Xây dựng đế chế gia công túi xa xỉ từ khoản vay 30.000 USD

13/07/2018 19:26 PM | Kinh doanh

Sau hơn 30 năm, công ty gia công túi cho các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới của Kenny Park trở thành một đế chế khổng lồ với doanh thu hơn 900 triệu USD năm ngoái...

Theo Forbes, vào năm 1987, thời điểm túi xách xa xỉ phần lớn được sản xuất tại châu Âu, với nhiều người, cái mác "Made in Korea" (sản xuất tại Hàn Quốc) khiến họ liên tưởng tới một điều: Lao động giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng kém.

Vượt qua cái mác "giá rẻ, chất lượng kém"

Kenny Park, khi đó vừa thành lập một công ty sản xuất túi, bay tới New York (Mỹ) để tìm kiếm một hợp đồng gia công túi hiệu Donna Karan với chi phi thấp tại Hàn Quốc. Dù hàng mẫu gây ấn tượng, ông vẫn bị từ chối bởi những chiếc túi này được gắn mác "Made in Korea".

Không nản chí, 2 ngày sau, Kenny gọi lại. "Tôi nói với họ rằng tôi không có bằng cử nhân, không có kinh nghiệm kinh doanh, nhưng sản phẩm tôi sản xuất có 3 nhân tố quan trọng: thiết kế đẹp, chất lượng tốt và giá rẻ. Có thể không phải là tôi nhưng anh cần chuẩn bị. Anh cần một cơ sở tại châu Á".

Kenny đề xuất một thoả thuận. "Bán thử vài trăm túi. Nếu không bán được, anh cũng chẳng mất gì còn công ty tôi cũng chẳng phá sản. May mắn là sau đó kết quả thực sự rất tốt", ông nhớ lại.

Đơn hàng đầu tiên với 240 chiếc túi Donna Karan đã bán hết sạch. Đơn tiếp sau đó là 600 chiếc, rồi 3.000 chiếc. Chỉ trong vòng 9 tháng, nhà thiết kế Donna Karan đã cử một nhà thiết kế tới Seoul để giúp Kenny sản xuất các mẫu túi mới.

Trong năm đầu tiên, công ty sản xuất theo hợp đồng của ông - Simone Accessory thu về 4 triệu USD và đã có lãi, cũng nhờ hợp đồng đã ký vài tháng trước đó với Esprit – một khách hàng khác ở Mỹ.

30 năm sau, Kenny, tên Hàn Quốc là Park Eun-Kwan, vẫn tiếp tục sản xuất túi xách và nhiều phụ kiện khác cho Donna Karan. Tuy nhiên, giờ đây, công ty của ông ký hợp đồng sản xuất với gần 20 khách hàng khác, gồm nhiều thương hiệu thời trang như Michael Kors, Kate Spade, Coach, Marc Jacobs, Alexander Wang, Versus Versace, AllSaints.

Mỗi năm, Simone sản xuất 30 triệu túi xách và đồ da với 30.000 công nhân tại 7 nhà máy ở Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Trung Quốc. Bắt đầu với vài mẫu túi thiết kế cho Esprit, công ty giờ đây có hơn 180.000 thiết kế.

 Xây dựng đế chế gia công túi xa xỉ từ khoản vay 30.000 USD  - Ảnh 1.

Bảo tàng túi Simone ở Seoul - Ảnh: Korea Herald.

Simone hiện có trụ sở cách Seoul hơn 20km về phía nam với 400 nhân viên. Năm ngoái, công ty này có lợi nhuận ròng 120 triệu USD trên tổng 940 triệu USD doanh thu. Lợi nhuận tăng 16,2%, còn doanh thu tăng 45,5% so với 4 năm trước.

Năm 2015, Blackstone Group - quỹ đầu tư cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới, đã mua 30% cổ phần của Simone với giá 300 triệu USD. Từ đó, giá trị của công ty tăng mạnh, đưa Kenny, 63 tuổi, vào danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc với vị trí 36. Hiện ông sở hữu tài sản ước tính 1,16 tỷ USD, theo Forbes Asia.

Nói về thương vụ với Donna Karan, Kenny cho biết: "Đó là bước đi đầu tiên của châu Á trong ngành sản xuất túi thiết kế. Đó là lý do nhiều nhà sản xuất Trung Quốc gọi tôi là Da ge (có nghĩa là Anh cả). Dù khi đó, tôi mới chỉ hơn 30 tuổi, nhiều người 50-60 tuổi vẫn gọi tôi như vậy. Simone được biết đến là công ty đi tiên phong".

Xuất thân từ gia đình đánh cá thành "vua túi" Hàn Quốc

Xuất thân từ một gia đình kinh doanh đánh bắt cá, sau khi tốt nghiệp Đại học Yonsei ngành Văn học Đức ở Seoul năm 1978, Kenny tham gia vào công ty của gia đình. Hai anh trai của Kenny - ông là con thứ 5 trong gia đình có 6 người con, trước đó đã nối nghiệp cha. Kenny từng đi theo anh ra khơi trong 6 tuần.

Tuy nhiên, tình yêu biển cả dẫn đến niềm đam mê du lịch của ông. Ông tới nói với cha: "Hãy cho con 3 năm. Con muốn ra ngoài và tự mình học hỏi. Con muốn xem bên ngoài Hàn Quốc như thế nào".

Tuy nhiên, theo quy định thời đó, công dân Hàn Quốc khó có thể lấy được hộ chiếu trừ phi ra nước ngoài theo diện công tác. Vì vậy, Kenny quyết định xin việc tại công ty xuất khẩu túi xách nhỏ Chungsan - nơi ông là nhân viên đầu tiên có bằng đại học.

Quyết định năm 1980 của ông đã mang lại kết quả. Ông được cử đi Florence, Italy để gặp gỡ một nhà cung cấp da và chuyến đi đã giúp nhãn quan về thời trang của ông được mở rộng. Ông ở lại Chungsan 7 năm rồi trở thành giám đốc phát triển và bán hàng, giúp tăng doanh thu lên gấp 10 lần trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Năm 1987, ông quyết định ra làm riêng với 30.000 USD vay từ gia đình, bạn bè. 4 năm sau đó, ông mở nhà máy đầu tiên ở nước ngoài tại Quảng Châu (Trung Quốc) và nhà máy thứ 2 ở Jakarta (Indonesia) 5 năm sau đó. Ông ký hợp đồng với khách hàng châu Âu vào năm 1999.

Sau 38 năm sản xuất túi cho các thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới, Kenny đang nghĩ tới việc chậm lại. "Tôi đã lao về phía trước như một chiếc xe tải không phanh. Giờ đây tôi đang cố gắng để cân bằng hơn và theo đánh giá lại các ưu tiên của đời mình. Tôi cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình".

Hiện Kenny không có kế hoạch đưa công ty lên sàn chứng khoán nhưng cũng bỏ ngỏ khả năng .

"Đến nay, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đó. Khi tôi hỏi các cộng sự của mình trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập công ty vào năm ngoái rằng 'điều gì họ thấy tốt nhất khi làm việc ở Simone?' Hầu hết đều nói rằng đó là khả năng dự báo và sự nhất quán", ông "vua túi" Hàn Quốc cho biết.

Theo Ngọc Trang

Từ khóa:  túi xách
Cùng chuyên mục
XEM