Sửa tính lương hưu với lao động nữ, phải đợi Quốc hội
Việc thay đổi cách tính lương hưu với lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 được quy định tại Khoản 2, điều 56 Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) 2014. Do đó, việc thay đổi hay không quy định này phải do Quốc hội quyết định.
Theo đó, Luật BHXH quy định, từ năm 2018, lao động nữ nghỉ hưu muốn được hưởng lương hưu bằng 75% mức lương tính đóng BHXH phải có thời gian tham gia BHXH 30 năm (thay vì 25 năm như thời điểm trước ngày 1/1/2018). Trong khi đó, với lao động nam việc tăng thời gian đóng BHXH từ 30 năm lên 35 năm để hưởng mức lương hưu tối đa được thực hiện theo lộ trình, từ nay tới năm 2022.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (từng tham gia xây dựng Luật BHXH 2014) cho biết, khi trình dự thảo Luật BHXH 2014, bộ đã đề xuất phương án tăng năm đóng BHXH với nữ theo lộ trình. Nhưng sau đó Quốc hội lại quyết định tăng thời gian đóng BHXH với nữ ngay từ năm 2018. Vì vậy, để đảm bảo công bằng giữa nam và nữ, ổn định xã hội, ông Huân đề xuất, thay vì tăng ngay số năm đóng BHXH, nên có lộ trình tăng từ từ với lao động nữ như nam.
Mới đây, BHXH Việt Nam cũng đề xuất Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội thực hiện tăng năm đóng BHXH với lao động nữ theo lộ trình từ năm 2018 tới năm 2022.