Chi 48 tỷ đồng đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm kinh hoàng
Vì bế tắc trong xử lý rác nên 15 năm qua, chính quyền đã nhiều lần đóng cửa rồi lại tái sử dụng bãi rác Cam Ly. Nay, UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức ban hành quyết định phê duyệt dự án đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất tại TP.Đà Lạt .
Sáng 22/9, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chính thức ban hành quyết định phê duyệt dự án đóng cửa bãi rác Cam Ly (Phường 5, TP.Đà Lạt) với tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng.
Theo đó, UBND TP.Đà Lạt (chủ đầu tư ) sẽ thực hiện hoàn nguyên bãi rác với diện tích san gạt lên tới hơn 13 ha với các công đoạn: đào hố, phủ ni lông dưới hố để chứa rác rồi phủ lớp đất dày 50cm trên bề mặt, sau đó tiến hành trồng cỏ. Mặt khác, chủ đầu tư sẽ cho xây dựng kè chắn rác dài 1.450m, cao 1 - 3m, dày 0,2 - 0,8m, trạm xử lý nước rỉ rác (công suất 50m3/ngày đêm) kèm với đó là bể trữ nước rỉ rác 360m3…
Bãi rác Cam Ly đã hoạt động hơn 50 năm qua theo hình thức chôn lấp. Hàng chục năm nay, bãi rác chỉ cách trung tâm Đà Lạt khoảng 5 km này luôn trong tình trạng quá tải nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho nhiều khu vực dân cư. Bộ TN&MT từng đưa bãi rác này vào danh sách những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, cần đóng cửa khẩn cấp.
Năm 2015, bãi rác Cam Ly đã phải đóng cửa và chất thải rắn của thành phố được chuyển tới Nhà máy Xử lý chất thải ở xã Xuân Trường (cách trung tâm TP.Đà Lạt khoảng 25km). Tuy nhiên, một thời gian sau nhà máy xử lý chất thải không đáp ứng yêu cầu xử lý nên rác thải tiếp tục được tập kết tại bãi Cam Ly. Trung bình mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận khoảng 200 tấn chất thải rắn của TP Đà Lạt.
Lượng rác quá lớn nên đã 2 lần xảy ra sạt lở nghiêm trọng với những suối rác kéo dài cả cây số vùi lấp vườn tược và suối Cam Ly. Nơi đây cũng từng xảy ra những vụ cháy lớn khiến mùi xú uế tràn vào trung tâm thành phố khiến người dân và du khách cảm thấy ngột ngạt. Cơ quan chức năng phải mất nhiều ngày mới khống chế được đám cháy.
Mới đây, sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế tại bãi rác Cam Ly, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, trước mắt cần phải cô lập toàn bộ bãi rác này; đồng thời, thực hiện các giải pháp quản lý, xử lý chặt chẽ để đảm bảo môi trường sống cho người dân trong khu vực và toàn TP.Đà Lạt.