TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp hội nhập như đi trên cầu khỉ, đã cô đơn còn phải gánh nặng
Hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập được TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương so sánh như người đi trên cây cầu khỉ, vừa cô đơn, vừa chênh vênh lại còn bị thuế phí đè nặng trên vai.
Tại diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN diễn ra sáng nay 4/3, bàn về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong hội nhập, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, Việt Nam cùng một lúc tham gia quá nhiều Hiệp định thương mại tự do như Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương...
Chính vì thế, sự tác động về cả thách thức và cơ hội quá đa dạng khiến Việt Nam có thể nhầm lẫn, khó phân biệt được.
Theo đó, cơ hội mà Việt Nam khi tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN bao gồm:
- Thương mại nhiều hơn, đa dạng và phong phú hơn. Khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đột phá về mọi mặt như số lượng, chất lượng và quy mô.
Trong đó, kỳ vọng lớn nhất là sức ép cải cách thể chế sẽ giúp Việt Nam biến điểm yếu thành điểm mạnh, biến thách thức thành cơ hội.
- Hội nhập sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ được tự do lưu chuyển hàng hoá, lưu chuyển vốn đầu tư và lao động có kỹ năng với các nước trong khu vực. Từ đó, giúp thị trường vận hành tốt hơn với quy mô lớn và không gian rộng hơn.
Tuy nhiên, không giống với các doanh nghiệp nước ngoài, khi ra ngoài hội nhập họ nhận được rất nhiều hỗ trợ, thúc đẩy từ nhà nước. Doanh nghiệp Việt Nam lại đang cảm thấy "cô đơn".
"Hình ảnh doanh nghiệp ra ngoài hội nhập như người đi trên cầu khỉ, chênh vênh trong gíó lạnh, trên vai vác theo viên đá nặng chính là thuế phí. Phía trước là chông gai, đằng sau thì bị giám sát, kiểm tra, thanh tra", TS Đình Cung nói.
Trước khó khăn thách thức, rào cản trên, TS Nguyễn Đình Cung chỉ ra, muốn hội nhập sâu, hội nhập tốt và hội nhập thành công, Việt Nam phải làm được những điều sau:
"Thay vì thanh tra, kiểm tra phát hiện bằng được sai phạm của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền nên thay đổi theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, giảm chi phí rào cản", vị này nhấn mạnh.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp cần phải thay đổi quan điểm cấp bách. Cụ thể, kéo kinh doanh dài hạn từ 10-30 năm, tìm kiếm nguồn vốn dài hạn hơn, xây dựng thương hiệu nổi bật và khác biệt, áp dụng chuẩn mực tiêu chí của toàn cầu...
Các doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu các FTA, tìm hiểu các đối tác kinh doanh, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hoá và cách thức tiêu dùng chứ không được ngồi chờ nhà nước đến hướng dẫn.
Bên cạnh đó, cần có tư duy và phương pháp kinh doanh theo chuỗi, nhóm. Doanh nghiệp nên kết nhau lại chứ không làm riêng lẻ.
Cũng có thể tự mình xây dựng chuỗi riêng nhưng phù hợp hơn là gia nhập vào chuỗi đã có; phải có quy mô và đúng thời hạn, giữ chữ tín với khách hàng, có nhiều tiêu chuẩn về toàn cầu.
Thứ ba, điều đặc biệt quan trọng là cộng đồng DN phải chủ động đề xuất Nhà nước đổi mới tư duy, cách thức quản lý, phù hợp thân thiện với kinh doanh chứ không nên ngồi chờ. Vì đây là thời điểm cần tăng tốc, nếu không Việt Nam sẽ tụt hậu với các quốc gia trong khu vực.