"Chạy sô" chợ Viềng - Phủ Dầy, vạn người bỏ quên nơi linh thiêng nhất

16/02/2019 11:01 AM | Xã hội

Đây không hề là bài rao giảng đạo đức nặng lý thuyết. Câu chuyện có thật được PV Báo Lao Động ghi nhận tại khu vực phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) ngay trong đêm diễn ra phiên chợ Viềng, ít nhất 2 năm liên tiếp.

Chợ Viềng (Vụ Bản, Nam Định) chỉ họp mỗi năm một lần, kéo dài từ tối mồng 7 đến sáng mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Do rất gần quần thể tín ngưỡng phủ Dầy nên hàng vạn du khách tới chợ dịp này, bên cạnh mong muốn "mua may - bán rủi", còn kết hợp dâng lễ tại các cung phủ cầu cúng tài lộc.

Với hơn 20 đền phủ trải rộng trên địa bàn xã Kim Thái (huyện Vụ Bản), lại trong cảnh chen chúc xô đẩy, phần đa du khách chỉ có thể viếng thăm một vài di tích chính. Trong đó, tất nhiên, không thể bỏ qua Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung.

 Chạy sô chợ Viềng - Phủ Dầy, vạn người bỏ quên nơi linh thiêng nhất  - Ảnh 1.

Vạn người chen chân dâng lễ ở Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung.

Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung nằm ở vị trí trung tâm của quần thể tín ngưỡng tâm linh Phủ Dầy - cái nôi của Đạo Mẫu Việt Nam. Về quy mô, Phủ trải rộng một diện tích lớn, rất khang trang, với lối kiến trúc trùng thềm điệp ốc độc đáo.

Phía ngoài sân đền là Tam Quan mái cong hoành tráng, với lầu chuông thật uy nghi, lại tọa ngay trục đường chính "vạn người qua lại" nên lại càng có cơ hội thu hút du khách.Người vào kẻ ra nườm nượp, ai nấy cúi đầu thành khẩn, xì xụp khấn vái thánh Mẫu, quan Ông... tiền lẻ vãi khắp các ngóc ngách, đan cả vào khe cửa, tay tượng.

Ngay cổng vào, 2 bên cửa phủ chính là nơi đặt 2 két sắt khổ lớn kèm tấm biển "nơi ghi nhận công đức". 3-4 người ngồi sau 2 dãy bàn kê sát cạnh két thoăn thoắt ghi chép danh tính của khách thập phương lên những cuốn sổ lớn. Thậm chí có thời điểm quá tải, lực lượng mặc cảnh phục cũng được huy động đến để ngồi xuống bàn hỗ trợ gia đình thủ nhang.

Không chỉ tại chính điện, theo quan sát của PV Báo Lao Động trong khuôn viên Phủ Bóng, bất cứ chỗ nào có thể khấn vái được thì ở gần đó, chọn đúng chỗ dễ quan sát nhất, sẽ xuất hiện hòm công đức. Phần đa các hòm đều có người trông giữ kiêm ghi phiếu, vào sổ bởi số tiền góp vào thường có mệnh giá lớn...

 Chạy sô chợ Viềng - Phủ Dầy, vạn người bỏ quên nơi linh thiêng nhất  - Ảnh 2.

Hòm công đức tại Phủ Bóng luôn xuất hiện tại nơi dễ quan sát nhất, có thời điểm được hỗ trợ bởi lực lượng mặc cảnh phục. (Ảnh chụp năm 2018)

 Chạy sô chợ Viềng - Phủ Dầy, vạn người bỏ quên nơi linh thiêng nhất  - Ảnh 3.

Một phụ nữ đang chờ ghi phiếu công đức tại một địa điểm bên trong Phủ Bóng.

Đối nghịch với cảnh tấp nập tại những hòm công đức, ở một góc nhỏ ngay hành lang hướng vào Cung Mẫu, khá lặng lẽ, là hai chiếc thùng gỗ gọn gàng nép sát vào tường.

Đó là hòm quyên góp gây quỹ từ thiện của Hội người mù huyện Vụ Bản và hòm quyên góp cho trẻ em tàn tật của Trung tâm CTTETT Vụ Bản. Theo thông báo đặt, 2 hòm từ thiện này nhằm đón nhận những tấm lòng hảo tâm của du khách thập phương dành cho những phận đời bất hạnh.

Không biết do vô tình hay hữu ý, chúng lại vừa vặn bị một chiếc tủ lớn và một cột đá sáng màu che khuất khiến càng khó nhận thấy hơn. Một bình hồng héo đặt chênh vênh trên mặt thùng. Sơ sài. Tạm bợ.

 Chạy sô chợ Viềng - Phủ Dầy, vạn người bỏ quên nơi linh thiêng nhất  - Ảnh 4.

Hai hòm quyên tiền từ thiện đặt tại vị trí khá bất lợi so với các hòm công đức.

Vậy nhưng trong 2 năm liên tiếp, cùng có mặt tại khu vực này nhiều giờ đồng hồ để quan sát, PV Báo Lao Động không chứng kiến được bất cứ trường hợp nào vì động lòng trắc ẩn mà sẻ chia. Từ thanh đồng đệ tử đến du khách thập phương, tất thảy đều vội vã lướt qua như một cơn gió.

Cũng có người dừng lại dọc hành lang đưa mắt quan sát các biển bảng, xong rồi dường như chẳng đọng lại gì, lại cất bước rời đi. Chỉ vài bước chân nữa, họ đã có mặt tại một địa điểm tối linh thiêng - nơi họ có thể mặc sức xì xụp mà khấn vái hoặc thể hiện lòng hào phóng, thành kính với thánh thần.

Những người đến với Phủ Bóng, ai cũng có những mưu cầu riêng, những tâm sự riêng nặng trĩu để thì thầm với tượng gỗ, hiện thân của thế giới siêu nhiên. Nhưng với thế giới thực, với những mảnh đời thực thiếu thốn, lại quá khó kiếm được một người thành tâm mặn mà.

2 hòm từ thiện "cô đơn" giữa dòng người qua lại.

Như trong một bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đăng trên Tuần Việt Nam hồi năm 2010, ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Lòng từ bi chỉ thực sự có ở ngay trong chính đời sống thường nhật của con người. Khi ai đó giúp đỡ một người không may mắn, gặp hoạn nạn thì lòng người đó có Phật...

Vậy phải chăng vạn người chen chân "chạy sô" chợ Viềng - Phủ Dầy đêm ấy, đã bỏ quên ngôi đền, ngôi chùa linh thiêng nhất?

Theo ông Nguyễn Tài Sinh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vụ Bản - những hòm từ thiện đặt tại Phủ Bóng là do chính các cơ quan như Hội Người mù hay Trung tâm Trẻ em tàn tật huyện quản lý. Hàng năm, khi đến dịp lễ hội, các đơn vị lại mang hòm từ thiện tới nhờ đặt.

Về vị trí bất lợi của những chiếc hòm, ông Sinh cho biết là do các bên thống nhất chứ không hoàn toàn là quyết định của người quản lý Phủ. Còn về mặt hiệu quả, vị Trưởng phòng Văn hóa huyện nói ông cũng không nắm được cụ thể.

Theo Long Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM