CGV bị "tố" ăn chia không công bằng: Câu chuyện đã có từ thời Megastar

20/05/2016 15:18 PM | Kinh doanh

Thay tên đổi chủ nhưng vẫn là doanh nghiệp giữ thị phần thống lĩnh tại Việt Nam, cả CGV (hay Megastar trước đây) đều dính tới những vụ kiện vì ăn chia không công bằng.

Tháng 3/2010, 6 doanh nghiệp phát hành và chiếu phim trong nước đã gửi đơn khiếu nại đến Cục quản lý cạnh tranh, cáo buộc Megastar (ông chủ cũ của cụm rạp hiện đã về tay CGV) lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để ép buộc một tỷ lệ ăn chia không công bằng.

Nội dung tố cáo xoay quanh lợi thế của Megastar với thị trường phim nhập khẩu, bởi cụm rạp này nắm giữ hợp đồng phát hành với 4 trong số 5 hãng phim lớn nhất của Hollywood lúc bấy giờ, như Walt Disney Studios, Paramount/Dreamworks, Universal Pictures, Fox, Warner Bros/Sony.

Khi đó, câu chuyện về thị phần rạp chiếu không tương đồng như trường hợp của CGV hiện nay. Megastar từng là là cụm rạp thuộc sở hữu của công ty Phương Nam (20%) và đối tác Envoy Media Limited của British Virgin Island (sở hữu 90%) với số vốn rót vào thị trường khoảng 25 triệu USD. Hãng sở hữu 49 phòng chiếu trong 7 cụm rạp, con số không áp đảo nếu tính trên thị trường có 30 rạp với gần 200 phòng chiếu đang hoạt động vào năm 2009 của Việt Nam.

Tuy nhiên, những bộ phim bom tấn lúc đó như Avatar, Iron Man, Transformer... đều thuộc quyền phát hành của Megastar. Tại thị trường Việt Nam, đơn vị này sẽ nhập phim, sau đó phân phối lại cho các rạp khác dưới hình thức cho thuê. Vì nắm trong tay những bộ phim bom tấn, sản phẩm mà Megastar cung cấp cũng lôi kéo được nhiều người đến rạp hơn, mang lại lợi nhuận (vốn được chia đều) cho cả cụm rạp và cả nhà phát hành vào thời điểm trước năm 2009.


Vào thời điểm phát triển cực thịnh, Megastar cũng dính vào vụ kiện với 6 cụm rạp và nhà phát hành trong nước. Ảnh: Internet.

Vào thời điểm phát triển cực thịnh, Megastar cũng dính vào vụ kiện với 6 cụm rạp và nhà phát hành trong nước. Ảnh: Internet.

Tháng 6/2009, với lý do doanh thu cao thì chi phí cũng phải cao, Megastar nâng giá thuê phim, đồng thời yêu cầu một tỷ lệ ăn chia theo chính sách "giá thuê tối thiểu trên mỗi người xem". Khi đó, với các phim mà doanh nghiệp này phân phối, cụm rạp nào bán vé dưới 50.000 đồng thì Megastar sẽ được nhận phần cố định là 25.000 đồng (sau thuế), còn nếu bán vé trên 50.000 đồng thì áp dụng mức ăn chia 50-50.

Chính sách này ngay lập tức làm khó những đơn vị cùng ngành. Megastar có rạp đẹp, tiêu chuẩn hơn và sở hữu nhiều phim bom tấn hơn nên khách hàng dễ dàng rút hầu bao cao hơn để xem phim tại rạp của họ. Nhưng với Cinebox - cụm rạp mang tiêu chuẩn quốc tế từ những năm đầu 2000 hãng phim Giải Phóng - giá vé chỉ là 25.000 đồng. Hay như rạp Dân Chủ (Hà Nội), chỉ là 20.000 đồng.

Một số rạp chiếu phim sau này đã phải đóng cửa vì làm ăn không hiệu quả. Rạp Dân chủ là một ví dụ.

Để có lãi, các rạp phải thu được 45% giá vé, tức là với tỷ lệ ăn chia đạt mức 55% tương đương 25.000 đồng và 5% VAT, giá vé tối thiểu phải là 47.727 đồng. Nếu thấp hơn giá vé 47.727 đồng thì phần thu còn lại của rạp là thấp, không bù lại chi phí hoạt động.

Do đó, việc áp dụng chính sách đơn phương này khiến các rạp phải lựa chọn: hoặc không có phim hút khách để chiếu, giữ giá vé và chiếu xong thì phải chịu lỗ vì toàn bộ tiền vé phải trả hết cho Megastar, hoặc nâng giá vé cao hơn 47.727 đồng nhưng mất lượng khán giả có mức thu nhập trung bình và thấp. Không chịu được tình trạng lỗ kéo dài do chính sách ăn chia này, các doanh nghiệp trong nước quyết kiện ông lớn nước ngoài vi phạm luật cạnh tranh.

Vụ kiện nhiều lần bị gia hạn giải quyết, kéo dài tới năm 2011, trùng đúng vào thời điểm CJ-CGV (Hàn Quốc) từng bước thâu tóm, chiếm quyền khống chế tại MegaStar. Năm 2011, CJ-CGV giữ 92% cổ phần Envoy Media Limited tại đây. Đến năm 2013, CJ chuyển đổi tên của Megastar sang CGV, và vụ kiện chìm dần vào quên lãng.

Chỉ hơn 2 năm sau khi tiếp quản toàn bộ hoạt động của Megastar, CGV lại đối mặt vụ kiện về ăn chia doanh thu, nhưng lần này là trên thị trường phim Việt, với nguyên nhân đến từ thị phần rạp chiếu khống chế của hãng tại Việt Nam. Cuộc chiến giữa các cụm rạp lại tiếp tục trùng với thời điểm ra mắt của hàng loạt phim bom tấn, trong đó có X-men: Apocalyse do Galaxy phát hành.

Theo một nguồn tin riêng, CGV không chiếu X-men: Apocalypse trên hệ thống của cụm rạp này do muốn giải quyết cho xong vụ lùm xùm với các doanh nghiệp, chứ không phải là đòn đánh vào một hãng cụ thể. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách trực quan, Galaxy đã mất 40% lượng phòng vé chiếu phim do sự "ghẻ lạnh" của CGV.

H.Minh

Cùng chuyên mục
XEM