Chủ tịch CotecCons Nguyễn Bá Dương: “Quên giá cổ phiếu đi, cái cần quan tâm chính là lợi nhuận và cổ tức cho cổ đông"

16/11/2016 08:07 AM | Kinh doanh

Gạt bỏ những vấn đề liên quan đến giá cổ phiếu. Ông Dương cho rằng, điều mà ông quan tâm nhất là phải liên tục cải tiến để tìm ra con đường riêng, giúp Coteccons tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tạo ra lợi nhuận và cổ tức xứng đáng cho cổ đông.

Những năm gần đây, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt chưa khởi sắc, giá cổ phiếu CTD của CotecCons đã liên tục tăng giá và trụ vững ở nhóm cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường. Gần đây, đã có thời điểm giá cổ phiếu công ty này xấp xỉ chạm mức lịch sử 200.000 đồng/cp, trở thành nhà vô địch về thị giá trên thị trường hiện nay.

Điều gì khiến cho giá cổ phiếu của một doanh nghiệp cổ phần đại chúng được nhà đầu tư đánh giá cao như vậy ? Tốc độ tăng trưởng cao liệu có gây ra rủi ro đối với CotecCons ? Cơ hội mới của CTD là gì ? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi bên lề với Ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch Công ty cổ phần xây dựng Cotec (CotecCons) để tìm hiểu thêm về tình hình doanh nghiệp này trước thềm ĐHCĐ.

Hiện nay, giá cổ phiếu CTD của CotecCons đang ở mức cao nhất thị trường. Ông cảm nhận như thế nào, liệu nó có phản ánh hết giá trị của công ty chưa?

Công ty chỉ quan tâm là phải làm ra lợi nhuận cho cổ đông và chia cổ tức đều đặn đầy đủ, ít nhất là đạt theo kế hoạch đề ra. Còn giá cổ phiếu là do thị trường tự đánh giá, việc giá đó phản ánh hết giá trị hay chưa thì tôi không quan tâm lắm.

CotecCons đang rất thành công trong việc mang lại thành quả cho cổ đông hiện hữu thông qua việc giá cổ phiếu tăng liên tục từ năm 2012 đến nay. Ông có cho rằng đây chính là nhờ vào tài năng của ban lãnh đạo CTD ?

Nếu chỉ nói đến Ban lãnh đạo thì chưa đủ, để làm được thành công cần có sự đồng lòng của tập thể CBNV công ty, vì vậy tôi mong Cổ đông sẽ ủng hộ Ban điều hành trong các chính sách liên quan đến người lao động để có những chính sách đãi ngộ tốt nhất có thể cho CBNV. Đây cũng chính là lý do Ban điều hành trình kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP trong đại hội cổ đông sắp tới.

Một số nhà đầu tư nói rằng, họ mua cổ phiếu CTD vì họ tin vào uy tín của ông Chủ tịch. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Việc này tôi xin phép không bình luận.

Trong 5 năm qua, CotecCons có doanh thu tăng trưởng bình quân 35%/năm, lãi ròng bình quân tăng 38%. Mức tăng trưởng cao và ổn định như vậy liệu có thể duy trì được bao lâu?

Liên tục cải tiến để tìm ra con đường riêng là cách giúp Coteccons tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Chúng tôi đã trình kế hoạch huy động vốn để đầu tư giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững. Nếu được Cổ đông thông qua, chúng tôi sẽ thực thi kế hoạch và đưa Công ty tiếp tục tăng trưởng.

Có quan điểm lo ngại kế hoạch của CTD trong vòng 2 năm tới sẽ gặp khó do tín dụng bất động sản bị siết lại?

Quan điểm về quan ngại thì có nhiều, nhưng nếu quan ngại mà không làm thì không phải là kinh doanh.

Mục tiêu của CotecCon là đến năm 2017, công ty sẽ cán mốc doanh thu 1 tỷ USD. Như vậy, đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng doanh số bình quân khoảng trên 30% trong vòng 2 năm tới. Điều này có dẫn đến việc gia tăng rủi ro đối với CTD không thưa ông ?

Năm 2015 tăng trưởng doanh số lên đến 80% so với năm 2014, tuy nhiên rủi ro vẫn được kiểm soát tốt. Vì vậy nếu tăng trưởng bình quân 2016-2017 là 30% thì cũng là bình thường.

Lần đầu tiên sau 4 năm, CTD dự tính tăng vốn. Với số vốn huy động dự kiến 1.500 - 1.800 tỷ đồng trong năm nay. Kịch bản này khá giống với giai đoạn 2011-2012, phải chăng ông đang “đọc vị” được điều gì đó ở thị trường xây dựng và bất động sản?

CTD cần tiếp tục phát triển, để phát triển nhanh với quy mô lớn hơn thì cần thêm vốn, nếu chỉ dùng lợi nhuận để tái đầu tư thì không đủ, vì vậy cần thêm nguồn vốn mới. Giai đoạn này không giống năm 2012, cơ hội hiện nay đối với CTD là rất lớn.

Những đối tác chiến lược mà CTD dự kiến sẽ chào bán cổ phần sắp tới là đối tác mới hay cũ thưa ông?

Việc này còn tùy thuộc vào tiếp xúc đàm phán với các đối tác và quyết định của ĐHCĐ/ HĐQT.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về một số kế hoạch mà CTD dự kiến sẽ tham gia trong thời gian tới (thành lập mới và M&A)?

Công ty sẽ tăng cường một số hoạt động như thi công Cơ điện, Nội thất …

Tạo sao công ty lại có ý định đâu từ vào phân khúc bất động sản (văn phòng, khách sạn, căn hộ)?

Vì có một số cơ hội tốt, ngoài ra CTD có thế mạnh về xây dựng, rất gần với các hoạt động đầu tư này. Chủ yếu hoạt động này để da dạng hóa nguồn thu trong tương lai ngoài hoạt động xây dựng.

Hiện nay, CTD cũng đang thực hiện nhiều hợp đồng cho một số doanh nghiệp niêm yết khác. Ông có thể đưa ra đánh giá như thế nào đối với tiềm năng tăng trưởng của một số doanh nghiệp đó?

Một số doanh nghiệp Bất động sản của Việt Nam vẫn còn nguồn công việc tiềm năng. Ví dụ như Vingroup, Thảo Điền Invetsment, Đại Quang Minh, TNR Holdings, Khang Điền …. , hoạt động đầu tư của họ bài bản, năng lực tài chính tốt và uy tín thì sẽ vẫn được người tiêu dùng tín nhiệm.

Năm 2016, CTD dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng. Tiềm năng đóng góp vào doanh thu của mảng kinh doanh này đối với CTD trong thời gian tới như thế nào thưa ông ?

Dự án hạ tầng hiện chưa đóng góp nhiều vào doanh số năm 2016, tỷ trọng này sẽ tăng dần trong giai đoạn 2016-2020 tùy theo tình hình thực tế và việc triển khai dự án.

Ông có thể cho biết thêm thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng FCC ?

Dự án Hà Nam của FCC đang đi vào giai đoạn cuối để hoàn thiện và đưa vào vận hành. Dự án đáp ứng tốt về tiến độ. Ngoài quản lý tốt về tiến độ, FCC còn tập trung nâng cao quản lý về chất lượng để tạo uy tín cho các thành viên tham gia góp vốn vào dự án trong hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Ông!

Theo Huy Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM