Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Nhà nước đầu tư vào Startup, sửa luật để người dùng tiền ngân sách không vào vòng lao lý

09/03/2016 09:46 AM | Kinh doanh

10 dự án khởi nghiệp chỉ 1 thành công. Vì vậy, việc sử dụng ngân sách Nhà nước để rót tiền cho hoạt động khởi nghiệp, nhưng cần đảm bảo đầu tư của Nhà nước là mồi, là dẫn dắt, và người dùng tiền ngân sách không vào vòng lao lý...

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" đang trình Thủ tướng có một nội dung đáng lưu ý: Sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư, dẫn dắt các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trao đổi rõ hơn về đề án này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ: “Bất kỳ đất nước nào khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, người đầu tiên tạo môi trường phải là Chính phủ. Chính sách của Nhà nước phải hỗ trợ tạo ra được hệ sinh thái đó cho các bạn. Chúng ta chưa làm được chuyện ấy thì các Startup còn rất nhiều khó khăn”.

* Xin ông chia sẻ những điểm nổi bật của đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam?


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. Ảnh: Mpi.gov.vn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. Ảnh: Mpi.gov.vn.

Đầu tiên, điều mọi người quan tâm nhất là xây dựng chính sách làm sao để Nhà nước dẫn dắt mà không vi phạm pháp luật, làm sao để những người đầu tư khởi nghiệp từ ngân sách Nhà nước không bị ảnh hưởng.

Hai là, chúng tôi sẽ hình thành những Quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện đầu tư cho các doanh nghiệp.

* Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ sử dụng nguồn tài chính từ Ngân sách Nhà nước?

Một phần từ ngân sách Nhà nước, một phần huy động ngoài xã hội. Nhà nước sẽ dẫn dắt và rót vào số tiền ban đầu. Bên cạnh đó, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm khác từ xã hội. Đấy là nguồn vốn của xã hội hỗ trợ phong trào khởi nghiệp.

* Nếu đề án được thông qua, hoạt động tiếp theo là gì?

Sau đề án sẽ có những văn bản hướng dẫn, thậm chí sửa luật. Phải đưa vào Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để đảm bảo đầu tư của Nhà nước là mồi, là dẫn dắt, nhưng không vi phạm luật.

Nếu không, đầu tư vào 10 dự án, thậm chí mấy chục dự án, mà chỉ 1 - 2 dự án thành công, thì theo luật pháp hiện hành, những người quản lý dự án sẽ vi phạm pháp luật khi làm thất thoát tài sản Nhà nước và có thể vào vòng lao lý.

Những chuyện này phải được tháo gỡ bằng văn bản luật của Việt Nam.

* Rất nhiều Startup cho rằng chính sách của chúng ta còn nhiều rào cản và thay đổi rất chậm…

Tôi đã dự buổi gặp giữa các Startup và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Khi đó, các bạn cũng nêu lên những khó khăn, rào cản đối với Startup của chúng ta.

Năm ngoái và nay đã khác rất nhiều. Ví như đến thời điểm này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình lên Chính phủ một đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó lưu tâm đến các vấn đề liên quan đến thay đổi cơ chế chính sách của Việt Nam, tạo điều kiện hình thành những khu vực tập trung của những người làm khởi nghiệp, hay chính sách thu hút các nhà đầu tư, đào tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp… Những việc ấy đến thời điểm này thay đổi rất nhiều.

Các bạn chia sẻ là bất kỳ đất nước nào khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, người đầu tiên tạo môi trường phải là Chính phủ. Chính sách của Nhà nước phải hỗ trợ tạo ra được hệ sinh thái đó cho các bạn. Chúng ta chưa làm được chuyện ấy thì các Startup còn rất nhiều khó khăn.

Chúng tôi hy vọng sớm có phê duyệt của Chính phủ về đề án này, như vậy sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các bạn trẻ, những người muốn khởi nghiệp.

* Ngoài các nội dung trên, các Startup Việt Nam còn được hỗ trợ những gì?

Nhà nước còn hỗ trợ các điều kiện như hình thành nơi sinh hoạt chung và nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp – mô hình này đang được mở ra ở nhiều nơi. Hiện ở Hà Nội, chúng tôi có VSV Corner (một Co-working Space từ đề án Thung lũng Silicon Việt Nam mới khai trương cuối năm ngoái – PV) ở đường Lý Thường Kiệt.

Trong TPHCM, một tòa nhà rất lớn của Trung Tâm thông tin và Sàn Giao dịch Công nghệ TPHCM cũng đang dành mấy nghìn m2 cho hoạt động khởi nghiệp.

Qua các khu sinh hoạt tập trung nói trên, các bạn khởi nghiệp sẽ có điều kiện để tiếp xúc với các doanh nghiệp có kinh nhiệm, tiếp xúc với các nhà đầu tư, người đào tạo..., qua đó sẽ bớt phần nào rủi ro khi hình thành doanh nghiệp. Các bạn làm doanh nghiệp khởi nghiệp mới phải xác định chúng ta có thể thất bại lần thứ 1, lần thứ 2, nhưng đến lần thứ 3 thì chắc chắn có thể thành công rất bền vững trong quá trình phát triển.

Ngoài ra, Nhà nước cũng thu hút đầu tư, tổ chức các sự kiện kết nối nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tháng 9 tới, chúng tôi sẽ tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp và Công nghệ - TechFest lần thứ 2 nhằm kết nối mọi người với nhau.

Những hoạt động này sẽ thúc đẩy Startup Việt Nam phát triển.

Người Việt Nam rất thông minh, làm việc rất độc lập, nhưng không chịu làm việc nhóm. Tất cả việc này sẽ sửa chữa “lỗi” ấy của chúng ta.

Nếu chúng ta làm được việc nhóm với nhau, biết phát huy được tiềm năng của mỗi người. Nhóm đó sẽ trở thành nhóm lớn hơn, và lớn dần lên trở thành những doanh nghiệp tốt.

* Xin cảm ơn ông!

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM