Vì sao bia Heineken từ chối lời đề nghị thâu tóm của hãng bia lớn thứ 2 thế giới?

16/09/2014 11:49 AM | Kinh doanh

Gia đình Heineken chẳng có lý do gì để trở thành một cổ đông nhỏ trong một tập đoàn lớn, với tiếng nói ngày càng bị suy yếu.

Mới đây, hãng bia Heineken cho biết đã từ chối lời đề nghị mua lại từ hãng bia đối thủ SABMiller. "Chúng tôi đã thảo luận với các cổ đông lớn và quyết định từ chối lời để nghị của SABMillers", ban quản trị Heineken viết trong thông cáo.

Hãng bia Hà Lan hiện đứng thứ 3 thế giới về sản lượng bia, còn cho biết thêm: "Chúng tôi muốn bảo tồn những di sản và bản sắc của Heineken trong một công ty độc lập"

Phát ngôn viên của SABMiller tại London đã từ chối bình luận về thông báo này của Heineken. SABMiller hiện là hãng bia lớn thứ hai thế giới. Tập đoàn này đã tiếp cận hỏi mua lại Heineken từ 2 tuần nay nhưng bị từ chối. Gia đình Heineken hiện nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết tại công ty, dù chỉ nắm giữ một phần nhỏ cổ phiếu phát hành ra công chúng. Giá trị thị trường của Heineken hiện tại ước tính khoảng 44 tỉ USD.

Thương vụ Heineken diễn ra giữa thời điểm ngành công nghiệp bia đang hướng tới một vòng sáp nhập - thâu tóm mới sau khi nhiều vụ thôn tính tỉ đô đã diễn ra trong vòng thập kỷ qua. Đáng chú ý nhất trong vài năm gần đây là việc Anheuser-Busch InBev, hãng bia Bỉ cố gắng thâu tóm SABMiller. 

Còn tập đoàn AB Inbev đã nhanh chóng chiếm lĩnh 20% thị phần bia thế giới sau khi tiến hành hàng loạt thương vụ thâu tóm, bao gồm việc bỏ ra 52 tỉ USD thâu tóm Anheuser-Busch năm 2008 và hãng bia dẫn đầu Mexico, Grupo Modelo với giá 20,1 tỉ USD vào năm ngoái.

Có thể thấy, việc SABMiller nóng lòng muốn thâu tóm Heineken cũng là để tránh bị thâu tóm. Nếu Heineken kết hợp với SABMiller, quy mô của tập đoàn mới sẽ tương đương AB InBev, và ngăn chặn âm mưu thâu tóm cả 2 của AB InBev. Thị phần bia sau khi sáp nhập của Heineken và SABMiller có thể đạt 22%, cao hơn AB InBev.

Tuy nhiên, những cổ đông lớn của SAB lại là vấn đề và ảnh hưởng tới quyền sở hữu của gia đình Heineken. Cổ đông lớn nhất hiện tại của SAB là tập đoàn thuốc là Altria, tập đoàn sản xuất sở hữu thương hiệu Malboro với 30% cổ phần chắc chắn không đứng ngoài cuộc. Và gia đình Heineken chẳng có lý do gì để trở thành một cổ đông nhỏ trong một tập đoàn lớn, với tiếng nói ngày càng bị suy yếu.

Doanh thu 2013 của Heineken vào khoảng 19,2 tỉ euro, lợi nhuận ròng đạt 1,36 triệu euro. Nửa đầu năm tài chính này, Heineken cho biết lợi nhuận của hãng đã giảm 1,3%. Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn tăng 4,6%, cùng với doanh số bán hàng và giá cũng tăng. Trừ Trung và Đông Âu, các thị trường khác của Heineken đều tăng trưởng.

Theo báo cáo của Euromonitor, năm 2013, AB InBev nắm giữa 19,7% thị phần bia thế giới, SABMiller chiếm 9,6% và Heineken chiếm 9,3%. Heineken hiện có hệ thống phân phối tại trên 100 quốc gia, trở thành một thương hiệu hiếm có trong ngành bia, vốn thường được thống trị bởi các nhãn hàng nội địa. 

Trong khi đó SABMiller cũng sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng từng có mặt tại Việt Nam như Miller, Foster, Castle và Peroni. Tuy nhiên những thương hiệu này không thể sánh được với Heineken trên thị trường quốc tế.

Trường hợp AB InBev thâu tóm thành công SABMiller, nó sẽ trở thành một tập đoàn lớn với sự hiện hữu cực mạnh tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh. Mặc dù vậy, quá trình thâu tóm sẽ không dễ dàng khi cổ đông của hãng bia này bao gồm toàn thành viên gia đình, những người sáng lập và đáng tin cậy. Ngoài ra, tài chính cũng là vấn đề đáng quan tâm đối với AB InBev nếu muốn thâu tóm SABMiller.

Với Heineken, tập đoàn này vẫn chịu sử điều khiển của gia đình Heineken kể từ khi thành lập vào năm 1864. Hiện tại, thế hệ thứ 4 của hãng bia Hà Lan đang tiếp quản và điều hành tập đoàn.

>> Nét chung ít người biết ở các quảng cáo thú vị của Heineken

Trang Lam

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM