mô hình ví điện tử…

Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – cho biết Ban chỉ đạo Fintech đã được NHNN thành lập từ tháng 3/2017, nhưng lĩnh vực Fintech đã được NHNN thể hiện sự quan tâm từ cuối năm 2015 với Thông tư 39.

Thông tư trên cho phép các đơn vị Fintech, mà NHNN gọi là “trung gian thanh toán”, được thực hiện cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, và hỗ trợ chuyển tiền, chuyển mạch tài chính, bù trừ và ví điện tử, ông Dũng cho biết tại Hội thảo “Ngân hàng & Fintech: Thách thức & Cơ Hội” sáng 10/11.

Ông Dũng cho biết theo quan điểm của ông, các chia sẻ tại hội thảo đã chỉ ra có 2 vấn đề lớn mà Ban chỉ đạo Fintech cần xử lý.

Một là eKYC.

KYC là viết tắt của từ Know Your Customer, là quá trình xác minh danh tính khách hàng của ngân hàng, mà quy định hiện hành buộc khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng để xử lý.

Ông Dũng cho rằng, nếu quá trình này được xử lý điện tử, tức eKYC được thực hiện thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề.

“Nói đến Fintech là nói đến công nghệ, mà cái đầu tiên vướng ở tất cả các ngân hàng mà chúng tôi biết chính là KYC điện tử. Nếu không làm được eKYC, dù là phát triển trên mạng, nhưng với quy định hiện nay phải gặp mặt trực tiếp để xử lý, thì có thể chục nghìn người nhập hồ sơ vào lĩnh vực của ngân hàng, nhưng chỉ hàng trăm, nghìn người được xử lý bằng cách gặp mặt. Chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội và không thể phát triển được”, ông Dũng nói.

Hai là hành lang pháp lý cho mô hình ví điện tử.

Các vấn đề NHNN đang đặt ra là ví điện tử có cần kết nối với tài khoản ngân hàng hay không? Và nếu kết nối như hiện nay thì hậu quả, hệ quả, và kết quả đạt được là gì?...

“Tất cả câu chuyện đấy chúng tôi đang bàn. Về dài hạn, Ban chỉ đạo Fintech cũng đặt ra vấn đề đang gặp rắc rối về pháp lý như công nghệ blockchain ứng dụng trong ngành ngân hàng, peer to peer lending (cho vay ngang hàng – PV). Đặc biệt, một trong những điểm mấu chốt để Fintech và ngân hàng hoạt động được là phải xây dựng được quy định chia sẻ dữ liệu của ngân hàng cho Fintech”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng cũng cho hay, trong giai đoạn đầu, ông đồng tình việc cần khuôn khổ pháp lý thử nghiệm.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: “Đấy là nói với nhau thôi, còn thực tế không dễ để thay đổi những định kiến về khuôn khổ pháp lý thử nghiệm. Về lâu dài, mục tiêu là căn cứ trên kết quả thử nghiệm để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Fintech trong hoạt động ngân hàng có đủ cơ sở pháp lý, đủ cơ sở triển khai các hoạt động của mình”.

Theo thống kê của Vụ Thanh toán, hiện Việt Nam có 25 đơn vị Fintech được cấp giấy phép.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM