Chủ tịch VCCI: Thuế đối ứng của Hoa Kỳ là thời điểm để Việt Nam nhìn lại, nâng cao năng lực và thích ứng
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, trong nguy luôn có cơ. Vì vậy, đây chính là thời điểm để Việt Nam nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngày 18/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ & Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” với sự tham dự của các chuyên gia và đông đảo đại diện của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, nếu thuế đối ứng có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu tác động đặc biệt lớn về khả năng cạnh tranh, thị phần, chuỗi cung ứng…; bởi thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong hầu hết các ngành xuất khẩu trọng điểm. Thậm chí, ở một số ngành, dù kim ngạch xuất khẩu chưa thực sự lớn nhưng thị trường Mỹ đang giữ vai trò áp đảo.
Theo rà soát của VCCI, có hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Hoa Kỳ, với các mặt hàng chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị… Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử…
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ: "Trong nguy luôn có cơ. Đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu".
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: VCCI
Từ góc độ của tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Công, VCCI vừa qua đã kiến nghị 5 nhóm giải pháp để ứng phó với câu chuyện "thuế đối ứng".
Đầu tiên, đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ ở cấp cao, nhằm đạt được các thỏa thuận song phương, giảm xung đột, minh bạch thông tin, thúc đẩy nhập khẩu từ Hoa Kỳ (LNG, nông sản, công nghệ cao…), cân bằng thương mại và tạo niềm tin chính trị.
Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng: Tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường tại EU, Canada, Australia… đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh, và phát triển thị trường nội địa.
Thứ ba, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ: Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, phát triển công nghiệp nền tảng như hóa chất, vật liệu mới, logistics, công nghệ cao… nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu và rủi ro thương mại.
Thứ tư, tham gia chuỗi cung ứng chiến lược của Hoa Kỳ: Đầu tư vào các trung tâm kỹ thuật bán dẫn, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… để trở thành mắt xích đáng tin cậy thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu – đây là cơ hội vàng mà Việt Nam cần chủ động nắm bắt.
Cuối cùng, nâng cao năng lực thể chế và hạ tầng: Cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics – để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
Tái cơ cấu thị trường xuất khẩu và nắm bắt xu hướng ESG
Đề cập lại việc nếu chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ có hiệu lực sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, trước tiên, cáo các doanh nghiệp nên theo dõi sát các động thái chính sách của Hoa Kỳ trong 90 ngày tạm hoãn. Đồng thời, chủ động phối hợp, đàm phán với đối tác để tranh thủ xuất hàng sớm.
Còn về lâu dài, bản thân mỗi doanh nghiệp cần tự tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn; tận dụng các FTA thế hệ mới. Bên cạnh đó là cải tiến mô hình sản xuất theo hướng bền vững; xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả để tăng năng lực cạnh tranh.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.
Cùng chung ý kiến với ông Tuấn, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lưu ý thêm, các doanh nghiệp nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và tín dụng để tối ưu chi phí. Đồng thời, nắm bắt xu hướng chuyển đổi kép (xanh hóa và số hóa) - nhằm xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các yêu cầu ESG.
Ở góc nhìn khá lạc quan, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam khuyên các doanh nghiệp trước hết cần thực sự bình tĩnh. Sau đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó khác nhau tuỳ tình hình.
Ông Bình cho biết, sắc thuế này ảnh hưởng tới doanh nghiệp của tất cả các nền kinh tế khác chứ không chỉ riêng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Nếu đàm phán thành công và sắc thuế đối ứng giảm xuống, thì tình hình cũng không đến nỗi quá tệ do các nền kinh tế khác cũng chịu mức thuế tương tự khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Ông Bình lưu ý thêm, bên cạnh đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, bản thân doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn, thâm nhập sâu hơn vào chính thị trường nội địa; cạnh tranh với hàng nhập khẩu để chiếm lĩnh thị phần ngay trên sân nhà cũng là điều các doanh nghiệp nên làm...