Tục "lấy lửa" độc đáo mang may mắn từ đình làng về tới nhà ở Hà Nội
Trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ, hàng trăm người dân chen chân lấy lửa từ khoảng 100kg vàng mã được hoá ở đình làng mang về nhà, để mong có một năm may mắn cho cả gia đình.
Tối 11 tháng Giêng (15/2), đình làng An Định (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) làm lễ hóa vàng tại sân đình cho người dân "lấy đỏ" (xin lửa) về nhà.
Từ chập tối, người dân trong làng đã bắt đầu rậm rịch ra đình làng, hương được đặt sẵn ở bên ngoài cửa chính của đình cho người dân sử dụng.
Trẻ nhỏ tinh quái buộc những bó hương vào đầu các thanh tre dài để châm lấy lửa mà không bị sức nóng làm khó chịu.
Lễ hội truyền thống của làng kéo dài từ ngày mùng 7 Tết đến 11 tháng Giêng. Đúng 9h tối nay, sau khi kết thúc lễ tế, các bô lão trong làng nổi lửa trên một ngọn bấc buộc trên một cây sào dài.
BTC lễ hội mang toàn bộ vàng hương ra đổ ra giữa sân cổng đình để hoá. Số lượng vàng hương mỗi năm một khác nhau, nhưng năm nào cũng áng chừng khoảng 100kg.
Ngay sau khi vàng mã bén lửa, người dân trong làng với những bó hương chuẩn bị trước, chụm vào "lấy đỏ".
Những người lấy được lửa đầu tiên được cho là sẽ nhận được nhiều may mắn hơn cho gia đình trong năm mới. Và nếu ai mang được hương còn đượm lửa về tới bàn thờ nhà mình thì may mắn càng nhiều.
Một cậu bé tinh ranh dùng xe đạp để mang được bó hương còn đang sáng lửa về nhà cho nhanh.
Anh Nguyễn Văn Tiến với một cây sào dài buộc một chiếc bấc là một trong những người lấy được lửa sớm nhất. Nhà anh cũng chỉ cách đình làng vài chục mét, anh nhanh chóng chạy về nhà cho vợ châm hương "lấy đỏ" mang lên cắm trên bàn thờ.
Một người đàn ông khác chạy xe máy đèo theo nhiều trẻ nhỏ trong nhà đi theo để "lấy đỏ".
Một đôi trai gái cũng vội vàng chạy xe máy mang "đỏ" về nhà cho kịp.
Ngọn lửa bùng cháy trong khoảng gần 1 tiếng đồng hồ liên tục.
Không chỉ người dân làng An Định mà còn có cả người dân một số làng bên, du khách từ xa cũng biết đến tục lấy đỏ may mắn mà kéo đến xin lửa.
Một số địa phương trên cả nước cũng có tục lấy đỏ tương tự như tại làng An Định, như ở Nam Định, Thanh Hoá... Tuy nhiên, ngày tổ chức lễ khác nhau như đêm Giao thừa và người dân cũng dùng vật dụng lấy lửa khác như cây sào dài, gậy tre gỗ chứ không phải chân hương.
Gần 22h, lửa đã tàn bớt đi nhiều, nhưng một số thanh niên phải dùng bìa các tông để che mặt tránh nóng khi châm hương quá gần.
Một bô lão trong làng chờ tới khi đống lửa đã sắp tàn mới vào lấy lửa mang về nhà.
Theo lời các bô lão trong làng, vàng hương dâng cúng là lộc của nhà thánh, truyền lại cho nhân dân và du khách thập phương qua ngọn lửa hồng khi hoá, truyền thống của làng đã được gìn giữ từ nhiều đời nay và là một trong những tục lệ độc đáo tại Hà Nội.