Hội nhập FTA-TPP: Doanh nghiệp Việt Nam có biến cơ hội thành thách thức?
Có rất nhiều lí do khiến doanh nghiệp ngoại đổ bộ và thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp nội. Đầu tiên phải chỉ ra hàng loạt sự yếu kém, lép vế của doanh nghiệp nội…
TPP cũng như các FTA thế hệ mới đang mở ra một sân chơi mới cho nền kinh tế Việt Nam. Ở sân chơi này, cơ hội nhiều, thách thức cũng không ít.
Nếu không biết tận dụng, cơ hội sẽ biến thành thách thức. Ngược lại, điều quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp Việt Nam phải biết chuyển hóa khó khăn thành lợi thế.
Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế.
Về vấn đề này, phát biểu tại hội thảo Kinh tế Việt Nam trong dòng chảy hội nhập thế hệ mới FTA-TPP diễn ra sáng nay 19/2, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay, trong hội nhập, các doanh nghiệp phải cạnh tranh trên cả ba thị trường: Thị trường nội địa, thị trường quốc gia đối tác, thị trường ở nước thứ ba.
Đối với mối quan hệ này, sẽ tác động nâng quy mô thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam nhanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đối với từng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không tránh khỏi trong quá trình đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bộc lộ những yếu kém và có nguy cơ chi phối bởi các tập đoàn nước ngoài.
Thực tế, đi tắt đón đầu lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do, trong năm qua, nhiều đại gia ngoại không ngần ngại thâu tóm các doanh nghiệp nội ở lĩnh vực được xem là "miếng mồi béo bở" như bán lẻ, logistics…
Sự thâu tóm này, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ đẩy doanh nghiệp Việt lép vế và có nguy cơ chết trên sân nhà.
Chẳng hạn như các tập đoàn bán lẻ nước ngoài Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central (Thái Lan) đang mở rộng quy mô kinh doanh bằng cách liên doanh hoặc thâu tóm doanh nghiệp (DN) Việt Nam...
Về nguyên nhân vì sao cuộc thâu tóm ngày càng mạnh mẽ bởi các tập đoàn, công ty ngước ngoài, TS Trần Du Lịch chỉ ra hàng loạt yếu kém của doanh nghiệp Việt. Cụ thể:
- Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đa phần còn yếu, nhất là những ngành công nghệ kỹ thuật cao, thâm dụng vốn, dịch vụ cao cấp. Cả nước có khoảng 550.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật nhưng chỉ có khoảng ¼ có năng lực xuất khẩu.
- Chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiếu ổn định do tính chất công nghiệp trong quy trình tạo ra sản phẩm còn thấp, nổi bật là nông nghiệp.
- Chi phí đầu vào cao, nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế như thiếu công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hạ tầng yếu kém.
- Hiệu quả quản lý thấp, hệ quả của nền sản xuất nặng về gia công, chưa có có sự chuyển biến đáng kể ở các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao. Thực tế, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam thấp hơn Thái Lan 4 lần, Trung Quốc 7 lần, Singapore 26 lần.
- Tốc độ đáp ứng thị trường chậm. Đây là nhược điểm của doanh nghiệp Việt do thiếu tính liên kết trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ hàng hóa theo yêu cầu của thị trường.
- Ngoại trừ hoạt động xuất khẩu, đa phần doanh nghiệp Việt Nam chưa đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, trên thế giới có 63.000 công ty đa quốc gia với 800.000 chi nhánh ở khắp châu lục; nắm giữ 80% thương mại quốc tế; 90% vốn đầu tư thế giới.
Chính điều này đã khiến doanh nghiệp Việt Nam dễ phụ thuộc vào các tập đoàn lớn.
"Sự yếu kém của hệ thống phân phối nội địa đang có nguy cơ mất dần hệ thống phân phối khi mở cửa cho các tập đoàn thương mại quốc tế. Điều này đã và đang diễn ra ở các khu vực kinh tế như Thái Lan, Trung Quốc... Vì sản xuất phụ thuộc vào tiêu thụ nên sẽ phụ thuộc vào hệ thống phân phối do Tập đoàn thương mại nước ngoài chi phối", TS Lịch nói.
Cũng theo TS Trần Du Lịch, trong hội nhập yếu tố thị trường quyết định nhiều hơn nhưng vai trò Nhà nước cũng không giảm.
“Chúng ta đang ở thời đại mà sự thắng thua trên thương trường không phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp lớn nhỏ mà phụ thuộc vào tư duy đổi mới và sáng tạo.
Điều mà tôi muốn chia sẻ là doanh nghiệp cần môi trường khả dĩ nuôi sự sáng tạo, một thể chế kinh tế phân phối nguồn lực và yếu tố sản xuất thông qua thị trường. Nhà nước phải phát huy vai trò bà đỡ cho thị trường, bổ sung khuyết tật cho chị trường”, ông Du Lịch nhấn mạnh.