Đại biểu Quốc hội: "Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu"

18/11/2017 08:21 AM | Xã hội

Thực ra, điệp khúc này không chỉ xuất hiện có một lần. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu hỏi Bộ trưởng về giải pháp cho vấn đề nợ đọng thuế. Vị Tư lệnh ngành tỏ ra lúng túng và bị Chủ tịch Quốc hội 'chỉnh': ‘Bộ trưởng nếu không có giải pháp đột phá thì không cần trả lời!’.

Hôm 15/11 là ngày mở đầu cho những màn chất vấn của các Đại biểu Quốc hội với các Tư lệnh ngành. Như thường lệ, đây là những cuộc đối thoại nảy lửa nhận được sự quan tâm từ cử tri khắp cả nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là người đăng đàn đầu tiên. Trong màn chất vấn đầy căng thẳng, với minh chứng là ngay lập tức đã có tới 48 Đại biểu đăng ký đặt câu hỏi nhưng Bộ trưởng Dũng cho đến hết giờ nghỉ giữa buổi sáng mới chỉ trả lời được 3 người, nợ công có lẽ là vấn đề nóng bỏng nhất.

Mở đầu, Đại biểu Nguyễn Tạo đoàn Lâm Đồng đặt câu hỏi vấn đề trần nợ công đã sát hay Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng hỏi làm thế nào để vừa kiểm sát nợ công, lại vẫn đảm bảo nguồn vốn cho phát triển. Để trấn an mối lo từ các Đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Bước đầu, kiểm soát nợ công về kết quả cũng như các giải pháp đang triển khai là rất đúng”.

Theo vị Tư lệnh ngành, Bộ Tài chính đã có báo cáo trình các cơ quan liên quan để kiểm soát, đảm bảo an toàn nợ công, đồng thời triển khai nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, luật quản lý nợ công sửa đổi, tăng cường quản lý nợ công, quản lý vốn ODA hay sử dụng nợ công...

Đặc biệt, khi vốn ODA được nhắc đến, Đại biểu Hoàng Quang Hàm đoàn Phú Thọ đứng lên và cho biết rằng mình cảm thấy sự bất cập hiện nay đang tồn tại ở chuyện quản lý ODA. Đó là thực trạng tổng mức ODA đã ngoài tầm kiểm soát, Uỷ ban tài chính ngân sách có văn bản đến các Bộ nhưng mãi chưa nhận được phản hồi.

Vị này đặt câu hỏi thẳng với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư: "2 lần đề nghị Chính phủ cung cấp tình hình vay nợ ODA nhưng vẫn chưa có thông tin. Tôi xin hỏi 2 Bộ trưởng, để có số liệu vay nợ ODA của quốc gia thì cần bao nhiêu thời gian nữa, và thực sự con số này là bao nhiêu?"

Cũng về vấn đề này, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thông tin thêm cho Đại biểu liên quan đến vấn đề nợ công. Theo đó, Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán rất kỹ trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ, tổng trả nợ của chúng ta đã quá 25% so với tổng thu ngân sách. Đồng thời, quan điểm chung của Chính phủ cũng là nói không với tăng trần nợ công.

Bên cạnh nói đến nợ công, các Đại biểu cũng nhắc về đầu tư công kém hiệu quả, lãng phí các nguồn lực Nhà nước như là một phần tác nhân gây nên bức tranh ngân sách xám xịt. Theo Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Bộ trưởng Dũng nói thành công chỉ là 'vỏ bên ngoài, linh hồn phải là đầu tư hiệu quả như thế nào. "Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu” - Đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm đầu tư công mới là gốc rễ vấn đề ngân sách, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đoàn Hòa Bình thì nhắc lại thời kỳ những năm 2005 -2010 như là minh chứng của việc đầu tư công không hiệu quả sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng. "2005 - 2010 là giai đoạn 'rực rỡ' của đầu tư công, hệ quả là sự xuất hiện rất nhiều của nguy cơ vỡ nợ công" - Ông nói.

Còn Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đoàn Ninh Thuận - người liên tục có những câu nói sắc sảo nơi Nghị trường trong kỳ họp lần này - thì đề cập đến hiện tượng lãng phí trong bộ máy Nhà nước. Ông nói rằng lãng phí là lớn và quá rõ ràng, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có một thống kê chính thức nào về hiện tượng này.

"Không có ai thống kê và cũng không thể thống kê hết sự lãng phí trong Bộ máy Nhà nước, mặc dù nhìn đâu cũng có thể dễ dàng phát hiện sự lãng phí và con số lãng phí không nhỏ" - Đại biểu Cương nói.

Trong phần nói của mình, Đại biểu Cương cũng gay gắt về hiện tượng làm giả hóa đơn gây thiệt hạ cho ngân sách Nhà nước. Ông kể ra thực trạng có những doanh nghiệp lập ra không sản xuất kinh doanh mà chỉ mua bán hoá đơn, do đó mỗi năm đòi hỏi số tiền hoàn thuế lớn lên đến 17.000 tỷ đồng từ Nhà nước.

Từ đây, Đại biểu hỏi Bộ trưởng phương án giải quyết và cũng tỏ ra đầy thằng thắn: "Tôi xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp đột giá gì, và nếu như không có giải pháp đột phá thì tôi cũng xin phép Bộ trưởng không cần phải trả lời".

Điệp khúc 'Có giải pháp đột phá không, nếu không thì không cần trả lời' không chỉ xuất hiện có một lần trong phiên chất vấn có đôi khi bị dài dòng của vị Tư lệnh ngành Tài chính.

Ví dụ, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đoàn Nghệ An có đứng lên hỏi Bộ trưởng về giải pháp cho vấn đề nợ đọng thuế. Để tiết kiệm thời gian, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: "Bộ trưởng có giải pháp nào mới, hiệu quả để chấm dứt tình trạng nợ đọng thuế không? Nếu không có thì Bộ trưởng không cần trả lời!".

Sau các chủ đề nợ công, đầu tư công hay nợ đọng thuế, các vị đại diện nhân dân nhắc đến một loạt các chủ đề quan trọng khác trong nền tài chính – kinh tế nước nhà. Đăng ký tranh luận, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, đoàn Thừa Thiên Huế 'vạch mặt' lĩnh vực mặt hàng tạm nhập tái xuất có lợi ít, hại nhiều cho nền kinh tế và nhiều cá nhân đã lợi dụng nó để buôn lậu.

Còn nói về trốn thuế, vị này cho rằng Nhà nước đang bị thất thu một số lớn thuế từ các cá nhân kinh doanh trên mạng hay các mô hình kinh té chia sẻ như Uber, Grab. Nguyên văn lời ông: "Một số lĩnh vực thất thu thuế, ví dụ như kinh doanh những mặt hàng Google, Uber, Grab. Những thất thu hiện này khá lớn, có lĩnh vực không thu được đồng thuế nào".

Cũng về các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, các Đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi về vấn đề chuyển giá. Đại biểu Triệu Thế Hùng đoàn Lâm Đồng thay mặt cho các cử tri đã cất lời 'hỏi sâu' về khu vực doanh nghiệp FDI.

"Số lượng doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam ngày càng đang tăng, cử tri đề nghị cho biết. Cử tri nói doanh nghiệp FDI hoạt động hàng vài chục năm nay nhưng vẫn báo lỗ, muốn biết lãi thật lỗ giả có còn không và xử lý được vụ nào chưa? - Đại biểu Hùng hỏi.

Nhất Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM