Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen

02/04/2021 08:33 AM | Kinh doanh

“Tôi vẫn một lời khuyên “Nghỉ đi anh nuôi” mà đối tượng không chịu”, anh Phạm Văn Hà - giám đốc một công ty du lịch - kể lại. Comida Ngon - startup hoa lễ mà anh Hà đùa là “cố cản không được”, tưởng chỉ là nơi trú chân tạm thời của chị Giang chờ ngành du lịch phục hồi, nhưng lại thành công bất ngờ từ những thức hoa quả truyền thống của Việt Nam như hoàng lan, ngọc lan, hoa bưởi, thị...

Covid-19 giáng những "cú tát" liên tiếp lên ngành du lịch, mà chỉ những người trong cuộc mới thấm thía cảm giác mà anh Phạm Văn Hà gọi đùa như "con ếch bên trong nồi nước được đun sôi từ từ".

Trước khi Covid-19 ập tới, anh Phạm Văn Hà và vợ anh - Bùi Băng Giang - là hai giám đốc của hai công ty lữ hành Inbound. Du lịch Inbound là thuật ngữ để chỉ những chuyến du lịch được tổ chức cho khách từ những quốc gia khác du lịch đến quốc gia sở tại. Thị trường này ngược với Outbound - đưa khách ở quốc gia sở tại khám phá quốc gia bên ngoài.

Chị Giang là lãnh đạo của Asia Exotica Vietnam. Trước dịch, Asia Exotica Vietnam là một công ty hàng đầu chuyên thị trường khách Tây Ban Nha và Nam Mỹ.

Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 1.

Sau khi dịch bùng đợt 1 vào tháng 3 năm 2020, chị chuyển sang mảng khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, sau "cú tát" thứ 2 từ Covid-19 với đợt bùng dịch tại Đà Nẵng vào tháng 7/2020 và mất toàn bộ chi phí đầu tư vào thị trường du lịch nội địa, chị Giang lập startup mới nuôi quân. Văn phòng khang trang thuê trên phố Triệu Việt Vương tạm đóng, văn phòng mới là nhà riêng của hai vợ chồng trong một hẻm nhỏ trên phố Bạch Đằng. Nơi ấy phù hợp để vận hành Comida - một startup dịch vụ hoa lễ với những thức hoa quả truyền thống của Việt Nam như hoàng lan, ngọc lan, hoa bưởi, thị...

Nhân viên của startup chính là những nhân viên văn phòng du lịch. Trước họ chuyên bán hàng, điều hành, kế toán, làm việc với đối tác nước ngoài, nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen...

"Chúng tôi vẫn mong chờ ngày trở lại với du lịch inbound", anh Hà trải lòng.

Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 2.

* Khi Covid-19 ập tới, hai anh chị đón nhận như thế nào?

Hà Phạm: Khi Covid-19 xảy ra ở Trung Quốc, tôi nghĩ chỉ Trung Quốc và thị trường Á bị ảnh hưởng. Đến lúc Châu Âu bị ảnh hưởng, tôi vẫn lạc quan nghĩ chưa sao, y tế Châu Âu tốt, mà thị trường chính của chúng tôi là Tây Ban Nha chưa bị, mới có Ý bùng dịch. Đến khi Tây Ban Nha bị ảnh hưởng, tôi nghĩ vẫn không sao, chúng tôi còn thị trường Nam Mỹ. Nhưng hỡi ôi, sau đó Nam Mỹ còn thê thảm hơn.

Với tôi, công ty thành lập năm 2018, nhân sự chừng 15 người. Covid ập đến tôi thất vọng nhưng hiểu rằng đây là chuyện bất khả kháng. Việc đóng business là việc phải chấp nhận.

Tôi nghĩ nhân sự nói chung trong ngành không ai quá shock, bởi Covid ập đến nhanh nhưng ảnh hưởng cứ như nồi nước từ từ đun nóng con ếch bên trong.

Giang Bùi: Nếu dùng từ "buồn" để nói về tâm trạng của những người làm du lịch, thì mình phải nói là "heart-breaking", bởi rất yêu ngành này. Làm du lịch mới hiểu đây là ngành dịch vụ, và mang tính phục vụ rất nhiều, nhưng mình lại thấy đây là ngành kết hợp được nhiều yếu tố. Được gặp những con người ở đấy, nhìn cách mọi người đối đãi với nhau, thực sự như mình đang sống ở đấy và dần hiểu văn hóa của họ. Đấy là tác dụng cầu nối của du lịch, mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.

Thời điểm bùng dịch đầu tháng 3/2020, có công ty du lịch phải lên trại cách ly tiếp tế đồ cho khách. Hoặc khách đang ở khách sạn, bỗng dưng có F0, cả khách sạn bị phong tỏa. Có công ty vừa ăn Tết xong mọi người quấn nem gửi vào khu cách ly cho khách để động viên tinh thần. Khách của chúng mình chủ yếu là khách Tây Ban Nha, rất may đoàn khách đã kịp rời đi trước khi có quyết định hạn chế đi lại đối với người có quốc tịch nước này.

Thời điểm bùng dịch ấy, những ông lớn nhất trong thị trường inbound tại Việt Nam là những công ty đóng cửa đầu tiên, trả văn phòng, giảm gần hết nhân lực.

Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 3.

* Ngay cả các ông lớn cũng đã đóng văn phòng sau đợt bùng dịch đầu tiên, vì đâu Giang vẫn duy trì văn phòng Triệu Việt Vương đến tận tháng 9/2020?

Giang Bùi: Khi mới bắt đầu làm du lịch, Giang chỉ làm cho một công ty duy nhất - là công ty khá lớn mảng inbound và rất yêu công ty ấy, đến năm 2014 mới tách ra lập nghiệp riêng. Đến năm 2016 thì mở liên doanh. Vì Giang làm liên doanh nên công ty như được chắp thêm cánh, phát triển rất nhanh. Trong 3 năm, Asia Exotica Vietnam là công ty hàng đầu về khách inbound ở thị trường Tây Ban Nha và Nam Mỹ.

Trong tâm, Giang nghĩ đó là một giấc mơ nhỏ, là nơi để những bạn yêu ngành du lịch làm việc. Đó là công ty xây cho tất cả mọi người không chỉ riêng mình Giang, mang theo ước mơ để tất cả mọi người đều có thể phát triển. Và mình nghĩ tất cả có thể đồng hành cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Với tinh thần ấy, mình cố gắng giữ văn phòng và cố giữ nhân viên.

Tháng 4/2020, nhân viên đều ngồi nhà, không có booking, chỉ có hủy và trả lời khách hàng những thông tin chung chung. Bắt đầu tháng 5, chúng mình chuyển sang một thị trường chưa bao giờ làm - thị trường du lịch nội địa.

Hà Phạm: Hàng năm, thị trường du lịch nội địa cứ đến tháng 6 là bùng nổ. Nhưng lúc bấy giờ sự bùng nổ của thị trường còn lớn hơn. Mọi việc thuận lợi đến cuối tháng 7/2020, Đà Nẵng bùng dịch. Giang nhận "cái tát" thứ 2 từ Covid. Vốn liếng đầu tư vào nội địa bị hao hụt. Chưa có lãi đã hết mùa du lịch nội địa.

Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 4.
Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 5.

* Giang xoay chuyển thế nào khi hoa lễ là một thị trường khác hoàn toàn so với du lịch?

Giang Bùi: Hoa lễ truyền thống là một thị trường ngách. Khi chuyển sang mảng hoa lễ, ngoài việc giúp mình thư giãn, không căng thẳng sau áp lực đợt dịch và ngành du lịch bị ảnh hưởng, mình còn thấy rất yêu nó, cảm nhận nó như những người bạn, hiểu tính cách của từng bạn hoa để chuẩn bị hài hòa nhất.

Một điều chúng mình yêu thích khi làm Comida là lưu giữ nét đẹp truyền thống của hoa lễ, hoa gói Hà Nội xưa. Người Hà Nội xưa dùng những loại hoa ngát hương dâng lên tổ tiên như hoa hoàng lan, ngọc lan, huệ ta, bưởi, hoa cau. Việc đưa những sản phẩm này thành một sản phẩm thương mại có thể coi là thành công của Comida Ngon.

Mình cũng biết ơn các bạn trẻ và tài năng, chăm chỉ đã cùng đi và cùng nghĩ với mình. Thay vì trước đây làm hợp đồng với khách sạn, nhà hàng, nay làm purchasing (thu mua), chuyên về nguyên liệu, chuyển đổi việc ngồi ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Giờ các bạn chung tay cùng mình cắm hoa, thu mua nguyên liệu, bán hàng và giao hàng, trả lời tin nhắn. Cùng nhau cố gắng vượt qua mùa dịch

Chẳng có gì là dễ cả, nhưng mình tìm được sự thú vị trong nó, và yêu thích làm nó. Thực sự mình cũng lo lắng chứ. Một công ty du lịch lớn trước đây, nay doanh thu về chỉ bằng hạt cát so với lúc trước, cũng vất vả hơn rất nhiều. Trước đây mình lúc nào cũng lóng lánh, đi hội chợ quốc tế gặp khách hàng, chỉ làm việc bàn giấy. Nhưng giờ thì xắn tay vào làm tất, chẳng nề hà gì. Từ thu mua, cắm hoa, đến nhận đơn, trả lời khách, nghe điện thoại.

Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 6.

* Chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, Comida có vấp phải bài học đau thương nào?

Giang Bùi: Comida có nghĩa là đồ ăn trong tiếng Tây Ban Nha. Với mục đích ban đầu là định bán đồ ăn. Thương vụ đầu tiên là tôm he - một loại tôm tự nhiên ngon hơn tôm sú và khá đắt. Do thiếu kinh nghiệm bảo quản và kênh phân phối nên hồi đầu mình bị một cú lỗ rất to

Hà Phạm: Đêm ấy, "big boss" mặc đồ hàng hiệu nửa đêm còn phải lê lết đi mua thêm đá về ướp tôm…

Giang Bùi: Đồ ngon, tươi, khách nhận rất thích. Nhưng thực sự phải chuyên cửa hàng thì mới bán hải sản được. Vụ đó, ngoài số lượng khách đặt, còn dư mấy chục cân mình mang về nhà ăn. Tôm ngon, mà ăn vào lòng quặn thắt. Đó cũng là vụ cuối, mình dẹp luôn việc kinh doanh hải sản.

Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 7.

* Trong lúc công việc của vợ khó khăn như vậy, anh Hà có khuyên nhủ "Nghỉ đi, anh nuôi"?

Hà Phạm: Background của tôi là Marketing. Với chừng đó kinh nghiệm, tôi không sợ thiếu việc. Lúc ấy, tôi cũng muốn gia đình có một chút nghỉ ngơi.

Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 8.

* Vì sao Giang không gật đầu với lời đề nghị của chồng?

Giang Bùi: Anh Hà và mình đều là những người chăm làm việc. Thời điểm chưa làm chủ, mình đã làm việc với tâm thế không thể chỉ vì không làm chủ mà mình không làm chăm. Mình làm việc ngày làm đêm, và như kiểu làm cho chính bản thân mình. Anh Hà thường xuyên kiềm mình lại, vì nhiều lúc sợ mình bị nghiện công việc. Giai đoạn vừa rồi có dịch, anh Hà cũng khuyên nghỉ ngơi.

Nguyên tháng 4 mình đã ở nhà, thấy chán, đầu óc không hoạt động. Mình thấy không thể như thế được. Mình đang làm việc trong một cái guồng, và điều mình lăn tăn nhất là các bạn nhân viên.

(Quay sang anh Hà cười) Anh nói "Nghỉ đi anh nuôi", anh thì chẳng phải nuôi em, nhưng em phải nuôi nhiều người.

Nhân viên của mình hơn 30 người bao gồm cả văn phòng Việt Nam, Lào và Campuchia. Một số công ty lớn khi mới bùng dịch đóng cửa rất nhanh, bởi đóng nhanh chỉ mất doanh thu tương lai, nhưng giảm tối đa được chi phí. Đóng business, mình không đành lòng. Bao nhiêu người sẽ làm gì? Kể cả với phương án ở nhà, mình có thể trả lương hỗ trợ cho các bạn ấy, giảm lương để làm sao phù hợp nhất, nhưng tại sao không thử? Thay vì ngồi chờ chết, sao không thử tìm đường đi?

Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 9.

Mình bảo với anh Hà là "Không, em không đồng ý", và quyết định giữ bằng được. Kiên trì, gan lì đến tháng 8. Văn phòng ở Triệu Việt Vương thuê trở nên đắt so với việc chỉ bán hoa. Mình rất yêu nó, dứt ra thực sự không thể chịu được. Việc chuyển văn phòng vào tháng 9 là để phù hợp hơn với mô hình của Comida.

Hà Phạm: Câu chuyện kể lại chúng tôi đã đơn giản hóa, còn khó khăn thì thực sự vô vàn. Làm thị chẳng hạn. Hỏng. Vận chuyển khó khăn. Hoặc hết mùa thị, gần như vào thế bí. Lại phải nghĩ ra cái gì khác để làm. Rồi việc làm mẹt hoa, tìm nguồn nguyên liệu cũng là vấn đề vô cùng khó.

Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 10.
Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 11.

* Việc vận hành Comida đã đi vào guồng ổn định chưa? Thời điểm nào thì startup mới này của Giang đạt tới điểm hòa vốn?

Giang Bùi: Sản phẩm hoa lễ đến với bọn mình rất vô tình mà hữu ý. Mình thực sự cảm thấy rất tuyệt vời, đó như là một điều kỳ diệu - một bất ngờ tuyệt vời mà tụi mình may mắn nhận được. Mặc dù với con mắt của doanh nhân, thì Comida thực sự chưa phải lớn. Nhưng tính về mặt lãi tại thời điểm, chúng mình đã có, và có đủ tiền trả lương cho nhân viên.

Quan trọng nhất là không mất niềm tin vào ngành du lịch. Điều mình lo và buồn nhất là chảy máu nhân sự ngành du lịch trong Covid. Chảy máu rất nhiều. Rất nhiều anh em ngành du lịch - khách sạn, khi doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, phải chuyển sang rất nhiều ngành nghề từ buôn bán thực phẩm, bảo hiểm, bất động sản... Đó là một sự thiệt hại rất lớn cho ngành. Điều mình làm trong khả năng là cố gắng giữ được niềm tin của chính bản thân mình, và của mọi người trong ngành du lịch.

Comida thực ra còn rất nhỏ, điều muốn chia sẻ là niềm tin vào ngành du lịch. Lúc đầu, mình là người muốn chờ đợi, nhưng cứ chờ đợi mãi không có hoạt động gì tích cực, bạn sẽ bị mất rất nhiều năng lượng, mất niềm tin.

Comida là một ví dụ trong khi tôi chờ đợi, tôi có thể làm điều gì có ích; giống như bạn chờ đợi một người yêu chưa đến, thì bạn đọc một quyển sách hay, nấu một món ăn ngon, thì sự chờ đợi có ý nghĩa hơn là bạn cứ ngồi nhìn đồng hồ và trách móc anh ta chưa đến.

Hà Phạm: Mặc dù là một business nhỏ nhưng nó là một bài toán khám phá ra một thị trường mới và luôn có cơ hội, nếu mình tập trung vào một tệp khách hàng, đáp ứng nhu cầu của họ. Khi làm việc chăm chỉ và tập trung phục vụ một đối tượng khách hàng cụ thể, tôi nghĩ mình sẽ thành công, dù là khách hàng Nam Mỹ hay Việt Nam, dù là khách tour hay khách hoa. Mỗi thị trường sẽ có đặc thù riêng, nhưng nếu biết đúng điểm người ta cần, vẫn có nhiều cơ hội.

Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 12.

* Ở thời điểm này, niềm tin vào ngành du lịch của hai anh chị như thế nào?

Giang Bùi: Đam mê và tình yêu của mình là ngành du lịch, chưa bao giờ mất niềm tin đó. Covid-19 quả là một bài học quá lớn với tất cả chúng ta, và ngành du lịch nói riêng. Nhưng nếu nghĩ một cách tích cực, ta có thể thấy mẹ Trái Đất muốn loài người chậm lại, không chạy quá nhanh, ta cần dừng lại để suy nghĩ, để biết ơn, trân trọng những gì đang có, và từ đó xây dựng những bước đi sắp tới tốt đẹp hơn ...

Được khám phá, trải nghiệm điểm đến mới, đi lại kết nối, là nhu cầu tất yếu của bất cứ ai. Cho nên, ngành du lịch sẽ sớm trở lại ngay khi tình hình dịch được kiểm soát.

Hà Phạm: Việt Nam, dù vẫn thua kém Thái Lan, nhưng là một điểm đến tương đối sáng ở khu vực Châu Á. Chúng tôi phục vụ các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Nam Mỹ, Úc và Châu Á, lượng khách quan tâm đến Việt Nam rất nhiều. Mấy năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triển rất tốt.

Một khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng khách tự khắc quay trở lại, thậm chí tốt hơn trước. Tất nhiên là cần từ 3 đến 5 năm để hồi phục.

Giám đốc công ty du lịch xoay hướng kinh doanh, thay vì ký hợp đồng triệu USD với Four Seasons nay chạy thu mua hoa, đàm phán với chủ đầm sen - Ảnh 13.

* Giang ví von ngành hoa lễ giống như một cuốn sách đọc trong lúc chờ người yêu. Khi người yêu đến, cuốn sách sẽ thế nào?

Giang Bùi: Khi bắt đầu set up Comida, mình coi nó như một đứa con mới, rất chăm chút cho nó. Mình biết ơn đợt dịch này giúp mình có một cái nhìn khác, mở rộng hơn, mình phát hiện ra không phải khi có 2 đứa con thì sẽ bớt yêu đứa đầu đi, mà thực ra tình yêu sẽ càng nhân lên ngập tràn đấy! Giang mong muốn phát triển Comida Ngon hơn nữa, mở chi nhánh ở Sài Gòn và cung cấp thêm dịch vụ điện hoa cho cộng đồng khách Việt kiều khi muốn gửi hoa truyền thống về cho gia đình, bạn bè ở Việt Nam.

* Xin cảm ơn anh chị!

Thủy Trương
Hương Xuân
Theo Doanh nghiệp & tiếp thị

Thủy Trương

Cùng chuyên mục
XEM