“Thần tài” Masan
Với hàng loạt thương vụ thâu tóm doanh nghiệp gần đây, giới đầu tư trên TTCK đã ví von CTCP Tập đoàn Masan (MSN) như là “Thần tài”.
Mạnh tay thâu tóm
CTCP Vinacafe Biên Hòa (VCF) chính thức niêm yết trên sàn HOSE đầu năm 2011, với mức giá chào sàn là 50.000 đồng/CP và giao dịch ở quanh mức giá này trong khoản thời gian khá dài.
Thế nhưng, ngay khi thị trường râm ran thông tin một công ty con của Masan là CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) sẽ thâu tóm VCF, CP này bắt đầu được NĐT chú ý. Đến khi thông tin Masan Consumer đã hoàn tất việc mua và sở hữu hơn 50% vốn điều lệ của VCF, CP của doanh nghiệp này bắt đầu nổi sóng.
Từ mức giá hơn 5.0 thời điểm chưa có thông tin thâu tóm đến khi thông tin được công bố VCF đã tăng hơn 300% lên mức 15.0. Đến cuối phiên giao dịch cuối tuần qua, VCF đã leo lên mức 212.000 đồng/CP (tăng hơn 400%).
Hiện tượng "Thần tài" Masan có tạo thêm cơ hội cho NĐT? |
Tuy nhiên, có một thực tế mà không phải NĐT nào cũng biết là việc VCF bị đẩy lên mức giá cao như hiện nay hoàn toàn không nằm trong mục đích thâu tóm của Masan nếu nhìn vào quá trình thâu tóm. Theo giới phân tích, VCF nằm trong tầm ngắm của Masan từ những năm 2006-2007, nhưng không thể thực hiện do giá thị trường VCF lúc này bị đẩy lên quá cao.
Đến tháng 8-2011, Masan gửi thông báo chào mua công khai 13,3 triệu CP của VCF (tương đương 50,11% vốn điều lệ), VCF bắt đầu chuỗi tăng kể từ khi thông tin này rộ ra. Trong khi đó, khoảng thời gian trước khi có đề nghị mua (từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8), MSN chỉ đứng ở mức giá 90.000-110.000 đồng/CP nhưng khối lượng giao dịch không lớn.
Thanh khoản và giá chỉ thực sự tăng mạnh từ cuối tháng 8-2011 trở đi cho tới đầu tháng 10-2011. Điều này có thể khẳng định việc đánh lên VCF do NĐT kỳ vọng vào sự tăng trưởng của VCF thời kỳ hậu thâu tóm. Và đặc biệt không loại trừ khả năng đẩy giá của bên bán là những tên tuổi gạo cội trên TTCK như CTCK Beta, Vina Capital hay Quỹ VF1.
Ngoài thương vụ VCF, Masan còn có hàng loạt vụ thâu tóm lớn khác. Mới nhất là việc chào mua hơn 6 triệu cổ phần (tương đương 75% vốn điều lệ) của CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo với tổng giá trị là 517 tỷ đồng.
Trước đó, tập đoàn này đã cũng đã mua thành công hơn 2 triệu cổ phần Vĩnh Hảo (tương đương 25% vốn điều lệ) từ cổ đông lớn là CTCP Gemadept (GMD). Giá chào mua lần này là 85.000 đồng/cổ phần trong khi giá Vĩnh Hảo trên thị trường OTC dao động từ 60.000-65.000 đồng/cổ phần.
Ngoài ra, Masan cũng đã mua lại 40% cổ phần của CTCP Sản xuất thức ăn gia súc Proconco từ Prudential Assurance Private Limited và PCA International Funds SPC (Vietnam Segregated Portfolio) với tổng giá trị khoảng 96 triệu USD.
Ăn theo
Việc Masan mạnh tay trong các thương vụ thâu tóm khiến giới đầu tư lên cơn sốt mỗi khi có thông tin tập đoàn này định đầu tư vào doanh nghiệp nào đó. Đây cũng chính là nguyên nhân xuất hiện hàng loạt tin đồn gần đây nhắm vào Masan.
Đầu tiên là tin đồn Masan có ý định thâu tóm CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC). Sau khi thông tin trên bị phủ nhận lại có thêm thông tin Masan sẽ thâu tóm CTCP Bao bì nhựa Tân Tiến (TTP). Cụ thể, từ mức giá chưa đầy 3.0, sau khi có tin đồn thâu tóm, CP của TAC tăng một lèo lên trên mức 6.0.
Tuy nhiêu, khi lãnh đạo TAC bác tin đồn giá TAC suy giảm trở lại và hiện giao dịch ở mốc 4.0. Tương tự, sau khi có tin đồn, TTP đã có chuỗi tăng giá dài và có thời điểm CP này vượt mốc 4.0. Sau khi xác định đây chỉ là tin đồn TTP lại rớt giá và hiện chỉ còn 27.000 đồng/CP.
Có thể dễ dàng nhận thấy là mỗi khi tin đồn được tung ra gần như ngay lập tức CP của các doanh nghiệp trong diện bị thâu tóm tăng giá rất mạnh.
Trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp dính vào tin đồn thường chọn cách im lặng khiến NĐT càng có lý do tin tưởng vào tin đồn và đua nhau mua vào với ý nghĩ cho rằng Masan chính là “Thần tài”. Thậm chí, đâu đó còn có câu châm ngôn: “Ở đâu có Masan, ở đó có tiền”. Chính vì vậy, Masan trở thành mục tiêu để các đối tượng xấu tung tin đồn hòng trục lợi trên TTCK.
ĐTTC