Câu hỏi lớn của Việt Nam: Chẳng lẽ cứ sống mãi kiếp gia công?

22/08/2018 08:32 AM | Xã hội

Bức tranh điển hình của Việt Nam trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu vẫn là nhiều lao động, xuất khẩu mạnh nhưng nhập khẩu đầu vào chiếm tới 90%...

"Tôi hi vọng 5 năm tới, chủ đề của tôi sẽ đổi từ made in Vietnam sang made by Vietnam. Như vậy, câu chuyện sẽ không đơn thuần là tạo giá trị gia tăng cao hơn mà còn là tối ưu hoá chúng để tạo lợi nhuận tốt hơn", TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) nói tại diễn đàn về tối ưu hoá chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh chiều 21/8.

Nhìn bức tranh hội nhập dưới góc độ của doanh nghiệp, Việt Nam đang rất mở. Sự mở này nếu so sánh trong khu vực Đông Nam Á thì chỉ kém Singapore, xét cả về vai trò của FDI, của xuất khẩu trên GDP.

"Đất nước chưa phải là nước mạnh nhưng đã rất nỗ lực hội nhập", TS. Thành nhận xét và lược kể về 16 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, trong đó, nhiều hiệp định có chất lượng rất cao.

Những hiệp định đã ký này phủ lên 50 quốc gia, những thị trường lớn nhất trên thế giới, những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam.

Đến nay, đất nước 90 triệu dân đã hình thành một số cụm công nghiệp mà nếu nhìn vào nhiều năm trước, quy mô đã "phình" to gấp 3-4 lần. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được nhận định là có sức hấp dẫn đến từ lợi thế địa chính trị, dân số trẻ, chi phí lao động dù tăng nhưng vẫn tương đối cạnh tranh.

Thế nhưng điều này không có nghĩa Việt Nam đang quá thuận lợi, theo TS. Võ Trí Thành. Nhiều thách thức đang tồn tại, kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt; trong khi đó, một số loại chi phí như logistics, tài chính đang rất đắt đỏ, sự tham gia trong chuỗi giá trị toàn  cầu vẫn còn hạn chế...

"Số doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận chỉ đạt 47%", ông Thành cho biết.

Câu hỏi lớn được ông Thành đặt ra là "Việt Nam cứ sống mãi trong kiếp gia công?". Bởi lẽ, bức tranh lớn của Việt Nam đang thể hiện câu chuyện của một quốc gia gia công điển hình với những nhà máy tiêu tốn nhiều lao động, xuất khẩu 10 đồng thì nhập khẩu là 9, giá trị gia tăng thấp lại bị FDI chi phối.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đối mặt với cạnh tranh lớn từ các nước, ví dụ như Ấn Độ khi Samsung đặt thêm nhà máy ở đây.

Để thay đổi diện mạo, TS. Võ Trí Thành gợi ý Việt Nam cần phải cải thiện được hệ thống logistic, hệ thống phân phối hay cung ứng. Một cách tiếp cận khác là phải nâng cao quản trị, bởi nhiều nghiên cứu chỉ ra với việc quản trị tốt hơn, năng suất lao động sẽ tăng từ 10 – 15%.

Hay một cách khác được Viện trưởng BCSI chỉ ra là càng ở đáy chuỗi giá trị, càng nên bắt tay đầu tư vào R&D, rồi thì các khâu khuyến mại, hậu mãi… nhờ vậy, giá trị gia tăng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý các doanh nghiệp không nhất thiết phải tự thân vận động. "Điều quan trọng là phải bắt tay kết nối, lựa chọn đối tác", ông cho biết.

Một gợi ý nữa được ông đưa ra, trong bối cảnh của cách mạng 4.0, là khoác thêm cho sản phẩm "chiếc áo mới" như là xanh hơn, thông minh hơn, biểu tượng và có tính cá thể hơn.

Theo N Dương

Cùng chuyên mục
XEM