Chìm đắm trong của cải và danh vọng, nhưng ít ai nghĩ Apple đang chịu áp lực kìm kẹp trên sân chơi công nghệ

13/07/2017 08:47 AM | Công nghệ

Apple đang ở thế khó, bởi cả sự trì trệ kéo dài hay cách tân quá nhanh đều có thể khiến hãng này khuỵu chân.

Nếu quan tâm đến tin tức công nghệ thời gian gần đây, có lẽ bạn cũng biết chiếc iPhone của Apple vừa tròn 10 tuổi và Apple có rất nhiều lý do để ăn mừng.

Với iPhone, đây là nhân tố chính biến Apple từ một startup sản xuất máy tính và máy nghe nhạc trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. App Store thì được ví như một "nền kinh tế" thu nhỏ. Và tất cả những chiếc smartphone mới ra mắt luôn bị đem so sánh với iPhone - thường thì chúng đều không đạt được đến thứ mà nhiều người gọi là "tiêu chuẩn Apple".

Bước vào thập niên thứ hai của dòng sản phẩm này, Apple vẫn là đối thủ sừng sỏ nhất trên sân chơi di động. Thế nhưng sức mạnh hiện tại cũng chính là điểm yếu lớn nhất của Apple.

Những đối thủ lớn nhất của Apple bao gồm Amazon, Facebook, Microsoft và Google đều đang vạch ra các kế hoạch bào mòn sức mạnh của "Táo khuyết". Tất cả đều biết sự phụ thuộc của Apple vào hiện trạng chính là cơ hội vàng để họ chớp lấy thời cơ.

Cái gai trong mắt nhiều hãng công nghệ lớn

Sự phổ biến của iPhone dường như là một cái gai trong mắt của bất kì ai không làm việc tại công ty này. CEO Facebook - Mark Zuckerberg từ lâu đã cảm thấy hối tiếc vì đã không xây dựng một nền tảng di động khi có cơ hội.

Amazon cũng loại bỏ khả năng mua sách Kindle từ iPhone thay vì phải trả cho Apple khoản chiết khấu 30% mà mình được nhận. Ai cũng biết Android phổ biến hơn iOS, nhưng iPhone mới là nhân tố dành được phần lớn lợi nhuận từ sân chơi di động.

iPhone/ iOS cũng dường như miễn nhiễm trước mọi cơn sốt mà đối thủ gây ra. Đến nay, danh sách những "nạn nhân" phải kể đến Symbian của Nokia, BlackBerry OS của BlackBerry, WebOS của HP và thậm chí là cả Windows Phone của ông lớn Microsoft.

Với vị thế vững chắc, đối thủ của Apple buộc phải tìm kiếm đâu đó một khoảng trống ít ỏi để tìm đất sống với một iPhone quá quyền lực và vững vàng.

Tìm kiếm những mảng trời đầy tiềm năng

Facebook đang đặt cược ván bài của mình vào thực tế ảo, thực tế mô phỏng và chatbot. Đến nay, những thiết bị đeo thực tế ảo vẫn chưa phổ biến và mới chỉ là một thị trường ngách.

Thế nhưng, chúng có thể sẽ là nền tảng phần cứng chủ chốt tiếp theo của giới công nghệ. Tương tự, chatbot cho phép Facebook cung cấp những dịch vụ cao cấp, chất lượng đến người dùng các sản phẩm Apple mà không phải phân chia lợi nhuận với App Store.

Amazon đang thu hút sự chú ý với dòng loa thông minh Echo cùng trợ lý ảo Alexa có thể thực hiện một vài tác vụ đơn giản thông qua nhận diện giọng nói. Động thái này của Amazon cho thấy hãng muốn xây những bước vững chắc và là kẻ dẫn đầu trên cuộc chơi ứng dụng nhà thông minh, vượt qua cả hệ sinh thái vốn chưa thực sự đáng chú ý HomeKit của Apple.

Microsoft là nhà sản xuất đầu tiên cho ra đời một cặp kính thực tế mô phỏng với khả năng hoạt động độc lập mang tên gọi HoloLens. Sau khi không bắt kịp cuộc cách mạng smartphone, HoloLens được coi là giới hạn cần đạt đến tiếp theo để đưa Windows lên một tầm cao mới. Microsoft và Facebook theo đó đang cùng có một ý kiến, rằng thực tế ảo, thực tế mô phỏng có thể thay thế iPhone, hay bất kì thứ gì khác có màn hình. Tại sao cần mang theo một chiếc điện thoại nếu như những dòng tin nhắn hay trò chơi có thể "nhảy" ra ngay trong tầm nhìn của bạn?

Về phần Google, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, hãng này đang thử tất cả các "thí nghiệm" nói trên. Google có loa thông minh Google Home, nhiều ứng dụng đang được áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo tiên tiến, tập trung vào ứng dụng thực tế ảo với hệ sinh thái DayDream và quan trọng nhất là Google Glass được cho là đang chuẩn bị quay trở lại.

Apple không dậm chân tại chỗ, họ chỉ đơn giản là đang tiến những bước rất thận trọng và chậm rãi

Apple đang bị gắn chặt vào iPhone tới mức không thể thoải mái tìm đến sản phẩm “to lớn” tiếp theo của mình.

Trong khi đó, Microsoft, Facebook hay Amazon thì chẳng vướng bận điều gì. Họ có sự tự do để sáng tạo và tiến về phía trước mà không lo làm đau con bò hái ra tiền của mình. Google thì có sự tự do cao hơn, bởi doanh thu chính của họ đến từ quảng cáo tìm kiếm, chứ không phải hệ điều hành Android mà họ đang khuyến khích người ta sử dụng miễn phí.

Apple trong khi đó luôn phải thận trọng với đường đi nước bước mỗi khi rời mắt khỏi iPhone. Dù vậy, suốt nhưng năm qua, Apple vẫn có những bước tiến nhỏ nhưng quan trọng đến những sản phẩm tương lai, bắt đầu từ năm 2011 với trợ lý ảo Siri. Trong khi đó tai nghe không dây AirPods và loa thông minh HomePod vốn được ra đời để mang Siri tới gần đời sống của người dùng hơn.

Nhưng đây chỉ là cuộc chơi ngắn hạn. Trong dài hạn, con át chủ bài của Apple là Arkit, một bộ công cụ để giúp các nhà phát triển ứng dụng thực tế mô phỏng vào ứng dụng của mình thông qua camera của chiếc iPhone. Bằng cách này, vào thời điểm Apple ra mắt một chiếc kính thông minh của riêng mình, số lượng ứng dụng hỗ trợ nó sẽ cực kì phong phú. Arkit là cầu nối sự phổ biến của iPhone hôm nay với sự thống trị của những chiếc kính thông minh thương hiệu Apple trong tương lai.

Tiến thoái lưỡng nan

2017 là một cột mốc quan trọng. Những đánh cược của các hãng công nghệ lớn - thành hay bại đều ảnh hưởng và đóng vai trò định hình thị trường công nghệ trong nhiều thập niên tiếp theo. Apple là một cái tên lớn của ngành công nghiệp nhưng đúng là "người giàu cũng khóc" bởi nếu Apple chậm chạp, sẽ có cả tá đối thủ sẵn sàng vượt lên và chiếm lấy ngôi vương.

Trong khi đó, nếu di chuyển quá nhanh, Apple sẽ phải hy sinh triết lý "dựng lên các sản phẩm vừa đủ", khi cố tạo ra những sản phẩm "không thực sự chinh phục được thị trường".

Duy có một điều chúng ta biết rõ ở đây là những ngày vàng của iPhone không phải là mãi mãi. Hành trình chinh phục sóng lớn, những con sóng đổi thay và cách tân của các ông lớn, vẫn mới chỉ là bắt đầu.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM