Chuỗi Phúc Long đang kinh doanh ra sao để tự tin mở tiệm tại Mỹ, hút hàng dài khách xếp hàng ngay ngày đầu khai trương?

23/08/2021 14:04 PM | Kinh doanh

Không muốn bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng, bên cạnh mở rộng thương hiệu ra nước ngoài như Mỹ, Phúc Long bắt đầu hợp tác với các đối tác lớn để mở rộng mạng lưới. Đáng kể nhất là việc bắt tay với ông lớn ngành bán lẻ Masan.

Ảnh: Thuy Ngoc Do, Chucksreservethrift.
Ảnh: Thuy Ngoc Do, Chucksreservethrift.

2 tháng trước, vào ngày 21/6/2021, chuỗi trà và cà phê Phúc Long thông báo trên trang fanpage chính thức rằng sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Mỹ vào tháng 7. Theo đó, cửa hàng Phúc Long USA được đặt tại Garden Grove, California, USA. Chuỗi F&B này còn tung clip hé lộ những hình ảnh thiết kế đậm nét truyền thống của Việt Nam với sân gạch đỏ, nhà mái ngói, trên tường khắc họa lại hình ảnh đồi chè - nơi tạo ra nguyên liệu chính cho đồ uống tại đây.

Nhưng thực tế, phải tới 20/8 vừa qua, cửa hàng Phúc Long USA mới chính thức mở cửa. Theo chia sẻ của tờ Pháp luật và bạn đọc, ngay trong ngày khai trương cửa hàng đã thu hút đông đảo giới trẻ Việt Nam tại Mỹ đến check-in và thưởng thức.

Ảnh: Do Ngoc Thuy (Afamily.vn)

Việt Nam đang có ngày càng nhiều thương hiệu vươn ra thị trường quốc tế và bước đầu gặt hái thành công nhất định, như Trung Nguyên, Cộng Cà phê, Highlands Coffee hay King Coffee… Rõ ràng, sự xuất hiện tại Mỹ của Phúc Long đang góp thêm bảng thành tích vô cùng tích cực cho ngành cà phê Việt Nam nói chung và thương hiệu chuỗi bán lẻ cà phê nói riêng.

Phúc Long xuất hiện từ năm 1957 với chỉ mục đích đơn thuần là bán và giới thiệu sản phẩm là trà, cà phê. Từ năm 2012, thương hiệu này thay đổi cách tiếp cận khách hàng và bắt đầu quảng bá thương hiệu với nhận diện thương hiệu riêng cũng như lựa chọn những vị trí đắc địa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2019, Phúc Long bắt đầu mở rộng ra Hà Nội và nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng. Hiện chuỗi F&B này có khoảng trên 80 cửa hàng, trong đó đa phần ở TP.HCM.

Thực đơn của Phúc Long có thể chia thành 2 nhóm chính, bao gồm trà và cà phê, bên cạnh những món bánh ngọt/mặn để ăn nhẹ. Trong đó, trà là dòng sản phẩm đặc trưng và tạo nên thương hiệu cho Phúc Long nhờ sở hữu nguồn chè riêng tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Thái Nguyên, có vị đậm đà hơn so với trà sữa của các thương hiệu khác.

5 năm trở lại đây, Phúc Long ghi nhận sự tăng trưởng liên tục. Năm 2019, chuỗi ghi nhận doanh thu khoảng 779 tỷ đồng, tăng 65% so với 2018 và gấp gần 3 lần so với kết quả năm 2016. Điều này giúp Phúc Long trở thành người dẫn đầu về doanh thu, vượt trội hơn hẳn các đối thủ khác trong ngành trà sữa như Tocotoco, Gong Cha, Koi Cafe, Bobapop hay Dingtea, Sharetea.

Chuỗi Phúc Long đang kinh doanh ra sao để tự tin mở tiệm tại Mỹ, hút hàng dài khách xếp hàng ngay ngày đầu khai trương? - Ảnh 2.
Chuỗi Phúc Long đang kinh doanh ra sao để tự tin mở tiệm tại Mỹ, hút hàng dài khách xếp hàng ngay ngày đầu khai trương? - Ảnh 3.

Tuy nhiên nếu đặt bên cạnh những "ông lớn" cà phê như Highlands Coffee, The Coffee House hay Starbucks thì Phúc Long vẫn khá khiêm tốn. Highlands Coffee đứng số 1 trong ngành với với doanh thu khoảng 1.628 tỷ đồng vào năm 2018 và 2.200 tỷ đồng vào năm 2019.

Xét về biên lợi nhuận, trong khi các chuỗi khác như Highlands Coffee đạt biên lợi nhuận gộp (gross margin) khoảng 68%, The Coffee House khoảng 70%, thì Phúc Long chỉ khoảng 35%, nhỉnh hơn Starbucks (19%).

Chuỗi Phúc Long đang kinh doanh ra sao để tự tin mở tiệm tại Mỹ, hút hàng dài khách xếp hàng ngay ngày đầu khai trương? - Ảnh 4.
Chuỗi Phúc Long đang kinh doanh ra sao để tự tin mở tiệm tại Mỹ, hút hàng dài khách xếp hàng ngay ngày đầu khai trương? - Ảnh 5.

Theo báo Nhịp cầu đầu tư, uớc tính tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam vào khoảng 2,3 tỉ USD, dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Trong đó, những chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu mới chỉ chiếm khoảng 25%.

Thống kê quý IV/2020 của CBRE Việt Nam, số lượng chuỗi cà phê vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 10% trong năm 2020. Chuỗi cà phê cũng là ngành duy nhất trong lĩnh vực F&B tăng trưởng dương trong giai đoạn 2019-2020.

Không muốn bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng, bên cạnh mở rộng thương hiệu ra nước ngoài, Phúc Long bắt đầu hợp tác với các đối tác lớn để mở rộng mạng lưới. Đáng kể nhất là việc bắt tay với ông lớn ngành bán lẻ Masan.

Hồi tháng 5, Masan xác nhận The Sherpa, một thành viên của Masan, đã chi 15 triệu USD để mua lại 20% cổ phần Phúc Long Heritage, doanh nghiệp sở hữu Phúc Long. Đại diện Masan cho biết, hai bên sẽ cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.

Trả lời báo giới, ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc VinCommerce, cũng cho biết: “Hợp tác này sẽ đưa thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê Phúc Long vươn ra thế giới”, mở ra một kênh xuất khẩu lớn hơn cho chuỗi cà phê này. Theo kế hoạch, Kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với VinMart+. Dựa trên kết quả kinh doanh của mô hình thí điểm, hợp tác có khả năng tăng biên lợi nhuận cho hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại.

Với việc trả mức định giá 50 lần cho 20% cổ phần tại chuỗi trà, cà phê Phúc Long, Masan đã có thêm một mảnh ghép chiến lược cho Point of Life - mô hình bán lẻ tích hợp nền tảng trực tuyến.

(Tổng hợp)

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM