Chê cà phê Việt 'đắng và nặng', chàng trai này muốn xây dựng một thương hiệu chuẩn thế giới được sản xuất 100% trong nước, bán buôn tới tận Đan Mạch

27/12/2017 09:55 AM | Kinh doanh

Phong Lâm là ông chủ trẻ tuổi của thương hiệu VCR cà phê.

Gần đây, ngoài Pizza 4P’s và District Eight, một thương hiệu khác có cùng tham vọng vươn ra quốc tế gây chú ý là Vietnam Coffee Repulic (VCR) của ông chủ Phong Lâm. Lấy cảm hứng từ nhu cầu phát triển một loại cà phê Việt có nhận thức về mặt thương hiệu, Phong đã xây dựng VCR thành một cái tên có sức nặng và đã có sự hiện diện trên toàn cầu.

Tờ Vietcetera đã có buổi phỏng vấn với anh Phong tại một showroom của VCR trên đường Thái Văn Lung ở TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu sâu hơn về con đường làm cà phê của anh.

Q: Là người sở hữu một thương hiệu cà phê, anh uống loại cà phê nào mỗi sáng?

Phong Lâm: Tôi rất ngẫu nhiên. Có lúc tôi tự làm một tách espresso cũng có lúc tôi gọi một món bất kỳ theo ý thích của các bạn barista.

Q: Sau khi ở nước ngoài, anh đã quay lại Việt Nam kinh doanh và VCR đã khởi nghiệp như thế nào vậy?

Phong Lâm: Tôi lớn lên tại Việt Nam và luôn có sự kết nối tại đây. Sau khi quan sát thị trường và nghiên cứu một vài thương hiệu địa phương thành công, tôi chọn mở doanh nghiệp cà phê bởi cà phê có lẽ là một trong những sản phẩm nông nghiệp rất phổ biến.

Chê cà phê Việt đắng và nặng, chàng trai này muốn xây dựng một thương hiệu chuẩn thế giới được sản xuất 100% trong nước, bán buôn tới tận Đan Mạch - Ảnh 1.

Thành thật mà nói, tôi không thực sự thích một tách cà phê điển hình của Việt Nam. Quá đắng hoặc nhiều caffeine. Dù vậy tôi nhận ra cà phê ẩn chứa một tiềm năng lớn. Với một vài điều chỉnh và cách xây dựng thương hiệu phù hợp, tôi biết mình có cơ hội trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường và sản phẩm cà phê hạt sản xuất trong nước của chúng tôi sẽ đạt được các tiêu chuẩn cà phê uống của thế giới đã phát triển rất cao.

Tôi bắt đầu tìm hiểu từng bước một về cà phê – đầu tiên là sống trong các trang trại tại Indonesia và ở Philippines trong 6 tháng. Tôi học hỏi về quy trình trồng và sản xuất hạt cà phê. Tôi cũng tới Portland và Oregon để nghiên cứu về cách rang cà phê trước khi chính thức quay lại Việt Nam để bắt đầu.

Q: Văn hóa cà phê ở Việt Nam có ý nghĩa gì với anh?

Phong Lâm: Ở Việt Nam có văn hoá cà phê nhưng tôi cho rằng điều này giống xu hướng hành vi hơn. Rất nhiều hoạt động xã hội của mọi người liên quan tới cà phê. Đó không chỉ là một phần thói quen buổi sáng mà còn là lý do tuyệt vời để mọi người gặp nhau. Tuy nhiên, dường như có ít người quan tâm thực sự tới nguồn gốc và đặc điểm của cà phê. Bạn biết đấy, cà phê ở Việt Nam như chúng ta biết chưa phải là loại cà phê tốt nhất mà Việt Nam cung cấp.

Tại VCR, chúng tôi không muốn phục vụ loại cà phê bạn đã thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Chúng tôi muốn làm sản phẩm để hài lòng những khách hàng quan tâm cà phê uống và thưởng thức, nhưng vẫn sản xuất 100% tại Việt Nam.

Chê cà phê Việt đắng và nặng, chàng trai này muốn xây dựng một thương hiệu chuẩn thế giới được sản xuất 100% trong nước, bán buôn tới tận Đan Mạch - Ảnh 2.

Q: Những kiểu khách như thế nào hay thưởng thức cà phê chiều tại VCR?

Phong Lâm: Lúc bắt đầu, tôi thực sự không quá quan tâm tới việc xác định cơ sở khách hàng hoặc thị trường mục tiêu vì tôi chưa biết. Tôi cũng không muốn sử dụng các kỹ thuật marketing và quảng cáo nhắm tới riêng cho bất kỳ nhóm khách hàng nào. 4 năm trước khi mở quán cà phê đầu tiên, tôi thực sự không biết chính xác khách hàng của mình là ai. Tôi muốn tập trung vào sản phẩm và tạo ra thứ mà ai cũng có thể thưởng thức. Điều duy nhất tôi bận tâm là liệu sản phẩm của mình có thể tồn tại được hay không. Tôi biết nếu đủ mạnh, nó sẽ thịnh vượng và mọi người cũng sẽ thích. Ít nhất, đó là những gì tôi tự nói với mình.

Q: VCR khác biệt thế nào với các đối thủ cạnh tranh?

Phong Lâm: Chúng tôi không thực sự làm điều gì đó mới hoặc khác biệt hoàn toàn, thay vào đó chỉ tập trung vào làm mọi thứ theo cách tốt hơn. Tại VCR, chúng tôi nghiêm ngặt tuân thủ quy trình đã được phát triển trong hàng thế kỷ - từ thu hoạch tới đóng gói, rang và pha chế.

Q: Đội ngũ của anh gồm những ai? Anh có đang muốn mở rộng hay không?

Phong Lâm: Tôi có một đội ngũ nhân viên gồm kiểm soát chất lượng, sáng tạo nội dung và quản lý vận hành, còn bản thân tôi là trưởng dự án. Chúng tôi hiện đang tìm kiếm những thành viên mới để phụ trách về logistic và điều hành.

Chúng tôi muốn mở rộng kênh phân phối bán buôn và đang tập trung gấp đôi nguồn lực. Một trong những đơn vị phân phối chính của chúng tôi là ở Copenhagen, Đan Mạch và chúng tôi luôn tìm kiếm nhiều đối tác hơn nữa.

Q: Đã có cửa hàng cà phê nào ở TP Hồ Chí Minh phục vụ bằng sản phẩm của công ty anh chưa?

Phong Lâm: Sản phẩm cà phê của chúng tôi bán tại nhiều cửa hàng cà phê, khách sạn và nhà bán lẻ tại Sài Gòn. Bạn có thể tìm thấy chúng ở những phố như Nguyễn Huệ, Lê Lợi. Hầu hết những nhà phân phối của chúng tôi ban đầu là khách hàng đến uống cà phê. Họ vào cửa hàng gọi một tách cà phê, cảm thấy thích và sau đó chúng tôi trò chuyện.

Thật khó để thuyết phục ai đó chứng thực chất lượng sản phẩm khi chưa để họ thử dùng.

Q: Dự định tiếp theo với VCR là gì thưa anh?

Phong Lâm: Xây dựng website hiện là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đã làm trong hơn 1 năm và hiện đang phát triển nó. Chúng tôi muốn đưa thương hiệu VCR ra toàn cầu và có thể trưng bày sản phẩm của mình cho cơ sở khách hàng rộng hơn. Bên cạnh hoạt động sản xuất cà phê hạt và sản phẩm cà phê, chúng tôi còn có khát khao giới thiệu "trải nghiệm Việt Nam" tới thế giới.

Chê cà phê Việt đắng và nặng, chàng trai này muốn xây dựng một thương hiệu chuẩn thế giới được sản xuất 100% trong nước, bán buôn tới tận Đan Mạch - Ảnh 3.

Về mặt sản phẩm, Ready to Drink là một dòng sản phẩm mới mà chúng tôi rất thích thú. Sản phẩm này là cà phê lạnh đóng chai. Chúng tôi gọi là "Cà Phê Đá". Tôi cho rằng phục vụ cà phê lạnh trong chai là một mô hình sẽ phổ biến. Nó khác so với các loại cà phê đóng chai hiện tại được cung cấp trong các siêu thị. Nó không phải là thức uống có hương vị cà phê mà là sản phẩm thủ công, nước cà phê được chiết xuất từ nước lạnh và chậm (chúng tôi chiết xuất trong 16 tiếng), đây hoàn toàn là nước cà phê không pha trộn với bất kỳ nguyên liệu nào khác nữa.

Một vài năm trước, sản phẩm đồ uống lạnh đóng chai chỉ có thể giữ được khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên với cà phê đóng chai của VCR, chúng tôi có quy trình đóng chai cho phép giữ được cà phê tươi trong 6 tháng – nghĩa là mọi người có thể thưởng thức được lâu hơn.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM