Tại sao phụ nữ ngày càng khó tìm việc?
Khoảng cách về giới đang dần nhỏ lại. Nhưng xu hướng công nghiệp trong tương lai sẽ làm cho khoảng cách ấy trở nên khó thu hẹp hơn.
Một báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy phụ nữ sẽ mất dần cơ hội ở nhiều khía cạnh, bất chấp những nỗ lực đang được thực hiện để cải thiện mọi thứ từ khoảng cách về lương bổng cho đến sự hiện diện của phụ nữ trong ban lãnh đạo và các vị trí quản lý cấp cao.
Trước hết, ngày càng có nhiều ngành mà kinh nghiệm lịch sử cho thấy việc tuyển dụng lao động nữ sẽ là giải pháp cuối cùng. Những sáng kiến về bình đẳng giới vẫn đang cố gắng đưa thêm nhiều phụ nữ vào các lĩnh vực được gọi tắt là STEM – Science (khoa học), technology (công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), và Mathematics (Toán học) – và nỗ lực này vẫn đang tiếp tục, dù rất chậm.
Những dữ liệu thu thập được cho thấy các nỗ lực này cần phải tăng thêm gấp đôi. Các nhóm công việc với kỳ vọng tăng trưởng lao động cao nhất trên toàn cầu (như kiến trúc, kỹ thuật, máy tính và toán học) có sự hiện diện của lao động nữ thấp nhất và thấy ngày càng khó tuyển dụng phụ nữ. Chỉ có 11% các công việc trong ngành kiến trúc và kỹ thuật do phụ nữ đảm nhiệm, và con số này là 23% ở ngành máy tính và toán học.
Những ngành này đang tăng trưởng nhanh nhất và nếu tỉ lệ này tiếp tục giữ nguyên thì phụ nữ sẽ bị bỏ lại phía sau. Nhưng chưa dừng lại ở đó, ngành tự động hóa và những ngành được WEF gọi là “kỷ nguyên của các hệ thống điều khiển-vật lý” cũng đang thu hút lao động từ các ngành khác.
Tự động hóa đã từng được dự đoán là sẽ giải phóng phụ nữ khỏi công việc nặng nhọc và đã làm được điều đó ở nhiều lĩnh vực, gồm cả công việc nội trợ. Báo cáo của WEF nhấn mạnh nhiều công việc mất đi do tự động hóa sẽ tác động đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nhìn chung nhiều công việc của nam giới sẽ bị mất đi hơn nhưng vì phụ nữ chỉ góp một phần nhỏ trong lực lượng lao động, nên điều này có nghĩa là khoảng cách kinh tế về giới sẽ rộng hơn so với tỉ lệ 40% hiện nay.
Đây không chỉ là tin xấu với phụ nữ mà còn cho những ngành đang phải vật lộn trong việc tìm kiếm và tuyển được những người thích hợp. Saadia Zahidi, Giám đốc chương trình bình đẳng giới của WEF, khi được hỏi liệu các ngành này có nhận ra được vấn đề hay không, đã trả lời:
“Chúng tôi thấy có hai quan điểm từ các dữ liệu thu được. Có một loạt các công ty hoàn toàn nhận thức được vấn đề này và thực tế là vấn đề này được nhìn nhận rõ hơn ở các ngành mang tính kỹ thuật nhiều hơn”, bởi ngày càng nhiều phụ nữ có bằng cấp cao hơn nam giới. Các ngành như công nghệ hoặc máy tính “đang tạo ra nhiều công việc nhanh hơn so với khả năng đáp ứng của thị trường lao động” và không tìm được những người có kỹ năng thích hợp.
Nhưng Zahidi còn cho biết cũng có không ít các công ty tin rằng sự công bằng và bình đẳng là lý do chính để khiến mọi thứ trở nên cân bằng.
42% các quản lý nhân sự và chiến lược tuyển dụng trong số 100 nhà tuyển dụng lớn nhất trên toàn cầu ở mỗi ngành xuất hiện trong báo cáo của WEF đồng thuận với lý do này. Trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông, con số này là 63%. Chỉ có 23% trong số đó nói rằng mở rộng phạm vi thu nhận những người tài là lý do để tuyển dụng phụ nữ, và không một ai trong ngành công nghệ nêu lý do “lợi suất về tài chính”.
Có lẽ sự thôi thúc ủng hộ bình đẳng giới, dù cho mạnh mẽ đến mấy, cũng luôn được xếp sau mục tiêu tối thượng của mỗi công ty là lợi nhuận.