Toyota Việt Nam muốn đóng cửa nhà máy: Ván bài lật ngửa?

09/04/2015 09:22 AM | Kinh doanh

Thực tế đã chứng minh trong mỗi ngành kinh tế sẽ có những công ty “too big to fail” (quá lớn để thất bại). Toyota Việt Nam có dựa vào điều này để "buộc" chính sách phục vụ cho mình?

Nội dung nổi bật:

- Tổng số tiền đầu tư của Toyota Việt Nam (TMV) từ khi thành lập năm 1996 đến nay là 154 triệu USD, tập trung vào 2 lĩnh vực chính: các dự án xe mới và dây chuyền sản xuất. Năm 2014 TMV  đã sản xuất  34.778  xe các loại.

- TMV và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) không hài lòng với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô hiện hành làm giá bán quá cao và muốn có sự thay đổi để tạo động lực phát triển cho ngành.

-“ Ván bài lật ngửa” – thông báo cân nhắc đóng cửa nhà máy có giúp TMV tác động đến các nhà làm chính sách khi mà họ đang là nhà sản xuất, lắp ráp ô tô lớn thứ hai về doanh số tại Việt Nam


Nói về nguyên nhân của việc có thể phải dừng sản xuất nhà máy tại Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta - Tổng giám đốc của TMV cho biết việc sản xuất phụ tùng, linh kiện liên quan đến số lượng xe bán ra. Số lượng quá ít thì các phụ tùng, linh kiện đó sẽ có giá thành cao, đẩy giá bán sản phẩm lên cao. Vì vậy chỉ khi thị trường phát triển vững chắc, thì hệ thống nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện mới theo đó mà phát triển theo.

Tuy nhiên, ông Yoshihisa Maruta cũng cho biết khi nhìn sang quốc gia láng giềng Thái Lan, Toyota đã có mặt tại Thái Lan khoảng 50 năm, với số lượng sản phẩm sản xuất ra tại Thái Lan rất lớn song số lượng nhà cung cấp phụ tùng nội địa cũng không lớn lắm.

So với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô khác thì con số 18 nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện cho TMV hiện nay là khá nhiều. Ngành sản xuất xe hơi rất quan trọng với Việt Nam nhưng khó nhất là lịch sử ngành xe hơi của Việt Nam quá ngắn và hầu như chưa có sự phát triển gì đáng kể, trong đó đặc biệt là sản xuất linh kiện phụ tùng. Chỉ khi các nhà sản xuất tập hợp được các nhà sản xuất linh kiện nội địa đủ lớn thì mới giảm được giá xe.

“Chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp ôtô đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 mặc dù đã được Chính phủ phê duyệt nhưng chưa đưa ra cụ thể là sẽ làm gì. Vì thế, chúng tôi còn phải đợi chính sách cụ thể được ban hành dựa trên chiến lược tổng thể đó. Nếu các cơ quan chức năng không có động thái cụ thể thì tất cả các nhà sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn.

Hiện hầu hết linh kiện của TMV gần như đều phải nhập khẩu từ nước ngoài khiến chi phí tăng cao. Cho nên, đến một lúc nào đó, theo lộ trình cắt giảm thuế quan, nhập xe nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam sẽ rẻ hơn so với việc nhập từng phụ kiện về lắp ráp. Chính vì thế chúng tôi vẫn đang cân nhắc việc có nên ngừng sản xuất ôtô tại VN để nhập hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN”, ông Yoshihisa Maruta lý giải.

Nếu loại trừ những yếu kém cố hữu về phụ tùng linh kiện, những người am hiểm ngành ô tô Việt Nam đang đặt câu hỏi rằng việc TMV thông báo việc cân nhắc đóng cửa nhà máy có phải là một“ván bài lật ngửa” sau khi những kiến nghị về chính sách thuế của họ đã không được thông qua?

Ngược về thời điểm tháng 11-2014 khi mà Bộ Tài chính có ý kiến với Bộ Công Thương về chính sách thuế thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Một trong những chính sách được Bộ Công Thương nêu ra nhằm khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới là giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng việc làm này không cần thiết.

Bộ Tài chính cho rằng sau khi thống kê một loạt lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế (như theo WTO tất cả loại xe ô tô phải cắt giảm thuế nhập khẩu từ 100% xuống 70% sau 7 năm gia nhập; theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, các loại xe ô tô chở người 9 chỗ ngồi trở xuống phải cắt giảm xuống 0% vào năm 2018; theo Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP dự kiến đến năm 2026, thuế nhập khẩu ô tô chở người cũng sẽ cắt giảm về mức 0%...), Bộ Tài chính lo ngại việc giảm thuế TTĐB đối với ô tô sẽ tác động tiêu cực đến ngân sách.

Theo Bộ Tài chính, trước bối cảnh giảm thu thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm xuống mức 20% từ năm 2016, nếu giảm thuế TTĐB đối với ô tô, ngân sách sẽ càng giảm thu, trong khi mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô trong nước vẫn không đạt được vì phải giảm thuế TTĐB cho cả ô tô nhập khẩu.

Qua khảo sát chính sách thuế TTĐB đối với ô tô của một số nước, Bộ Tài chính cho biết thuế suất thuế TTĐB 45% đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh 2.000cm3 ở Việt Nam là mức trung bình trong khu vực. Vì thế, Bộ Tài chính khẳng định chính sách điều tiết thuế TTĐB đối với ô tô hiện hành là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay và những năm tới, phù hợp với thông lệ của những nước xung quanh và nước có tình hình phát triển kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, từ nhiều năm qua các nhà sản xuất ô tô Việt Nam dẫn đầu là TMV với vai trò Chủ tịch VAMA đã cố gắng vận động chính sách nhằm giảm từ 20-25% thuế TTĐB với mục đích giúp giảm giá bán xe, tạo điều kiện tăng quy mô thị trường để đẩy nhanh nội địa hóa.

Đồng thời các doanh nghiệp ô tô cũng kiến nghị thay đổi cách đánh thuế TTĐB dựa trên giá bán.

Nguyên nhân được lý giải là do các nước trong khu vực đánh thuế TTĐB dựa trên giá đơn hàng nhập khẩu bộ linh kiện.

Chẳng hạn, với doanh nghiệp nhập khẩu 100% linh kiện xe về lắp ráp, với giá 10.000USD/bộ, khi chịu thuế TTĐB 45% chi phí sẽ cao, còn nếu doanh nghiệp nội địa hóa 50% chỉ nhập 50% thì khi áp 45% thuế TTĐB, chi phí sẽ thấp hơn một nửa. Tức càng nội địa hóa nhiều, nhập khẩu ít thì chịu thuế TTĐB ít. Điều này mới khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh nội địa hóa để giảm giá thành.

Thực tế đã chứng minh trong mỗi ngành kinh tế sẽ có những công ty “too big to fail” (quá lớn để thất bại) và trường hợp của của hãng ô tô General Motor ở Mỹ là một ví dụ điển hình. Hãy chờ xem “ván bài lật ngửa” – thông báo cân nhắc đóng cửa nhà máy có giúp TMV tác động đến các nhà làm chính sách khi mà họ đang là nhà sản xuất, lắp ráp ô tô lớn thứ hai về doanh số tại Việt Nam (sau Trường Hải) và đứng đầu về xe du lịch, với doanh số bán năm 2014 đạt hơn 41.000 xe.

>> Toyota rời khỏi Việt Nam, ngành công nghiệp ô tô có mất phanh ?

Duy Khánh

Duy KHánh

Cùng chuyên mục
XEM