Vì sao không nhận tiền cúng bái, không có sư trụ trì nhưng hàng chục nghìn ngôi chùa tại Nhật vẫn tồn tại tới hàng trăm năm ?

16/02/2019 08:01 AM | Xã hội

Số liệu chính thức cho thấy Nhật Bản có khoảng 82.000 ngôi đền, chùa và điều trớ trêu là phần lớn chúng không có sư trụ trì.

Phật giáo là một tôn giáo lâu đời phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Việc đến cúng bái đền chùa cũng là một phong tục vào những ngày đầu năm sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, việc quyên góp tiền bạc tại đền chùa ở các nước lại vô cùng khác nhau.

Tại Nhật Bản, các đền chùa thường không có hòm công đức và người dân cũng không có thói quen lấy tiền để cúng. Bởi vậy nhiều du khách có thói quen này sẽ cảm thấy lạ lẫm khi đến thăm các đền chùa Nhật mà chẳng có hòm công đức hay xấp tiền nào được bày dưới chân các bệ thờ.

Vậy câu hỏi được đặt ra là làm thế nào những ngôi chùa tại Nhật có thể tồn tại mà không nhận những tờ tiền phúng bái của khách thập phương?

Vì sao không nhận tiền cúng bái, không có sư trụ trì nhưng hàng chục nghìn ngôi chùa tại Nhật vẫn tồn tại tới hàng trăm năm ? - Ảnh 1.

Trên thực tế, những ngôi chùa tại Nhật có cung cấp các dịch vụ làm lễ cho người đã mất, làm đám cưới hay tổ chức cầu may cùng hàng loạt những dịch vụ mang tính tâm linh khác. Tuy nhiên với sự bùng nổ kinh tế và tỷ lệ vô thần ngày càng cao ở Nhật, rất nhiều ngôi chùa hiện nay còn kinh doanh thêm như cho thuê bất động sản, mở nhà hàng, phòng tắm hơi, suối nước nóng, nghỉ dưỡng và du lịch, kết hợp khách sạn… nhằm gia tăng nguồn thu.

Không nhận tiền cúng

Nghe có vẻ nực cười nhưng ngoại trừ một số ngôi đền nổi tiếng, rất nhiều ngôi chùa nhỏ tại Nhật đang phải vất vả duy trì nguồn thu để hoạt động bởi người dân không có thói quen cúng tiền và các nhà sư, thầy pháp cũng không chấp nhận kiểu nhận tiền này.

Ngoài nguyên nhân các ngôi chùa coi trọng danh dự cũng như lòng tự tôn, văn hóa Nhật Bản chú trọng khá nhiều đến tinh thần và tâm linh hơn là vật chất trong các nghi lễ. Đây là lý do chính khiến những ngôi chùa thà đi kinh doanh các dịch vụ không liên quan chứ nhất quyết không chịu thu tiền cúng.

Ví dụ ngôi chùa Eiheiji được xây dựng từ thế kỷ 13 nằm sâu trong rừng đã kết hợp với các nhà kinh doanh bất động sản nhằm xây một khách sạn nghỉ dưỡng trị giá 11 triệu USD gần đó để cùng kinh doanh. Việc đồng Yên yếu đã thu hút lượng lớn khách du lịch và Eiheiji cũng không bỏ qua cơ hội nhằm gia tăng nguồn thu, kiếm tiền để đào tạo cho các nhà sư trẻ cũng như duy tu ngôi chùa.

Vì sao không nhận tiền cúng bái, không có sư trụ trì nhưng hàng chục nghìn ngôi chùa tại Nhật vẫn tồn tại tới hàng trăm năm ? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, việc dân số suy giảm nhanh khiến lượng khách đến viếng chùa cũng như sử dụng dịch vụ từ các nhà sư giảm mạnh. Tuổi cao sức yếu khiến nhiều người không thể di chuyển lên ngôi chùa nằm sâu trong rừng, trong khi giới trẻ ngày nay thì không hào hứng mấy với việc cúng bái.

Ngay bản thân ngôi chùa Eiheiji hiện nay cũng chỉ có chưa đến 500.000 du khách đến hàng năm, chỉ bằng gần 1/3 so với thời kỳ cuối thập niên 1980.

Chính quyền địa phương đã cố gắng cho xây các tuyến tàu hỏa đến gần khu đền nhất có thể nhưng vẫn giữ được cảnh quan thiên nhiên trong khu vực. Nhờ vậy du khách chỉ mất 2 tiếng rưỡi nếu đi tàu từ thủ đô Tokyo đến đền Eiheiji.

Ngoài ra, ngôi chùa này cũng cho xây dựng 2 nhà nghỉ với quán bar bên trong với tổng trị giá 1,3 tỷ Yên tại ngôi làng gần đó nhằm thu hút thêm du khách.

Ngành kinh doanh béo bở

Đối với những ngôi chùa hẻo lánh ít du khách, việc cố gắng duy trì lượng du khách nghe có vẻ khá vất vả nhưng trên thực tế, mảng kinh doanh tâm linh tại các ngôi chùa Nhật lại khá thu hút các nhà đầu tư.

Số liệu cho thấy những ngôi đền nổi tiếng như Meiji Shrine ở Tokyo thu về khoảng 1,3 tỷ Yên chỉ trong 3 ngày Tết nguyên đán nhờ các dịch vụ cúng bái, làm lễ. Hay ngôi đền Naritasan Shinsoji thu về 1,24 tỷ Yên cũng chỉ trong 3 ngày.

Vì sao không nhận tiền cúng bái, không có sư trụ trì nhưng hàng chục nghìn ngôi chùa tại Nhật vẫn tồn tại tới hàng trăm năm ? - Ảnh 3.

Rõ ràng việc kinh doanh dịch vụ tâm linh tại Nhật không hề hẩm hiu chút nào. Đó là chưa kể lượng bất động sản vô cùng lớn mà những ngôi chùa này sở hữu có thể được sử dụng làm khách sạn hay kinh doanh. Nhất là những ngôi chùa nằm ở các thành phố lớn như Tokyo thường nắm giữ những khu đất vô cùng đắc địa.

Một nguyên nhân nữa khiến nhiều nhà đầu tư Nhật ưa thích bỏ tiền cho các ngôi chùa là họ được miễn thuế. Theo Bộ luật tôn giáo của Nhật, những nguồn thu từ các dịch vụ tâm linh của đền chùa được miễn thuế. Dẫu vậy việc kiểm toán những nguồn thu này không chặt chẽ và chúng dễ dàng bị làm sai lệch để rửa tiền hay trốn thuế.

Năm 2013, ngôi đền Naritasan đã bị chỉ trích vì khái báo chi 100 triệu Yên chuẩn bị bữa ăn cho du khách thập phương trong vòng hơn 5 năm trong sổ sách tài chính, một số tiền rất bất hợp lý. Tại ngôi chùa này, các bữa ăn nhẹ thường được tổ chức miễn phí nhằm mục đích tâm linh và ngôi chùa đã dùng chi phí mua thức ăn để trừ vào các khoản thu đóng thuế.

Đó là chưa kể đến hàng loạt những khoản thu nhập nhằng giữa phải và không phải đóng thuế. Ví dụ ngôi chùa Sensoji Temple ở Tokyo nổi tiếng với du khách đã cho thuê hàng loạt những cửa hàng bán đồ lưu niệm cũng như đồ cúng nhưng số tiền thuê này lại được liệt vào danh sách miễn thuế.

Một ví dụ khác ở Kyoto khi chính quyền địa phương muốn đánh thuế vào những khoản thu bất chính của các đền chùa nhưng nhận được sự phản ứng dữ dội và buộc các quan chức phải từ bỏ kế hoạch này.

Có thể nói, đền chùa là một thế lực không hề nhỏ tại Nhật và du lịch tâm linh thường thu được lãi lớn khi các ngôi chùa có thể tăng chi phí bất hợp lý chỉ vì những lý do như tu sửa tượng phật hay xây lại mái nhà chống dột.

Số liệu chính thức cho thấy Nhật Bản có khoảng 82.000 ngôi đền, chùa và điều trớ trêu là phần lớn chúng không có sư trụ trì. Những ngôi chùa này thường thuê các sư trụ trì từ nơi khác để làm các dịch vụ cúng bái để kiếm thêm thu nhập. Tất nhiên, người Nhật không cảm thấy bất thường về điều đó và đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính khiến các ngôi chùa không cần tiền cúng nhưng vẫn tồn tại được.

Vì sao không nhận tiền cúng bái, không có sư trụ trì nhưng hàng chục nghìn ngôi chùa tại Nhật vẫn tồn tại tới hàng trăm năm ? - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM