Những ai đang sở hữu Nước khoáng Vĩnh Hảo cùng Masan Consumer?

05/02/2013 13:16 PM | Kinh doanh

(CafeBiz) GMD đã không còn là cổ đông lớn ở Vĩnh Hảo, thay vào đó có thể là Masan Consumer.


Ngày 31/1/2013, CTCP Đại lý Liên hiệp Vận chuyển (GMD) chính thức hoàn tất giao dịch chuyển nhượng 2.016.900 cổ phiếu CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo.

GMD không nêu tên đối tác nhận chuyển nhượng khối lượng cổ phiếu nói trên. Tuy nhiên cách đây không lâu, Masan Consumer (MSF) đã công bố thông tin chào mua 24,9% cổ phần của Vĩnh Hảo, đúng bằng khối lượng cổ phần GMD vừa công bố chuyển nhượng.

Theo báo cáo thường niên năm 2010 (tính đến ngày đăng ký 3/5/2011), các cổ đông góp vốn vào Công ty CP Nước khoáng Vĩnh Hảo gồm 146 cổ đông, sở hữu 8,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, giá trị vốn góp 81 tỷ đồng. Thời điểm đó, với tỷ lệ nắm giữ 2.349.190 cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 29%), GMD là cổ đông lớn nhất của Vĩnh Hảo.


Cơ cấu cổ đông của Công ty CP Nước khoáng Vĩnh Hảo theo báo cáo thường niên năm 2010.

Sau thương vụ chuyển nhượng này, tỷ lệ nắm giữ của GMD giảm xuống còn 4,1% với khối lượng cổ phiếu 332.290 cổ phiếu, và không còn là cổ đông lớn tại Vĩnh Hảo.



Cơ cấu cổ đông của CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo sau thương vụ ngày 31/1/2013 của GMD.
(BI Private Equity New Market K/S hiện là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Masan Group - MSN).

Vĩnh Hảo là khoản đầu tư thứ 2 của Masan Consumer sau Vinacafe Biên Hòa. Trong vòng 3 năm qua, ngoài 2 công ty đồ uống trên, Masan Consumer còn chi 96 triệu USD để mua lại 40% cổ phần của Proconco – công ty sản xuất Cám Con Cò.

Vài nét về Nước khoáng Vĩnh Hảo:

Vĩnh Hảo là nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam, được người Pháp khai thác từ những năm 1928-1930 tại nguồn nước khoáng ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. 

Sản phẩm chính của Vĩnh Hảo là nước khoáng có ga và nước khoáng không ga (hàm lượng khoáng thấp). Ngoài ra còn có các loại nước uống giải khát (nước ngọt), nước đóng chai...

Vĩnh Hảo từng được xem như là biểu tượng của ngành công nghiệp nước khoáng đóng chai của Việt Nam và được người Pháp gọi là "Vichy Đông Dương".

Sau năm 1975, Bộ Lương thực thực phẩm Việt Nam đã tiếp quản Công ty cổ phần nặc danh Vĩnh Hảo và đổi tên thành Xí nghiệp nước suối Vĩnh Hảo.

Năm 1995, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho phép cổ phần hóa Xí nghiệp nước suối Vĩnh Hảo để hình thành Công ty cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo và hoạt động cho đến nay.

CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, trụ sở chính tại tỉnh Bình Thuận. 

Năm 2011, Công ty CP Nước khoáng Vĩnh Hảo đạt doanh thu 384,5 tỷ đồng và LNTT đạt 11,45 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên, năm 2012 CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo đặt mục tiêu tiêu thụ 114,64 triệu lít nước khoáng, doanh thu và LNTT lần lượt là 475,9 tỷ và 25,35 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 24% và 75%.

Hiện tại, thị trường nước khoáng đóng chai của Việt Nam đang bị một số thương hiệu nước ngoài thống trị như La Vie (thuộc Nestle Water), Aquafina (Pepsi), Dasani (Coca Cola).

Các thương hiệu nước khoáng lớn trong nước hiện có Vital, Vĩnh Hảo, Thạch Bích, Tiền Hải, Đảnh Thạnh…

Kỳ Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM