Quản lý chặt chẽ các dự án sử dụng vốn nhà nước

24/11/2013 13:49 PM |

Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ được QH cho ý kiến tại hội trường vào ngày 25.11.

Trao đổi với PV, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG nhấn mạnh, một trong những nội dung mới trong Dự thảo Luật đó là quy định quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, quy định rõ chức năng của chủ đầu tư và người quyết định đầu tư.

- Thưa Bộ trưởng, sau 10 năm triển khai thực hiện, Bộ trưởng cho biết những hạn chế, bất cập cơ bản của Luật xây dựng năm 2003?

- Luật Xây dựng được Quốc hội khóa XI thông qua năm 2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2004. Sau 10 năm triển khai thực hiện đã cơ bản đáp ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng, cũng như hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, đến nay cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp và cần thiết phải sửa đổi, cụ thể là:

Thứ nhất, Luật Xây dựng năm 2003 chưa phân định rõ phương thức, nội dung, phạm vi quản lý giữa các dự án sử dụng vốn nhà nước và dự án sử dụng vốn ngoài nhà nước; chưa có sự phân biệt về vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể khi quản lý các dự án sử dụng các loại nguồn vốn khác nhau. Trong nền kinh tế nhiều thành phần với các hình thức sở hữu khác nhau, việc còn thiếu các quy định cụ thể để quản lý đầu tư xây dựng phù hợp với loại nguồn vốn là một kẽ hở trong quản lý, dễ bị lợi dụng gây thất thoát, lãng phí.

Thứ hai, quá trình đẩy mạnh phân cấp quản lý đầu tư xây dựng chưa thực sự phù hợp với năng lực quản lý của chủ đầu tư, chưa gắn với việc đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Việc đẩy mạnh phân cấp, trong đó phân giao quá nhiều quyền hạn cho chủ đầu tư như hiện nay chỉ phù hợp với một số dự án sử dụng vốn ngoài nhà nước, nhưng mặt khác dễ tạo ra sơ hở trong việc quản lý các dự án sử dụng vốn nhà nước. Bên cạnh đó, việc phân cấp hiện nay còn thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ giữa quyền hạn và trách nhiệm, thiếu các cơ chế kiểm tra, giám sát cần thiết, là một nguyên nhân dẫn đến những sai phạm, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng , đây là tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.

Thứ ba, thiết kế cơ sở là nội dung quan trọng, cốt lõi của dự án đầu tư xây dựng, có ý nghĩa quyết định đối với tính khả thi và hiệu quả dự án. Tuy nhiên, pháp luật về xây dựng hiện hành còn thiếu những quy định cụ thể về sự tham gia, kiểm soát đối với thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí lớn trong các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước

Thứ tư, vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng đối với việc bảo đảm chất lượng công trình xây dựng chưa được phân định rõ và cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật về xây dựng

Thứ năm, các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng chưa phù hợp, thiếu quy định về quản lý theo loại nguồn vốn sử dụng; các quy định về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án còn cứng nhắc, thiếu nhất quán dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng 2003 cũng còn một số điểm hạn chế như: mô hình tổ chức ban quản lý quản lý dự án theo từng dự án đơn lẻ dẫn đến sự gia tăng về số lượng các ban quản lý dự án ở nhiều bộ, ngành, địa phương nhưng lại hạn chế về năng lực và tính chuyên nghiệp, ảnh hưởng đế chất lượng, tiến độ và hiệu quả dự án. Các quy định về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép còn nhiều điểm bất cập, chưa bảo đảm quản lý chặt chẽ về quy hoạch chi tiết, kiến trúc cảnh quan, môi trường và an toàn xây dựng...

- Trước thực tế trên, yêu cầu đặt ra đối với Luật Xây dựng (sửa đổi) có ý nghĩa rất lớn, thưa Bộ trưởng?

- Đúng vậy, Luật Xây dựng (sửa đổi) phải thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng để huy động các nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư xây dựng. Mặt khác, phải có phương thức và nội dung quản lý phù hợp với từng loại nguồn vốn, đặc biệt là trong quản lý sử dụng vốn nhà nước.

Luật Xây dựng (sửa đổi) phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Trong đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đồng thời có sự phân công, phân cấp hợp lý giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, Luật Xây dựng (sửa đổi) phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan và hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng.

- Bộ trưởng có thể cho biết những nội dung đổi mới trong Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) trình Quốc hội?

- Trên cơ sở kế thừa, phát triển những quy định của Luật xây dựng (2003) còn phù hợp, ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, ý kiến thẩm tra của Ủy ban KHCN - MT, góp ý của các ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và người dân... Dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) có những điểm mới sau: đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia hoạt động đầu tư xây dựng;

Sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt; tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng; đổi mới cơ chế quản lý chi phí nhằm quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thông qua hợp đồng xây dựng.

Bên cạnh đó dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) cũng bảo đảm công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng, đồng thời xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng và phân công, phân cấp hợp lý giữa các bộ, ngành, địa phương.

- Thưa Bộ trưởng, thất thoát lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua. Các quy định mới trong Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) liệu có khắc phục được tình trạng này không?

- Quá trình tổng kết thi hành Luật Xây dựng 2003 cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước là sự thiếu vắng vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong các khâu: thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng.

Xác định rõ vấn đề tồn tại, bất cập này, trong khi đang nghiên cứu sửa đổi Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đã kịp thời soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình, với đổi mới căn bản là quy định các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải có trách nhiệm kiểm soát về chất lượng công trình và chi phí xây dựng ngay từ khâu “tiền kiểm” thông qua việc thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thẩm tra dự toán (với công trình có sử dụng vốn ngân sách), những việc mà trước đây đều do chủ đầu tư thực hiện. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, qua 6 tháng thực hiện Nghị định này, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành sau khi thẩm tra đã cắt giảm khoảng 8% (trong đó có những dự án cắt giảm trên 30%) chi phí xây dựng so với dự toán thiết kế.

Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) với đổi mới căn bản là phân định các dự án sử dụng các nguồn vốn khác nhau thì có phương thức, nội dung và phạm vi quản lý khác nhau. Trong đó, đối với các dự án có sử dụng vốn nhà nước thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc “tiền kiểm” thông qua việc thẩm định dự án (mà nội dung trọng tâm, cốt lõi là thiết kế cơ sở), thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng, cũng như thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng, nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Cùng với đó, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) cũng đưa ra các quy định để đổi mới mô hình tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước, theo đó thay vì tổ chức các ban quản lý theo từng dự án đơn lẻ như hiện nay, thì sẽ thành lập những ban quản lý chuyên nghiệp theo khu vực hoặc theo chuyên ngành, thực hiện quản lý nhiều dự án, đây là một giải pháp nhằm nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của ban quản lý, qua đó góp phần bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả của dự án đầu tư.

Tôi tin tưởng rằng, khi Luật Xây dựng (sửa đổi) được QH thông qua, với những quy định mới như trên, sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Chí Tuấn


ngatt

Cùng chuyên mục
XEM