Ai sở hữu Masan Consumer?

13/11/2012 16:21 PM | Kinh doanh

Giá trị thị trường của Masan Consumer hiện ở mức 1,6 tỷ USD - tương đương mức định giá khi phát hành 10% cổ phần cho KKR.

Đầu năm 2011, CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (MSC) đã có thương vụ đình đám khi phát hành 10% cổ phần cho Tập đoàn đầu tư KKR của Hoa Kỳ với mức giá 159 triệu USD, qua đó định giá công ty ở mức 1,59 tỷ USD – mức giá cao gấp rưỡi thị giá trên thị trường OTC của MSC lúc đó.

Theo báo cáo tài chính Q3/2012 của công ty chứng khoán ACBS, thị giá của MSC là 66.500 đồng/cổ phiếu.
 
Với vốn điều lệ 5.025 tỷ đồng thì vốn hóa của MSC hiện đạt hơn 33.400 tỷ đồng ~ 1,6 tỷ USD, tức bằng đúng giá trị công ty tại thời điểm phát hành cho KKR.

Mới đây, ngày 9/11, HĐQT Masan Group (MSN) - công ty mẹ của MSC -  đã có quyết định về mua tối đa 25% cổ phần của MSC.

Hiện Masan Group và các công ty con do công ty sở hữu 100% vốn đang sở hữu 76,16% lợi ích kinh tế của MSC.

Cuối năm 2010, Masan Group đã thực hiện lại 100% quyền biểu quyết và tất cả các lợi ích kinh tế của 2 công ty Hoa Đồng Tiền và Hoa Thược Dược, mỗi công ty sở hữu 8% cổ phần của MSC tại thời điểm đó.

Để thực hiện giao dịch này, Masan Group đã phát hành một công cụ vốn chủ sở hữu là 88.411.350 cổ phiếu phổ thông mới công ty, được xác định giá trị là 6.012 tỷ đồng và chi thêm 1.000 tỷ đồng tiền mặt cho bên bán và bảo hiểm lợi ích kinh tế cho giao dịch này.
 
Theo báo cáo của Masan Group thì công ty hiện không sở hữu Hoa Đồng Tiền và Hoa Thược Dược nhưng được ủy quyền 100% quyền bỏ phiếu và tất cả các lợi ích liên quan đến việc sở hữu 2 công ty này.

Những năm vừa qua, MSC là công ty đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận của Masan Group. Việc tăng tỷ lệ sở hữu tại MSC sẽ giúp Masan Group gia tăng phần lợi nhuận thuộc về cổ đông của công ty.

Từ năm 2013, Masan Resources đi vào hoạt động sẽ bắt đầu đóng góp mạnh vào kết quả hợp nhất của Masan Group.

Điểm mặt các cổ đông chính của Masan Consumer

Cơ cấu cổ đông của MSC khá “đậm đặc”. Masan Group, các công ty con và KKR đã sở hữu lên tới 85,94% cổ phần.
 
ACBS cùng một số cổ đông nội bộ và người có liên quan của MSC sở hữu hơn 5,5% cổ phần. Các cổ đông khác sở hữu 8,5% cổ phần còn lại.

Lúc phát hành KKR mua 10% cổ phần của MSC, tuy nhiên, do công ty đã có 2 đợt phát hành cổ phiếu ESOP nên tỷ lệ sở hữu của KKR hiện giảm xuống còn 9,77%, tương ứng 49,11 triệu cổ phiếu.

Cuối năm 2010, ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc MSC – mới chỉ sở hữu 0,96% cổ phần của công ty. Đến 30/6 năm nay, tỷ lệ sở hữu của ông Thắng đã tăng vọt lên 3,17% cổ phần.

Với 15,92 triệu cổ phiếu đang nắm giữ nhân với mức 66,5 nghìn đồng/cổ phiếu thì giá trị lượng cổ phiếu của ông Thắng có trị giá hơn 1.000 tỷ đồng. Trong năm nay, ông Thắng đã bán ra hơn 600 cổ phiếu.

Ông Phạm Hồng Sơn – phó tổng giám đốc phụ trách phát triển nguồn cung ứng – cùng vợ nắm giữ 0,48% cổ phần.

Một lãnh đạo chủ chốt của MSC là bà Nguyễn Hoàng Yến đã bán ra phần lớn số cổ phiếu nắm giữ, giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,05% xuống còn 0,22%. Bà Yến cũng là vợ ông Nguyễn Đăng Quang – chủ tịch Tập đoàn Masan.

Chứng khoán ACBS sở hữu 7,82 triệu cổ phiếu,tương đương 1,56% cổ phần. Giá vốn của lượng cổ phiếu này chỉ hơn 30.000 đồng/cổ phiếu – khá thấp so với thị giá.
 
KAL
 
Cơ cấu tổ chức của Masan Consumer và các công ty con trong hệ thống Masan

duchai

Cùng chuyên mục
XEM