Cho phép đầu tư vào đặc khu: Nếu 10 đồng họ lời 8, không thể gọi là cùng có lợi
Bàn về dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng đã cấp đầu tư vào đây phải tạo được nội lực cho Việt Nam. "Chúng ta hay nói là "cùng có lợi", cùng có lợi nhưng với 10 đồng họ lợi 8 đồng, mình lợi 2 đồng thì như vậy không gọi là cùng có lợi", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Không thu hút đầu tư bằng mọi giá
Thảo luận về dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trước Quốc hội , đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết nhiều quốc gia làm đặc khu kinh tế thất bại có thể do cách làm chứ không phải vì chủ trương.
Về mục tiêu, đại biểu Nghĩa đề nghị xác định rõ trong luật chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, cần phải xác định nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập và điều hành các đặc khu này.
Thứ nhất theo đại biểu, đã cấp đầu tư vào đây phải tạo được nội lực cho Việt Nam. Chúng ta hay nói là "cùng có lợi", cùng có lợi nhưng với 10 đồng họ lợi 8 đồng, mình lợi 2 đồng thì như vậy không gọi là cùng có lợi. Phải làm sao tăng cường được nội lực Việt Nam.
Tiếp đến là bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, bảo vệ bản sắc và truyền thống văn hóa Việt Nam. Nếu đặc khu đáp ứng được điều này với những ưu đãi như vậy, nhà đầu tư nào, ngành nào đáp ứng được những điều này chúng ta làm.
"Nhiều khi họ cam kết nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật chúng ta có quyền có ý kiến và thu hồi các dự án hoặc xử lý", đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Nghĩa cũng bày tỏ băn khoăn khi làm ra một luật mà đưa vào đó 3 đơn vị cụ thể. Cách làm luật lâu nay không phải như vậy, không biết Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp có ý kiến về việc này không, đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi.
Về ba đơn vị cụ thể được đưa ra (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ), đại biểu Nghĩa cho rằng cần vào ba nghị quyết. Lý do là ba đơn vị này khi thành lập đặc khu cũng có những quy định không giống nhau, đơn vị thì 100 nghìn dân, đơn vị thì 50 nghìn dân, nơi đầu ghềnh, nơi cuối bãi, nơi có biển, nơi có đảo. Những yếu tố địa chính trị cũng không giống nhau, tôi đề nghị thành lập một luật chung.
"Điều này có một lợi thế đó là trong khi chúng ta ra đời ba đặc khu nếu như có sự thay đổi một trong ba đặc khu đó không thành công và các ý kiến thẩm định cũng nói trên thế giới tỷ lệ 50/50, có thể không thành công. Lúc đó, chúng ta dùng nghị quyết để chúng ta thay đổi", đại biểu Nghĩa nói.
Theo đại biểu, nếu như xuất hiện một đặc khu hứa hẹn đầy triển vọng mà tốt đẹp chúng ta lại thành lập thêm thì chúng ta dùng nghị quyết Quốc hội để chúng ta thành lập thêm, chứ chúng ta không sửa luật này.
Đề nghị đổi tên luật
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết ông đồng tình với quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về việc tách riêng 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khỏi dự án luật.
Theo đại biểu Cảnh, cần làm từng bước vững chắc, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đúng chủ trương, phù hợp với nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Điều này hạn chế việc Quốc hội sau khi ban hành Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sẽ thường xuyên điều chỉnh, bởi trong quá trình phát triển sẽ không tránh khỏi việc 3 đơn vị hành chính cần phải điều chỉnh cơ chế, chính sách để phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của mình.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội trước hết cho xây dựng 3 nghị quyết đối với 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị đã được quy định trong dự thảo luật.
Đề cập tới tên gọi của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng về tên gọi và phạm vi dự án luật, về mặt lý thuyết thì tên luật phải mang tính tổng quát, bao hàm đầy đủ phạm vi điều chỉnh của luật và phải được áp dụng lâu dài.
Tuy nhiên theo đại biểu Thuỷ, do đây là lần đầu xây dựng các đặc khu, chưa có tiền lệ, chủ yếu học tập kinh nghiệm nước ngoài nên cần thử nghiệm, tổng kết, đánh giá trước khi nhân rộng.
Theo đó luật đã được dự thảo theo hướng áp dụng riêng, trước hết cho 3 đặc khu Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh , Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, trong đó có những điều khoản áp dụng chung cho cả 3 đặc khu và có những điều khoản riêng cho từng đặc khu với điều kiện đặc thù. Vì vậy, đại biểu đề nghị thống nhất tên dự án luật là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
"Với tên gọi của luật như vậy là khá dài nhưng cần thiết và phù hợp hơn vì tính rủi ro và thách thức của việc áp dụng các chính sách đặc biệt trong luật. Một số các chính sách có tính chất áp dụng lâu dài không dễ gì khắc phục, sửa chữa. Nếu có sửa chữa thì hậu quả của chính sách không chỉ gây xung đột lợi ích của tổ chức, cá nhân mà còn gây xung đột lợi ích quốc gia", đại biểu Thuỷ nói.