Chiến lược New Retail của Seedcom là gì? Vì sao chỉ hơn 3 tháng đã thay 4 CEO của The Coffee House, Ahamove, Giao Hàng Nhanh Express, và CEO của chính Seedcom?
Chưa bao giờ đội ngũ điều hành của Seedcom cùng dàn lãnh đạo của các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư có sự thay đổi lớn trong một thời gian ngắn như vậy. Việc thay CEO The Coffee House mới đây được cho là điều cần thiết cho bước đường phát triển mới của họ, đặc biệt là theo chủ trương chiến lược New Retail của toàn Seedcom…
Tính từ cuối tháng 3 tới nay, Seedcom và các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của họ đã 4 lần thay CEO. Startup thay CEO đầu tiên là Ahamove (trực thuộc Scommerce), do xung đột về góc nhìn chiến lược của từng người.
Các đơn vị tiếp theo có sự xáo trộn về bộ máy điều hành là Giao Hàng Nhanh Express (cũng thuộc Scommerce), Seedcom, và mới đây là The Coffee House.
Nếu như 3 lần thay CEO tại Ahamove, Giao Hàng Nhanh Express và Seedcom, lý do được đưa ra khá chung chung, thì với lần thay CEO tại The Coffee House mới đây, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ trên Trí thức trẻ rằng: Sự thay đổi này là điều cần thiết cho bước đường phát triển mới của họ và "sự thay đổi này sẽ không thay đổi những giá trị cốt lõi mà The Coffee House theo đuổi từ ngày đầu mà còn đảm bảo nền tảng phát triển bền vững của The Coffee House trong tương lai".
"Việc Phương (ông Mai Hoàng Phương - Cofounder Seedcom - PV) làm CEO sẽ giúp cho The Coffee House có nền tảng vững chắc hơn về mặt tổ chức, công ty sẽ vận hành một cách bài bản, có hệ thống và tính kết nối. Quyết định này của tổ chức được dựa vào nhu cầu và mong muốn thực tế của khách hàng", đại diện The Coffee House cho biết.
Mọi thứ dựa vào nhu cầu và mong muốn thực tế của khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm (Customer Centeric) chính là trọng tâm trong chiến lược New Retail của Seedcom.
New Retail là gì?
Ảnh minh họa. Nguồn: Medium.
Xuất hiện tại Hội nghị Đầu tư 2019 - Thương chiến toàn cầu và hành động của doanh nghiệp Việt mới đây, tân CEO Seedcom Nguyễn Hoành Tiến đã có những lý giải cụ thể hơn về khái niệm New Retail.
Theo đó, phương thức bán lẻ truyền thống là doanh nghiệp sản xuất/nhập một sản phẩm rồi cố gắng bán sản phẩm đấy cho khách hàng. Còn với đường hướng New Retail, doanh nghiệp sẽ dự đoán được nhu cầu của khách hàng, sau đó chỉ làm những thứ khách hàng yêu cầu vào đúng lúc họ cần. Tức ngoài câu chuyện sản phẩm/dịch vụ (products/service) đánh trúng tâm lý khách hàng ở hiện tại hoặc tương lai, New Retail còn nhắm vào tính thời điểm (timing).
"Với sự phát triển của công nghệ, chúng ta có thể tiếp cận tới khách hàng qua rất nhiều kênh khác nhau. Nhưng vấn đề rất lớn là chúng ta rất dễ mất đi cái nhìn,khả năng có thể hiểu được nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng", ông Tiến - mới đảm nhiệm vị trí CEO Seedcom từ tháng 5/2019 - chia sẻ.
Cụ thể thì Seedcom thực hiện chiến lược New Retail thế nào?
Hệ sinh thái của Seedcom. Nguồn: Seedcom.
Theo diễn giải của ông Tiến, ở bước đầu tiên, Seedcom cùng với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đầu tư ứng dụng công nghệ nhằm hiểu hơn về nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng trên các kênh khác nhau, tìm hiểu xem kênh nào là phù hợp nhất để tiếp cận với một khách hàng.
Bước tiếp theo, sẽ sử dụng toàn bộ thông tin thu nhập được nói trên để thay đổi cách vận hành cũng như supply chain (chuỗi cung ứng) của mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo thời gian thực (real - time) tại nơi mà khách hàng cần nhất.
Việc ứng dụng công nghệ trong bán lẻ nhằm hiểu hơn nhu cầu khách hàng mới đây đã được thử nghiệm tại Ten Ren - thương hiệu trà sữa trong hệ thống của The Coffee House. Theo đó, khách hàng có thể order qua app và đến cửa hàng đã chọn lấy đồ uống trong vòng 30 phút.
Nhìn về câu chuyện bán lẻ trong tương lai, ông Tiến cho rằng hành vi khách hàng sẽ không có sự phân biệt giữa online và offline, mà sẽ tiếp xúc với các sản phẩm và dịch vụ trên cả hai kênh này cùng lúc.
"Thậm chí ở cùng một thời gian, họ sẽ buông offline để sử dụng online, và quay ngược trở lại trong một thời gian rất ngắn", ông Tiến nhìn nhận.
Xu hướng ngành bán lẻ trong tương lai tiếp theo, CEO Seedcom cho rằng là tính cá thể hóa ngày càng cao.
Bên cạnh đó, công nghệ sẽ không chỉ nằm trong mỗi khâu tiếp xúc với khách hàng, mà sẽ thay đổi toàn bộ cả phần supply chain, logistics và khâu sản xuất phía sau.
"Những yếu tố công nghệ, những thứ liên quan đến số liệu (data), đòi hỏi về câu chuyện trải nghiệm, ngay lập tức sẽ được chuyển vào trong các giai đoạn đằng sau một doanh nghiệp. Sự thay đổi của doanh nghiệp sẽ đi tới tận khâu yêu cầu về sản xuất", ông Tiến dự đoán.
Câu chuyện xóa nhòa ranh giới giữa mua hàng online và offline cũng được Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài đồng tình.
"Khái niệm online, offline là do chúng ta tự định nghĩa, khách hàng không quan tâm đâu. Cái khách hàng quan tâm là doanh nghiệp có sản phẩm họ đang cần với cách thức họ đang mong muốn hay không", ông Tài chia sẻ tại sự kiện.
Các cựu CEO đi đâu?
Ông Nguyễn Xuân Trường sau khi rời ghế CEO Ahamove hiện đã đầu quân cho CTCP dịch vụ Di Động Trực Tuyến (M_Service) - đơn vị sở hữu ví điện tử Momo. Cựu CEO Giao Hàng Nhanh Express Nguyễn Trần Thi được biết đã chuyển sang mảng Fulfillment, vẫn trực thuộc công ty này.
Ông Đinh Anh Huân dù rời ghế CEO nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT của Seedcom, hiện đảm đương thêm vị trí Chủ tịch HĐQT The Coffee House. Điều này cũng có nghĩa là tại The Coffee House, quyền điều hành và những quyết định chiến lược đều sẽ được đưa ra bởi "người của Seedcom".
Còn Nguyễn Hải Ninh - Founder và linh hồn của The Coffee House, theo thông tin từ doanh nghiệp này, "sẽ tiếp tục cống hiến cho The Coffee House bằng cách tập trung vào những bước đi dài sắp tới của chúng tôi. Ví dụ như: Ninh có thể đi tới nhiều vùng cà phê trong nước và trên thế giới để mang về cho The Coffee House những tinh hoa cà phê và nguồn nguyên liệu, mở rộng cơ hội học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu. Quan trọng hơn, anh có thể được gặp gỡ, lắng nghe nhân viên - khách hàng và lan tỏa được văn hoá cà phê cũng những giá trị của The Coffee House đến khắp cả nước".
Được tuyên bố là giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT sau khi rời ghế CEO, mô tả về công việc của Nguyễn Hải Ninh như trên lại tựa như công việc của một người phụ trách thu mua kiêm đại sứ cà phê.
Tại Starbucks, Đại sứ cà phê là một vị trí quan trọng trong việc chia sẻ câu chuyện và lan tỏa văn hóa cà phê Starbucks, là người khơi dậy cảm hứng cho khách hàng, cộng sự (nhân viên) và giới truyền thông. Vị trí Đại sứ cà phê tại Starbucks hiện do ông Major Cohen đảm nhiệm.