Chung cư giá 2 tỷ đồng sắp "tuyệt chủng", giấc mơ "an cư lạc nghiệp" càng xa vời
Giá chung cư tiếp tục có xu hướng tăng, vượt ngoài khả năng chi trả của phần đông người dân.
Không còn chung cư giá 2 tỷ đồng
Theo thống kê của Sở Xây dựng Tp.HCM, trong số 3.000 căn hộ và nhà ở đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai được xét duyệt trong tháng 2/2021, 100% căn nhà có giá bán trên 40 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ xét với một hộ gia đình cơ bản gồm vợ chồng và một con, diện tích phù hợp để sinh sống rơi vào khoảng 50m2, số tiền để mua được căn nhà cũng không dưới 2 tỷ đồng.
Không chỉ tại Tp.HCM, quý IV/2020, huyện Gia Lâm lần đầu tiên ghi nhận giá bán sơ cấp của một dự án mở bán mới đạt trên 1.900 USD/m2, tương đương 44 triệu đồng/m2, cao hơn các quận nội thành trong thời gian gần đây. Báo cáo của Savills cũng cho biết giá một số căn hộ ở ở khu vực không phải khu vực trung tâm cũng đã được đẩy lên tới 50 - 60 triệu đồng/m2.
Theo quan sát của nhiều chuyên gia, tại Hà Nội và TP.HCM, giá nhà và chung cư của các dự án thuộc phân khúc bình dân hiện đã tăng lên mức ngang bằng với phân khúc trung cấp, giá phân khúc trung cấp lại tăng tương đương phân khúc cao cấp, trong khi chất lượng không đổi.
Thậm chí, trước kia giá nhà thuộc phân khúc bình dân dao động quanh mốc 800 USD/m2. Sau đó, mức giá này được đẩy lên ở mức dưới 1.100 USD/m2, và bây giờ là khoảng gần 1.500 USD/m2 (khoảng 34,5 triệu đồng/m2).
Chưa dừng lại, giá chung cư, nhà ở năm 2021 được dự báo dù không biến động mạnh nhưng vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trên dưới 10%. Đồng thời, theo nhận định của một chuyên gia ngành bất động sản, việc điều chỉnh tăng khung giá đất tại Hà Nội mới đây cũng sẽ có thể khiến các dự án trong tương lai tăng giá, do chi phí trả tiền thuê đất của chủ đầu tư tăng lên.
Nhận định về thực trạng này, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng nếu xu hướng tiếp tục diễn ra, dòng sản phẩm chung cư, nhà ở giá 2 tỷ đồng sẽ "tuyệt chủng". Điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội sở hữu một căn nhà của phần lớn người dân tại Hà Nội và Tp. HCM ngày càng trở nên xa vời, hoặc phải mất rất nhiều năm để tích lũy.
Chung cư bình dân vẫn “hiếm có khó tìm”
Mặc dù được đánh giá là có nhu cầu lớn từ thị trường nhưng các chủ đầu tư hiện vẫn không mặn mà với phân khúc chung cư, nhà ở bình dân.
Theo dự báo của Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ trung và cao cấp sẽ tiếp tục dồi dào trong năm 2021. Cụ thể, sẽ có khoảng 25.000 căn hộ từ 25 dự án sẽ được mở bán, trong đó phân khúc trung cấp tiếp tục chi phối thị trường với 78% (tương đương 19.5000 căn hộ). Trái lại, tương lai của nhà ở bình dân vẫn là một dấu hỏi lớn và cũng rất ít được nhắc tới. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này.
Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam từng chia sẻ với chúng tôi: “Những ưu đãi cho phân khúc bình dân và nhà ở xã hội chưa đủ để thu hút các nhà phát triển bất động sản. Đồng thời, biên độ lợi nhuận của các căn hộ trung, cao cấp đang cao hơn nhiều so với căn hộ bình dân. Khi mua một mảnh đất có mức định giá tương đương với hạng A, B, hay C, người mua sẽ có nhiều động lực để đầu tư tăng thêm giá trị tài sản, qua quá trình xây dựng hay quảng cáo, tiếp thị,... Mặt khác, đối với nhà ở xã hội, tỷ suất lợi nhuận là rất nhỏ, tạo nên ít động lực hơn”.
Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam.
Việc phát triển các dự án hạng A và B cũng giúp chủ đầu tư xây dựng thương hiệu dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đồng thời, các chính sách, điều kiện để xây dựng dự án căn hộ bình dân vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn.
Trong lúc ấy, bài toán “an cư lạc nghiệp” với phần đông người dân vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có lời giải.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Hoài An nhận định trên Báo Đấu thầu: “Những khu vực có chính sách ưu việt, cùng môi trường sống cao cấp, giá tốt, tâm điểm của thị trường chắc chắn sẽ đổ về. Tuy nhiên, những sản phẩm trong rổ hàng dưới 2 tỷ đồng như vậy theo tôi chưa chắc sẽ xuất hiện thêm khi giá cả đầu vào đang tăng nhanh và quỹ đất ngày một hạn hẹp. Cánh cửa đang ngày một hẹp lại".