‘Cú nhảy từ vũ trụ’ hút 8 triệu người xem cùng lúc trên YouTube: Toan tính marketing 30 triệu USD đem lại hơn 500 triệu USD của Red Bull

23/12/2020 13:44 PM | Kinh doanh

Có thể nói, với "cú nhảy vũ trụ", Red Bull đã kể một trong những câu chuyện thương hiệu mang tính trải nghiệm hay nhất mọi thời đại.

Red Bull là một thương hiệu không còn xa lạ với việc tài trợ cho những sự kiện mang tính phiêu lưu mạo hiểm đỉnh cao. Hàng loạt chiến dịch rầm rộ và tràn đầy năng lượng của họ chính là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm nước tăng lực Red Bull trở thành cái tên được ưa chuộng ở khắp nơi trên thế giới.

Trong số những pha mạo hiểm do Red Bull khởi xướng, có lẽ đáng chú ý nhất là "cú nhảy từ vũ trụ" do Felix Baumgartner thực hiện năm 2012. Với tổng chi phí hơn 30 triệu USD, màn mạo hiểm này đã phá vỡ nhiều kỷ lục và đem lại thành công ngoài sức tưởng tượng cho RedBull.

‘Cú nhảy từ vũ trụ’ hút 8 triệu người xem cùng lúc trên YouTube: Toan tính marketing 30 triệu USD đem lại hơn 500 triệu USD của Red Bull - Ảnh 1.

"Cú nhảy từ vũ trụ" đã đem đến thành công rực rỡ cho Red Bull.

Kế hoạch đầy tham vọng của Red Bull

Để biến kế hoạch trên thành hiện thực, đội ngũ marketing của Red Bull đã làm việc trong nhiều năm, chiêu mộ hàng chục kỹ sư, nhà sinh lý học và kỹ thuật viên. Sau đó, họ thuê Felix Baumgartner – người nhảy dù chuyên nghiệp với biệt danh "Felix liều lĩnh". Trong 25 năm sự nghiệp, Felix đã thực hiện hơn 2.500 lần nhảy. Ông từng nhảy khỏi 2 tòa nhà cao nhất thế giới và bay ngang qua eo biển Manche bằng "đôi cánh" làm bằng sợi carbon.

Nhóm của Red Bull đã tạo ra một bộ đồ mặc trong không gian dành riêng có khoang đặc biệt để hỗ trợ Felix bay lên bầu khí quyển. Mục đích của họ là phá vỡ kỷ lục nhảy dù tự do từ máy bay bằng cách nhảy xuống từ độ cao 39 km, xuyên qua tầng bình lưu sát rìa vũ trụ. Ở độ cao này, bạn đã có thể quan sát được Trái Đất trông ra sao, vậy nên công chúng đều gọi đây là "cú nhảy từ vũ trụ".

‘Cú nhảy từ vũ trụ’ hút 8 triệu người xem cùng lúc trên YouTube: Toan tính marketing 30 triệu USD đem lại hơn 500 triệu USD của Red Bull - Ảnh 2.

Chân dung Felix Baumgartner.

Tuy nhiên, trong quá trình, cả đội đã gặp phải không ít khó khăn. Dù được các cựu phi công chiến đấu và huấn luyện viên hướng dẫn phi hành gia "training" trong thời gian khá dài để hoàn thiện thử thách nhưng Felix vẫn có đôi chút lo lắng. Ngoài rủi ro thông thường của việc nhảy dù, ông phải đối mặt với hai rủi ro lớn khác.

Đầu tiên, nếu chiếc tàu hoặc bộ quần áo đặc biệt mà ông mặc bị mất áp suất, không khí loãng có thể khiến ông gặp nguy hiểm. Thứ hai và cũng là rủi ro tồi tệ nhất là tình trạng khiến máu của Felix… bắn ra từ mắt nếu ông mất kiểm soát cơ thể trong lúc rơi tự do. Trong lần thử nghiệm đầu tiên, nhờ kinh nghiệm hàng chục năm, Felix đã vượt qua một cách an toàn.

Nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó. Một buổi sáng sớm trước khi cả nhóm lên đường tới Texas để mô phỏng chuyến đi kéo dài 5 giờ lên tầng bình lưu, Art Thompson – kĩ sư trưởng phụ trách dự án nhận được cuộc gọi từ Felix.

Felix nói rằng ông không thể thực hiện thử thách và sẽ đáp chuyến bay sớm nhất về Áo, quê hương của ông. Art hoảng hốt đến nỗi đi ngay đến sân bay để ngăn Felix lại.

Nỗi sợ sâu thẳm của Felix

‘Cú nhảy từ vũ trụ’ hút 8 triệu người xem cùng lúc trên YouTube: Toan tính marketing 30 triệu USD đem lại hơn 500 triệu USD của Red Bull - Ảnh 3.

Felix gặp vấn đề với bộ đồ bảo hộ.

Hóa ra vấn đề nằm ở bộ đồ bảo hộ. Felix cảm thấy không thể chịu đựng được khi "mắc kẹt" trong đó trong suốt 5 tiếng đồng hồ. Vốn dĩ ông vượt qua thử nghiệm đầu tiên một cách suôn sẻ là vì không phải đội mũ bảo hiểm.

Khi Felix quay lại gặp toàn bộ nhóm của Red Bull, ông báo cho họ tin xấu rằng mình sẽ không tiếp tục thực hiện pha mạo hiểm như kế hoạch ban đầu.

Vấn đề là bộ đồ được thiết kể để phù hợp với dáng người của Felix. Chương trình cũng được thiết kế với ông làm nhân vật trung tâm và sự rút lui của ông khá muộn màng để mọi thứ có thể thay đổi.

Để giải quyết, Red Bull đã mời nhà tâm lý học lâm sàng Michael Gervais đến nói chuyện với Felix. Michael thường làm việc với các vận động viên chuyên nghiệp, phi công chiến đấu và CEO, những người thường xuyên phải chịu áp lực lớn. Trước sự bất ngờ của cả nhóm, Felix đã vượt qua được chứng sợ hãi sự ngột ngạt bằng việc kiểm soát cơ thể và tâm trí để điều chỉnh trạng thái của bản thân.

Cú nhảy lịch sử

Trước ngày ra mắt, Red Bull đã quảng cáo sự kiện này rầm rộ. Họ coi sự kiện này là một sứ mệnh khoa học chứ không đơn thuần là một chiến dịch quảng cáo. Công ty còn lên kế hoạch để kiếm được tiền trên các nền tảng như YouTube, Facebook, Twitter và Instagram.

Sáng ngày 14/10/2012, tại một sân bay ở Roswell, New Mexico, quá trình bay lên của Felix được phát trực tiếp bằng camera GoPro, gắn kèm thương hiệu Red Bull nổi bật. Ông đã cố gắng giữ nhịp tim và nhịp thở bình thường trong suốt 5 giờ đồng hồ dù gặp phải một số khó khăn trong hành trình.

Khi đạt độ cao 39 km, ông đã cho khán giả nhìn thấy hình dạng của Trái Đất nhìn từ trên cao. "Cú nhảy từ vũ trụ" của ông không chỉ phá kỷ lục thế giới về chuyến bay có người lái ở độ cao lớn nhất mà còn lập kỷ lục với tốc độ rơi lên tới 1.342 km/h (vượt qua tốc độ âm thanh) trong suốt 4 phút 20 giây. Đến độ cao 1,5 km, dù của Felix bật mở. Cuối cùng, ông đáp xuống một sa mạc ở phía đông tiểu bang New Mexico sau tổng cộng 9 phút mà không gặp phải bất cứ chấn thương nào.

‘Cú nhảy từ vũ trụ’ hút 8 triệu người xem cùng lúc trên YouTube: Toan tính marketing 30 triệu USD đem lại hơn 500 triệu USD của Red Bull - Ảnh 4.

Felix khi đáp xuống mặt đất an toàn.

Thành công trên mọi "mặt trận"

‘Cú nhảy từ vũ trụ’ hút 8 triệu người xem cùng lúc trên YouTube: Toan tính marketing 30 triệu USD đem lại hơn 500 triệu USD của Red Bull - Ảnh 5.

Slogan "Red Bull gives you wings" càng trở nên nổi tiếng sau cú nhảy lịch sử của Felix.

Có thể nói, với "cú nhảy từ vũ trụ" của Felix, Red Bull đã kể một trong những câu chuyện thương hiệu mang tính trải nghiệm hay nhất mọi thời đại. Quá trình chinh phục thử thách của Felix được phát trực tiếp trên YouTube, thu hút số lượng người xem cùng một lúc lên tới 8 triệu – một kỷ lục tuyệt đối mà đến nay vẫn chưa ai phá được.

Ngoài việc được 80 đài truyền hình tại 50 quốc gia phát sóng, pha mạo hiểm của Felix đã được 280 đơn vị kỹ thuật số khác truyền trực tiếp tới hơn 52 triệu người xem, được nhắc đến trong hơn 3,1 triệu bài đăng trên Twitter.

Bức ảnh Felix giơ bàn tay chiến thắng khi đáp xuống sa mạc đăng trên Facebook đã nhận được hơn 200.000 lượt like, hàng chục nghìn bình luận và lượt chia sẻ chỉ trong vòng 40 phút.

Quan trọng nhất, Red Bull đã chứng kiến kết quả kinh doanh thăng hoa. Trong 6 tháng kể từ "cú nhảy vũ trụ", doanh thu tại Mỹ của họ tăng 7%, lên 1,6 tỷ USD và doanh thu toàn cầu năm 2012 tăng 13%, lên 5,2 tỷ USD. Red Bull cho biết chỉ riêng pha "đùa với tử thần" của Felix đã mang lại doanh thu hơn 500 triệu USD.

Nguồn: Tổng hợp

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM