Tại sao người Việt không thể hiểu cơn tức giận của người Myanmar?

21/11/2015 09:31 AM | Kinh doanh

Cùng một câu chuyện, người Việt Nam và người Myanmar không hề có cái nhìn giống nhau, và sẽ thật "ngớ ngẩn" khi áp cái nhìn của người Việt Nam vào để bình luận một vấn đề của người Myanmar.

Gần đây, trên trang mạng xã hội của một khách hàng người Myanmar chia sẻ thông tin về việc tờ tạp chí của Vietnam Airlines cung cấp cho các chuyến bay trong tháng 11 có in hình ngôi chùa nổi tiếng của quốc gia phật giáo này. Theo đó, hình ảnh được cho là của ngôi chùa Shwedagon (chùa Vàng) được in ở dưới phần vạt áo, do một nữ người mẫu mặc, bị cho là sự xúc phạm tới di sản tâm linh quan trọng của người Myanmar.

Vietnam Airlines sau đó đã nhanh chóng lên tiếng xin lỗi và thu hồi lại ấn phẩm này.

Tuy vậy, sau khi lời chỉ trích của người Myanmar được đăng tải trên Facebook, có rất nhiều người Việt tìm đến đây và bình luận bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Thậm chí một số còn chỉ trích lại người Myanmar và cho rằng đây chỉ là "chuyện nhỏ". Trả lời trên báo chí, ngay cả một số nhà thiết kế áo dài cũng cùng quan điểm rằng việc đưa hình ảnh những kiến trúc nổi tiếng thế giới lên trang phục là bình thường và đã được nhiều nhà thiết kế trong và ngoài nước thực hiện. .

Tại sao nhiều người Việt Nam không thể hiếu lý do người Myanmar tức giận khi hình ảnh ngôi chùa vàng của họ bị in lên tà áo dài?

Đó là sự khác biệt mang tên "văn hóa bản địa". Cùng một câu chuyện, người Việt Nam và người Myanmar không hề có cái nhìn giống nhau, và sẽ thật "ngớ ngẩn" khi áp cái nhìn của người Việt Nam vào để bình luận một vấn đề của người Myanmar.

Một vài người tiêu dùng có thể không hiểu, nhưng một thương hiệu chắc chắn phải luôn quan tâm tới vấn đề này. Hãy cùng nghe câu chuyện của các thương hiệu đa quốc gia - những người thấm thía nhất về "văn hóa bản địa" để thấy sự thiếu hiểu biết có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như thế nào.

Không xa lạ, hãng bia lừng danh Heineken cũng từng đắc tội với những người mộ đạo. Tồi tệ hơn, hãng bia này lại làm phật lòng những tín đồ theo đạo Hồi, vốn nổi tiếng với những quy định nghiêm khắc.

Chuyện là tại World Cup 1994 diễn ra ở đất Mỹ, trong vai trò nhà tài trợ chính của World Cup, Heineken đã in cờ của các quốc gia góp mặt trong vòng chung kết lên các chai bia, trong đó có cờ của Ả rập Saudi.

Vấn đề là quốc kỳ của Ả rập Saudi có một dòng chữ được trích dẫn từ kinh Koran, mà ai thì cũng biết kinh Koran nghiêm cấm các loại đồ uống có cồn. Khi phát hiện ra điều này, 1,5 tỉ tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới đã vô cùng tức giận với hãng bia và Heineken đã buộc phải thu hồi lại từng chai bia sau đó.

Câu chuyện của Starbucks còn tồi tệ hơn. Mùa hè năm 2002, Starbucks cho ra mắt một chiến dịch marketing với tên gọi "Collapse into cool" (tan ra trong mát lạnh). Vấn đề ngay lập tức xảy đến khi quảng cáo này ra mắt.


Chữ "collapse" (tan vỡ, sụp đổ), cộng với hình quảng cáo 2 cốc Starbucks song song nhau, phía trên là một con chuồn chuồn trông không khác gì chiếc máy bay sắp lao vào tòa tháp đôi. Quảng cáo tung ra sau khi sự kiện khủng bố ngày 11/9 chỉ vài tháng, và ngay lập tức khiến người Mỹ liên tưởng đến thảm họa.

Starbucks là một doanh nghiệp Mỹ, hiểu rõ văn hóa và những vấn đề của nước Mỹ nhưng vẫn tỏ ra thiếu suy nghĩ khi tung ra một chiến dịch như vậy. Ngay sau khi quảng cáo được ra mắt, Starbucks cũng phải nhanh chóng thu hồi.

Giả sử Starbucks tung mẫu quảng cáo này tại Việt Nam, có lẽ sẽ chẳng người Việt nào cảm thấy vấn đề gì.

Nhẹ nhàng hơn, câu chuyện của Coca-cola không khiến ai tức giận, nhưng khiến nhãn hàng này thất bại thảm hại. Chiến dịch quảng cáo của Coca tại Trung Đông thực sự là một thảm họa bởi sự thiếu hiểu biết về "văn hóa bản địa".

Hãy nhìn thử tấm hình quảng cáo dưới đây:


Với chúng ta, những hình ảnh trong quảng cáo hoàn toàn bình thường. Một cách đơn giản nhất, chúng ta có thể diễn giải hình ảnh trên như sau: Một người kiệt sức trên sa mạc, sau khi uống Coca-cola, sức lực của anh ta đã nhanh chóng phục hồi.

Vấn đề ở chỗ: "Người Ả rập đọc từ phải qua trái". Như vậy, ý nghĩa của hình quảng cáo này đã hoàn toàn ngược lại. Dù không ai bắt thu hồi, nhưng quảng cáo này của Coca-cola cũng không tồn tại lâu.

Sự khác biệt về văn hóa bản địa biến những hành động bình thường ở một quốc gia này trở thành bất thường ở một quốc gia khác. Chúng ta còn nhớ việc một cầu thủ ngoại bị lên án khi nhét quốc kỳ của Việt Nam vào cạp quần? Tại Mỹ, nơi người ta vẫn in hình quốc kỳ lên quần đùi, sẽ chẳng có ai lên án trước hành động trên.

Nếu đến lúc này, bạn thốt lên: "Mình khác, họ khác" thì cuối cùng bạn đã phần nào hiểu được suy nghĩ của người Myanmar.

Quay trở lại câu chuyện của Vietnam Airlines, việc in hình ngôi chùa biểu tượng Myanamr lên tà ào dài liệu có phải là một vấn đề nghiêm trọng? Câu trả lời của một quốc gia có 80% dân số theo đạo Phật có thể là rất nghiêm trọng.

Rất may là Vietnam Airlines đã xử lý rất chính xác. Hãng đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi và tuyên bố thu hồi lại sản phẩm. Đó cũng là bài học dành cho các thương hiệu của Việt Nam khi bắt đầu vươn ra thế giới. Đối với các thương hiệu, nắm rõ văn hóa bản địa không chỉ giúp họ tránh được những cuộc khủng hoảng không đáng có, mà còn là chìa khóa giúp họ chiến thắng trên thị trường nước ngoài.

 

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM