Thị trường điện máy: Các nhà bán lẻ trong nước sẽ đứng vững?
Nhóm hàng tiêu dùng nhanh, giải trí… đang bị các nhà bán lẻ nước ngoài thôn tính! Nhiều ý kiến quan ngại, sẽ đến lượt các ngành hàng điện tử, điện gia dụng, điện thoại di động, máy tính các loại… (gọi chung là điện máy) bị nước ngoài thâu tóm?
Theo điều khoản cam kết với WTO, từ tháng 1.2015, Việt Nam sẽ mở cửa có điều kiện cho các nhà bán lẻ nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ trong nước. Theo một số liệu thống kê vào cuối tháng 4.2014, thị phần của các chuỗi bán lẻ hàng điện máy chiếm khoảng 60%, phần còn lại thuộc về các cửa hàng nhỏ. Cơ cấu thị phần như vậy có hấp dẫn các nhà bán lẻ nước ngoài?
Năm 2013, theo thống kê của bộ Công thương, doanh số của nhóm hàng điện máy tại thị trường Việt Nam ước đạt 5,5 – 6 tỉ USD (110.000 – 120.000 tỉ đồng), tăng 10% so với năm 2012. “Nhìn tổng thể, tỷ lệ tăng trưởng này là chấp nhận được. Tuy nhiên, chỉ có một vài hệ thống bán lẻ lớn như Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, Chợ Lớn, FPT Shop, Viettel Retail là có lãi. Còn những hệ thống, cửa hàng nhỏ, kinh doanh chỉ đủ bù chi phí”, một chuyên gia về thị trường điện máy bình luận.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng, so với người tiêu dùng trong các quốc gia Đông Nam Á, người tiêu dùng Việt Nam đam mê sản phẩm có công nghệ mới. “Đây chính là yếu tố quan trọng giải thích tại sao kinh tế khó khăn mà nhóm hàng điện máy lại tăng trưởng”, ông Tài nói.
Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài tỏ vẻ “thèm thuồng”. Tổng giám đốc Lazada Việt Nam Christopher Beselin cho biết: “Năm nay, Lazada sẽ tăng vốn cho thị trường Việt Nam để giành thị phần, cũng như chuẩn bị nghênh chiến với hai nhà bán lẻ nước ngoài chuẩn bị xuất hiện tại thị trường Việt Nam”. Hai nhà bán lẻ này là ai? Ông Beselin nói, chừng tháng 6 này sẽ rõ.
Nhà bán lẻ ngoại bị đẩy lùi
Vì chưa được phép nên các nhà bán lẻ nước ngoài chưa “chính danh” xuất hiện tại thị trường Việt Nam nhưng với nhiều hình thức khác nhau như góp vốn, nhượng quyền... từ cách đây mười năm, thị trường điện máy đã ghi nhận “có yếu tố nước ngoài”.
Ngày 31.12.2004, hệ thống siêu thị điện máy Best Carings được thành lập, theo nguyên tắc hợp tác nhượng quyền giữa nhà bán lẻ Best Denki (Nhật Bản) và công ty tiếp thị Bến Thành. Trong thời gian tồn tại, vì các hệ thống bán lẻ lúc này chưa thật sự mạnh nên Best Carings đã “làm mưa làm gió” trên thị trường.
Best Carings từng vào danh sách 500 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương năm 2008, 2009 và là một trong mười nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam hai năm 2009 và 2010. Nhưng ngày 1.10.2010, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Best Carings Lê Hồng Xuân chính thức tuyên bố chuyển nhượng chuỗi bán lẻ này (ba siêu thị tại Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ). Cũng từ thời điểm này, Best Carings coi như đóng cửa.
Ông Xuân từng thú nhận, lúc đầu mô hình kinh doanh “kiểu Nhật” thành công tại thị trường Việt Nam nhưng dần về sau, khi các hệ thống bán lẻ trong nước như Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Thiên Hoà... lớn lên đã làm Best Carings yếu đi. Chuỗi bán lẻ này đã “chết” vì chỉ bán hàng cao cấp, ít khuyến mãi nên không thu hút nhóm khách hàng có mức thu nhập từ trung bình trở xuống.
Tháng 11.2011, TD Mobile (Nhật Bản) đã mua lại 30% cổ phần của Viễn Thông A. Ngoài việc góp vốn bằng hình thức mua lại cổ phần, TD Mobile góp sức với Viễn Thông A cung ứng những dịch vụ giá trị gia tăng nội dung số.
Tại buổi lễ công bố hợp tác cách đây hơn hai năm, Koji Ikami, giám đốc điều hành TD Mobile cho biết, việc đầu tư vào Viễn Thông A là “bước đệm” để quan sát, tìm hiểu thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân Việt Nam.
Từ khi có đối tác nước ngoài với nguồn vốn mạnh và kinh nghiệm kinh doanh từ 300 cửa hàng tại Nhật Bản, Viễn Thông A là nhà bán lẻ điện thoại di động đầu tiên xây dựng mô hình trung tâm smartphone để khách hàng làm quen với nhóm sản phẩm này, từ phần cứng đến ứng dụng. Viễn Thông A từng so kè với Thế Giới Di Động nhưng xét tại thời điểm hiện nay, chuỗi bán lẻ này đã bị Thế Giới Di Động bỏ lại phía sau khá xa....
“Không được chủ quan”
Bà Nguyễn Thị Bạch Điệp, tổng giám đốc FPT Shop cho rằng, thị trường điện thoại di động và kỹ thuật số Việt Nam hiện “không có cửa” cho các nhà bán lẻ nước ngoài vì nhiều nhà bán lẻ trong nước đang kiểm soát tốt thị trường, từ giá cho đến chăm sóc khách hàng. Ông Ngô Nguyên Kha, tổng giám đốc hãng sản xuất điện thoại di động Mobiistar cũng nhận xét hiện các nhà bán lẻ điện thoại di động trong nước “không chịu làm sai, mà chỉ có làm đúng” nên chưa có kẽ hở cho các nhà bán lẻ nước ngoài len lỏi vào.
Ông Nguyễn Đức Tài nhận xét, Carphone Warehouse được đánh giá là nhà bán lẻ mạnh trên thế giới nhưng họ chỉ hiểu về thị trường châu Âu, còn hình thức bán hàng thu tiền mặt như tại Việt Nam họ chưa quen. Còn một nhà bán lẻ lớn khác là Bestbuy Mobile chưa hề có động thái đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tuy vậy, bà Điệp cảnh giác: “Muốn không bị thôn tính, các nhà bán lẻ không được chủ quan, phải liên tục hoàn thiện quy trình kinh doanh”.
Vài năm sau sẽ khác…
Một chuyên gia về thị trường điện máy tiết lộ, từ lâu, nhiều chuỗi kinh doanh điện máy đã chào hàng với các nhà bán lẻ nước ngoài đến từ Thái Lan, Singapore, Malaysia… nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Khi thực hiện bài viết này, theo một nguồn tin riêng, sắp tới, Nguyễn Kim sẽ công bố mối quan hệ hợp tác với tập đoàn Central (Thái Lan).
Nguồn tin cho biết, trước mắt hai bên sẽ hợp tác xây dựng mô hình trung tâm mua sắm (Mall) mà khởi đầu là mô hình Sài Gòn Mall vừa khai trương trên nền của siêu thị điện máy Home One (Gò Vấp, TP.HCM) vừa tuyên bố đóng cửa hồi tháng 9.2013.
Ông Tài cũng lo ngại, khi Thế Giới Di Động lên sàn (dự kiến tháng 6 năm nay), các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ thu gom cổ phiếu, sau đó thâu tóm. Còn bà Điệp hoang mang khi cho rằng, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ nhảy vào lĩnh vực kinh doanh trực tuyến như Lazada đang làm. “Với thế mạnh về tài chính và kinh nghiệm bán hàng online, họ sẽ làm doanh số của các nhà bán lẻ trong nước giảm sút”, bà Điệp nói.
Theo Gia Vinh
Theo Thế giới Tiếp thị
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!