Chi tiết lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo luật mới
Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi, với việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường từ 60 lên 62 tuổi với nam, và từ 55 lên 60 tuổi với nữ. Cùng đó, người lao động được phép nghỉ hưu trước tuổi, hoặc nghỉ hưu muộn hơn, theo từng điều kiện khác nhau.
Theo đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động bắt đầu từ năm 2021, với nam là đủ 60 tuổi 3 tháng, với nữ là 55 tuổi 4 tháng; sau đó mỗi năm nam tăng thêm 3 tháng làm việc, nữ tăng thêm 4 tháng, cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Tuổi nghỉ hưu này áp dụng với lao động làm việc trong điều kiện bình thường.
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể như sau:
Năm áp dụng | Nam | Nữ | ||
Tuổi nghỉ hưu | Năm sinh bắt đầu chịu tác động | Tuổi nghỉ hưu | Năm sinh bắt đầu chịu tác động | |
2021 | 60 tuổi 3 tháng | 1961 | 55 tuổi 4 tháng | 1966 |
2022 | 60 tuổi 6 tháng | 1962 | 55 tuổi 8 tháng | 1967 |
2023 | 60 tuổi 9 tháng | 1963 | 56 tuổi | 1968 |
2024 | 61 tuổi | 1964 | 56 tuổi 4 tháng | 1969 |
2025 | 61 tuổi 3 tháng | 1965 | 56 tuổi 8 tháng | 1970 |
2026 | 61 tuổi 6 tháng | 1966 | 57 tuổi | 1971 |
2027 | 61 tuổi 9 tháng | 1967 | 57 tuổi 4 tháng | 1972 |
2028 | 62 tuổi | 1968 | 57 tuổi 8 tháng | 1973 |
2029 | Kết thúc lộ trình tăng với nam | 58 tuổi | 1974 | |
2030 | 58 tuổi 4 tháng | 1975 | ||
2031 | 58 tuổi 8 tháng | 1976 | ||
2032 | 59 tuổi | 1977 | ||
2033 | 59 tuổi 4 tháng | 1978 | ||
2034 | 59 tuổi 8 tháng | 1979 | ||
2035 | 60 tuổi | 1980 | ||
Kết thúc lộ trình tăng với nữ |
Luật cho phép người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 so với tuổi trên (tức nam được làm tới 67 tuổi, nữ tới 65 tuổi). Điển hình như: Giảng viên, người nghiên cứu khoa học, bác sĩ, lãnh đạo các cơ quan…
Luật cũng cho phép người lao động trong điều kiện làm việc năng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vùng khó khăn… sẽ được nghỉ hưu trước tuổi trên 5 năm (tức nam được nghỉ khi đủ 57 tuổi, nữ đủ 55 tuổi). Theo rà soát sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, sẽ có hơn 1.810 ngành nghề với hơn 3 triệu lao động thuộc nhóm này, như: Công nhân hầm lò, hoá chất, dệt may, da giày, điện tử, cơ khí…
Tuy nhiên, Luật không đưa ra danh mục chi tiết các ngành nghề, lĩnh vực được nghỉ hưu muộn, hoặc nghỉ hưu trước tuổi, Chính phủ sẽ quy định chi tiết theo từng thời kỳ, điều kiện cụ thể.
Riêng với người nghỉ hưu trước tuổi, ngoài điều kiện về ngành nghề làm việc, người lao động còn có thể nghỉ hưu sớm hơn 10-15 năm, nếu đáp ứng điều kiện về suy giảm khả năng lao động theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Cụ thể, theo Điều 55 Luật BHXH quy định về các điều kiện nghỉ hưu trước tuổi được hưởng lương hưu khi đóng BHXH đủ 20 năm như sau:
Từ 1/1/2020 trở đi, nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được nghỉ hưu và hưởng lương khi nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi.
Trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 81% nam được nghỉ hưu khi đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
Hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm công việc, ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (không cần điều kiện về tuổi đời) vẫn đủ điều kiện nghỉ hưu có lương.
Ngoài ra, theo Bộ LĐ-TB&XH, thời gian tới, khi nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH, cơ quan này sẽ đề xuất phương án giảm điều kiện về thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu, có thể xuống 10 hoặc 15 năm. Luật hiện hành quy định điều kiện tham gia BHXH ít nhất 20 năm mới được hưởng lương hưu.
Cùng đó, có thể cho phép người lao động đóng BHXH một lần cho thời gian còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Theo các chuyên gia, với quy định hiện hành và tuổi nghỉ hưu mới được thông qua, nếu người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm, nhưng chưa tới tuổi nghỉ hưu vẫn có thể nghỉ làm, và sẽ bắt đầu nhận lương hưu khi đủ tuổi.