CEO Be tiết lộ sắp làm ngân hàng số: Phải “mở” trong tâm thế tự làm chủ, nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà!

23/12/2020 15:25 PM | Kinh doanh

Vị “nữ tướng” nhắn nhủ: “Giáng sinh đang đến rất gần. Cho phép tôi được hỏi, các bạn sẽ mua quà cho người thân trên sàn thương mại điện tử Tiki hay Lazada? Kết thúc Diễn đàn ngày hôm nay, quý vị sẽ ra về và gọi xe với ứng dụng của doanh nghiệp ngoại hay doanh nghiệp nội? Hãy biến tinh thần “Make in Viet Nam” hôm nay thành thói quen, chỉ có như thế mới có thể hiện thực được ước mơ và khát vọng “Make in Việt Nam” ra toàn cầu”.

Ngày 23/12 đã diễn ra Diễn đàn Quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 2 với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số, động lực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam”, bên cạnh đó là lễ trao giải thưởng “Make in Vietnam 2020”.

Ngoài sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Viettel, FPT, VNPT,… ứng dụng gọi xe Be là một trong hai startup công nghệ duy nhất vinh dự được phát biểu, hiến kế tại lễ trao giải.

Con đường khác biệt

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Hoàng Phương – CEO Be Group cho biết từ khi lăn bánh trên thị trường vào tháng 12/2018, đến giữa năm 2019, ứng dụng gọi xe Be đã đứng thứ 2 về thị phần gọi xe công nghệ trong nước với khoảng 30%.

Đồng thời, hiện ứng dụng Be đã nhận được hơn 10 triệu lượt tải trên thiết bị di động, tạo việc làm cho 100.000 tài xế trên toàn quốc.

Be Group trở thành công ty gọi xe đầu tiên đạt điểm hoà vốn kinh doanh chỉ sau hai năm hoạt động, và đang trên đà phát triển thành một đại diện tiêu biểu của xu hướng mobility trong bối cảnh mới”, nữ CEO cho hay.

Hiện tại, startup này hướng đến một nền tảng mở trong kế hoạch phát triển những năm tới, với 3 định hướng chính, bao gồm Vận tải hành khách, MaaS (Mobility as a service) và Tài chính.

Cụ thể, về mảng vận tải hành khách, thay vì đi theo mô hình siêu ứng dụng như các đối thủ nước ngoài, Be tập trung phát triển thành nền tảng mở, hỗ trợ công nghệ cho toàn ngành vận tải Việt Nam. Hiện startup này đã liên kết với EMDDI và liên minh taxi Việt Nam cũng như hệ thống bán vé xe Vexere.vn để đưa dịch vụ gọi xe taxi, mua vé xe khách lên ứng dụng của mình.

Về mảng MaaS, Be sẽ hợp tác với các hãng hàng không, chuỗi khách sạn, công ty xe buýt, metro, tàu hỏa để cung cấp giải pháp “đa phương tiện, một lịch trình, một thanh toán”.

CEO Be tiết lộ sắp làm ngân hàng số: Phải “mở” trong tâm thế tự làm chủ, nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà! - Ảnh 1.

Be nhận giải nhì trong hạng mục "Nền tảng số xuất sắc" tại lễ trao giải "Make in Vietnam 2020".

Bên cạnh đó, Be hiện còn là ứng dụng gọi xe có hệ thống thanh toán không tiền mặt đa dạng nhất, bao gồm thẻ tín dụng, quét mã QR cùng nhiều ví điện tử khác. Đáng nói, CEO Be cho biết đang hướng đến mô hình digital banking (ngân hàng điện tử) để cung cấp giải pháp ngân hàng cho khách hàng cá nhân, tổ chức trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Ngoài ra, startup này đang triển khai dự án giải pháp tổng thể về giao thông vận tải công cộng và đô thị thông minh tại Việt Nam, trong đó có mô hình thu phí tự động không điểm dừng cho toàn bộ các phương tiện mang tên "Virtual BOT".

“Mở” để làm chủ trên sân nhà

Các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài có thể mang lại những lợi ích ngắn hạn cho người tiêu dùng nhưng đồng thời cũng lấy đi của chúng ta rất nhiều giá trị về mặt lâu dài, mang tính chiến lược, thiết yếu của một quốc gia. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, để khẳng định vị thế của mình trong thập kỷ tiếp theo, rõ ràng Việt Nam phải “mở” trong tâm thế làm chủ được thị trường nội địa.

Chúng tôi nhận ra rằng nếu doanh nghiệp Việt không tự đứng lên, tự phát triển các mảng kinh doanh cốt lõi thì sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Người Việt Nam phải tự làm chủ dữ liệu số của Việt Nam, không thể để công cuộc chuyển đổi số của quốc gia bị thao túng bởi những thế lực công nghệ nước ngoài”, CEO Nguyễn Hoàng Phương nhấn mạnh.

Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước phải liên kết với nhau mạnh mẽ hơn để tạo hệ sinh thái thuần Việt, đủ sức vươn ra thế giới.

Tuy nhiên, ngay trên sân nhà, nhiều startup “Make in Vietnam” như Be đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ nhất, mô hình thử nghiệm sandbox kéo dài quá lâu hay việc thâu tóm đối thủ nhằm mục tiêu độc quyền thị trường đã gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, mà thế yếu thuộc về doanh nghiệp Việt.

Thứ hai, luật thuế cũng chưa quy định cụ thể trong thời gian đầu, dẫn đến việc một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, gây thất thu ngân sách nhà nước. Hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, khiến nhiều doanh nghiệp lợi dụng, báo lỗ nhiều năm dù doanh thu ngày một tăng cao.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề đáng lo ngại liên quan đến an toàn an ninh dữ liệu người dùng, dữ liệu quốc gia.

CEO Be tiết lộ sắp làm ngân hàng số: Phải “mở” trong tâm thế tự làm chủ, nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà! - Ảnh 2.

Do đó, bà Phương đề xuất Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển mạnh mẽ, từ đó làm chủ thị trường nội địa, từng bước hội nhập có chiều sâu.

Đồng thời, rất nhiều startup Việt đang gặp khó trong việc gọi vốn do chính sách thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài chưa thực sự thông thoáng.

“Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp startups. Chính phủ có phương án cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp và luật hóa việc kiểm soát dữ liệu người dùng và thông tin giao thông, hạ tầng vì đó là tài nguyên quốc gia cần được bảo vệ ”, bà Phương đề xuất.

Kết thúc bài phát biểu, vị “nữ tướng” nhắn nhủ: “Giáng sinh đang đến rất gần. Cho phép tôi được hỏi, các bạn sẽ mua quà cho người thân trên sàn thương mại điện tử Tiki hay Lazada? Kết thúc Diễn đàn ngày hôm nay, quý vị sẽ ra về và gọi xe với ứng dụng của doanh nghiệp ngoại hay doanh nghiệp nội? Hãy biến tinh thần “Make in Viet Nam” hôm nay thành thói quen, chỉ có như thế mới có thể hiện thực được ước mơ và khát vọng “Make in Việt Nam” ra toàn cầu”.

Thùy Dương

Cùng chuyên mục
XEM