Nắm giữ thị phần lớn, đã đến lúc CGV sử dụng vị thế độc quyền của mình để sai khiến thị trường rạp phim Việt?

19/05/2016 09:14 AM | Kinh doanh

Hơn một nửa số rạp chiếu phim ở Việt Nam nằm trong tay các ông lớn Hàn Quốc, riêng CGV là 40% khiến các nhà làm phim Việt buộc phải chịu một mức ăn chia cao đến phi lý thì mới được công chiếu tại đây.

Nếu chỉ nhìn vào con số hơn 100 triệu USD doanh số phim chiếu rạp năm 2015 (mức tăng trưởng so với năm 2009 là 800%) do Phó chủ tịch cao cấp Hiệp hội điện ảnh Mỹ, khu vực Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ, ai cũng nghĩ: người làm điện ảnh đang thu lợi thật dễ dàng. Thế nhưng, vụ việc về lá đơn khiếu nại CGV đến Hội Điện Ảnh của 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đã cho thấy mảng tối trong bức tranh tưởng như màu hồng của ngành điện ảnh.

Thực tế, cái bắt tay của nhà phát hành và rạp chiếu là điểm mấu chốt để mang tới thành công về mặt thương mại cho một bộ phim. Nếu ở thị trường thế giới, nhà phát hành thường độc lập với ông chủ của các cụm rạp. Họ có nhiều lựa chọn hơn về đối tác, nên sẵn sàng làm phim độc lập.

Bức tranh ở Việt Nam lại khác vì khả năng tự chủ đó ít hơn hẳn, thậm chí chỉ có một cửa duy nhất: hợp tác trong hợp đồng thiếu công bằng với người giữ thị phần khống chế.

Việt Nam hiện có hơn 480 phòng chiếu phim, trong đó CGV là đơn vị nắm giữ thị phần áp đảo, với 176 phòng chiếu (chiếm 36,4%), Lotte là 111 phòng (chiếm 23%). Nói một cách dễ hiểu, nếu nhà phát hành phim không lựa chọn CGV, họ sẽ mất ngay gần 40% doanh thu tạm tính. Nhưng đó mới chỉ là tạm tính.

Thông thường, một bộ phim sẽ có khoảng 4 tuần để "sống sót" tại các rạp sau ngày công chiếu. Phấn lớn thời gian để phim thu hồi được vốn diễn ra ở 2 tuần đầu tiên. Chìa khóa cho sự thành công là phim đó phải được phủ sóng ở tất cả các rạp, với số lượng suất chiếu càng nhiều càng tốt.

Thông thường, tỷ lệ ăn chia của rạp với nhà phát hành là 50-50, nhưng tùy thuộc phim bom tấn hay phim thường, mức chênh lệch thêm có thể là 5%. Tuy nhiên, vì một số đơn vị sở hữu cụm rạp cũng có khi sở hữu luôn cả một đơn vị phát hành (như trường hợp của CGV, BHD, Lotte), nên dễ dàng phát sinh mâu thuẫn lợi ích.

Xét riêng trên thị trường phim Việt, BHD và CGV, Lotte đều là những đơn vị vừa phát hành, vừa có cụm rạp, nên 3 đơn vị này thường xuyên chiếu phim của nhau. Nhưng tương quan giữa BHD và CGV, Lotte là rất khác biệt. Số lượng rạp của BHD chỉ bằng 1/4 so với Lotte, và bằng 1/6 so với CGV. Do đó, CGV hay Lotte có thể ép được BHD, còn doanh nghiệp Việt khó lòng cạnh tranh công bằng được với các ông lớn Hàn Quốc.

Khi đó, có hai khả năng xảy ra. Một là nhà phát hành phải chia sẻ phần trăm lớn hơn trên doanh thu cho cụm rạp. Hai là phải trích tỷ lệ của mình cho nhà phát hành của đơn vị sở hữu cụm rạp, dưới hình thức đồng phát hành để có được nhiều suất chiếu hơn.

Với cả hai cách, con số mà các đơn vị phát hành, sản xuất yếu thế được nhận thông thường nhỏ hơn 40%. Và họ chỉ có thể chờ đến khi phim được quyền phát hành trên kênh khác như truyền hình hoặc truyền hình trả tiền để thu hồi thêm vốn.

H.Minh

Cùng chuyên mục
XEM