Tổng giám đốc FPT Retail: World Cup là mùa bán chậm của ngành hàng điện thoại

01/07/2014 11:43 AM | Kinh doanh

FPT Retail hiện vẫn đang đi theo định hướng đầu tư cho ngành hàng di động. Trong chiến lược trước mắt, FPT Retail chưa hướng vào việc phát triển ngành điện máy.

Hàng điện tử tiêu dùng đang là mảnh đất kinh doanh màu mỡ ở Việt Nam. 

Theo công ty nghiên cứu thị trường GFK, 3 tháng đầu năm 2014, tổng chi tiêu của thị trường điện máy đã tăng 27,5% so với cùng kỳ 2013, lên xấp xỉ 35.000 đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, chỉ tính riêng mặt hàng điện thoại và máy tính bảng, tổng chi tiêu đã lên tới 16.000 tỉ đồng.

So sánh với các thị trường trong khu vực, như Indonesia tăng 10,6% hay Singapore tăng 7,3%, có thể thấy mức tăng trưởng của Việt Nam cao hơn rất nhiều. 

Mức tăng trưởng hấp dẫn đã lôi kéo hàng loạt các doanh nghiệp nhảy vào cuộc đua mở rộng thị phần. FPT, doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua này khi mở ra hệ thống bán lẻ FPT Shop với tốc độ phát triển rất nhanh: hơn 120 cửa hàng chỉ sau 2 năm.

Theo bà Nguyễn Bạch Điệp – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail),  thị trường dành cho các nhà bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn rộng và cuộc đua về số lượng cửa hàng vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới. 

Trước tiên, dưới góc độ doanh nghiệp, bà đánh giá thế nào về thị trường điện máy trong nước hiện nay?

- Về sơ bộ, theo báo cáo của các hãng nghiên cứu thị trường, tình hình thị trường điện máy trong năm nay vẫn tăng trưởng tốt. Một số sự kiện lớn diễn ra trong năm nay như World Cup cũng tác động không nhỏ đến thị trường. Theo lệ thường, World Cup được đánh giá là mùa làm ăn tốt cho ngành hàng điện máy, nhưng lại là mùa bán chậm của ngành hàng điện thoại.

Trong bối cảnh đó, chiến lược của FPT Retail trong thời gian tới là gì? 

- FPT Retail bắt đầu chậm hơn so với các hệ thống bán lẻ khác khá nhiều. Vì vậy, 2014 vẫn là năm FPT Retail phải tiến hành mở rộng quy mô theo chiều rộng, đồng thời hoàn thiện về chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo chiều sâu. Chiến lược này là nhất quán và sẽ được FPT Retail tập trung đẩy mạnh, bất chấp sức ép thực tế rất lớn của nó lên Ban điều hành công ty.

Yếu tố nào giúp doanh thu của FPT Retail nhảy vọt từ 1.000 lên 2.900 tỷ đồng trong năm 2013? Sau 6 tháng của năm 2014, bà đánh giá mục tiêu 4.000 tỷ đồng doanh thu năm nay có khả thi không? 

- Đối với lĩnh vực bán lẻ, nguyên tắc phải đạt đến một mức quy mô đủ lớn và ổn định thì lợi nhuận mới đến. Đó là lý do vì sao FPT Shop qua mỗi năm đều đặt mục tiêu tăng trưởng về số lượng cửa hàng trên thị trường để đạt quy mô đủ lớn. 

Tính đến nay, hệ thống FPT Shop đã hiện diện tại 58 tỉnh/ thành phố với 120 cửa hàng. Đây là cơ sở giúp FPT Shop tăng trưởng doanh thu nhanh từ 1.000 tỷ vào năm 2012 lên thành 2.900 tỷ vào năm 2013. 

Kế hoạch năm 2014 của công ty là đạt mốc 4.000 tỷ và có lãi hơn 24 tỷ. Kế hoạch này thực sự là thách thức lớn dành cho Ban điều hành của FPT Retail, nhưng chúng tôi tự tin có thể cán đích thành công.

Một số ý kiến cho rằng giá bán của FPT Shop không cạnh tranh so với các hệ thống khác. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Điều này có thể được lý giải bởi 2 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, xuất phát từ việc FPT Shop trước đây mang nhiệm vụ làm hình ảnh là chính. FPT lúc đó có nhiều hệ thống showroom trưng bày sản phẩm cho các hãng, như Nokia, Samsung… Do vậy, giá bán thường cao hơn so với giá của các đại lý khác. Về nguyên tắc, showroom không được cạnh tranh giá với đại lý. Đến thời điểm hiện tại, khi FPT Retail tách ra để trở thành hệ thống bán lẻ tương tự các hệ thống khác trên thị trường, quan điểm đó trong tư duy của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi được ngay.

Thứ hai, mỗi hệ thống bán lẻ đều tập trung vào một số dòng sản phẩm có lợi thế về giá. Ví dụ, khi hệ thống bán lẻ A thỏa thuận được giá tốt với 10 dòng sản phẩm (so với các đối thủ cạnh tranh), họ sẽ tập trung đẩy mạnh truyền thông bán hàng cho những sản phẩm này. Đổi lại, các dòng sản phẩm khác sẽ có giá tương đương hoặc cao hơn một chút so với thị trường. 

Về phía FPT Retail, công ty xin khẳng định, 80% giá của các dòng sản phẩm tại FPT Shop có giá bằng hoặc thấp hơn mặt bằng chung giá của các hệ thống bán lẻ có thương hiệu trên thị trường. Thực tế, tại FPT Shop, số lượng khách hàng chọn mua hàng ở tầm trung và cao cấp thường cao hơn số lượng khách hàng chọn mua hàng bình dân.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn liên tục mở rộng số lượng cửa hàng trong thời gian qua, như Trần Anh, Thế giới di động, và cả FPT nữa. Theo bà, cuộc đua mở rộng số cửa hàng của các doanh nghiệp điện máy liệu sẽ còn diễn ra trong bao lâu?

- Mỗi doanh nghiệp có một chiến lược riêng để phát triển và mở rộng quy mô chuỗi cửa hàng. Tuy nhiên, các hệ thống bán lẻ hiện đại mở rộng số lượng cửa hang sẽ dần thay thế cho các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống, giúp khách hàng trải nghiệm được không khí và chất lượng bán hàng hiện đại, uy tín.

Thực tế, thị trường dành cho các nhà bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn rộng và đủ để chia sẻ chung. Do vậy, FPT Shop hay bất kỳ chuỗi bán lẻ nào đang phải suy nghĩ tìm cách tự hoàn thiện mình tốt hơn trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng.

FPT Retail có tính đến việc mở rộng sang mô hình trung tâm điện máy như Thế giới Di động đã làm với Dienmay.com không?

- FPT Retail hiện vẫn đang đi theo định hướng đầu tư cho ngành hàng di động. Trong chiến lược trước mắt, FPT Retail chưa hướng vào việc phát triển ngành điện máy. 

Chúng tôi sẽ tập trung vào mở rộng hệ thống cửa hàng và đảm bảo hệ thống FPT Shop hiện tại phát triển bền vững. Cụ thể liên quan đến cách thức quản trị, con người, kinh nghiệm… Khi năng lực đã đủ “chín”, FPT Retail sẽ cân nhắc chuyển hướng sang các thị trường bán lẻ khác.

FPT chỉ tập trung vào điện thoại, máy tính bảng và laptop chứ chưa mở rộng sang điện máy

Là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh nhất của tập đoàn trong năm qua, lãnh đạo FPT Retail có phải chịu nhiều áp lực trong năm nay không? Bà đối mặt với những áp lực đó như thế nào?

- Việc chịu áp lực đối với FPT Retail là đương nhiên. Thứ nhất, chúng tôi là những người đi sau và muốn vươn lên áp sát các đối thủ đi trước. Do vậy, FPT Retail cần phải chạy nhanh hơn.

Áp lực thứ hai là FPT Retail vừa phải tập trung vào phát triển hệ thống FPT Shop theo chiều rộng (mở thêm cửa hàng), vừa phải đi theo chiều sâu (nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ). 

Thứ ba, việc mở rộng nhanh các cửa hàng ra 63 tỉnh, thành phố cũng làm phát sinh bài toán quản lý. Bởi đối với các cửa hàng ở những tỉnh xa, như Lai Châu, Móng Cái, Sơn La, Điện Biên, Cà Mau…, việc quản lý để đảm bảo chất lượng phục vụ (nhân viên mở cửa cho khách, tươi cười khi giới thiệu sản phẩm…), giữ giá thành sản phẩm theo tiêu chuẩn chung của toàn hệ thống sẽ khó khăn hơn.

Động lực là điều quan trọng nhất để FPT Retail vượt qua những áp lực kể trên. Bản thân tôi và Ban lãnh đạo FPT Retail luôn quyết tâm xây dựng FPT Shop trở thành chuỗi bán lẻ có sự hiện diện ở mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Qua đó giúp định vị hình ảnh FPT rõ nét hơn tại thị trường trong nước, đồng thời mang lại giá trị lợi nhuận cao trong kinh doanh.

Từ trước đến nay, FPT đã nổi tiếng là nhà phân phối của nhiều thương hiệu công nghệ hàng đầu. Tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ “chạm” đến hệ thống đại lý với doanh thu mỗi hoá đơn hàng tỉ đồng. Hiện tại, FPT đã nhận thấy tầm quan trọng của việc “chạm” đến từng khách hàng cuối cùng (end users). Thuyết phục được nhóm khách hàng này chọn mình rất khó và kỳ công. Song, đó thật sự là cả một nghệ thuật.

Xin chân thành cảm ơn bà đã chia sẻ!

>> FPT: Đặt cược vào bán lẻ, thận trọng với phân phối

Trần Dũng

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM