Sang Indonesia sản xuất, bán ôtô 300 triệu cho dân Việt?
Trong khi tính chuyện rút khỏi Việt Nam thì Toyota cho hay sẽ rót thêm 1,6 tỷ USD cho nhà máy sản xuất ôtô tại Indonesia. Tại Việt Nam, chính sách không rõ ràng và nhất quán khiến sản xuất ô tô đì đẹt và thua xa các nước ASEAN.
Tham vọng soán ngôi Thái Lan
Tờ Just Auto dẫn lời Tổng thống Indonesia, Joko Widodo trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua cho hay, tập đoàn Toyota đã quyết định chi thêm 1,6 tỷ USD để tái thiết nhà máy sản xuất ôtô của họ ở Karawang, Tây Java. Với kế hoạch đó, Toyota tham vọng tăng gấp ba lần sản lượng xe lắp ráp tại đảo quốc này.
Indonesia thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển từ năm 1995, đến nay đã thành công và được nhận định, sẽ soán ngôi của Thái Lan để trở thành trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất Đông Nam Á trong thời gian tới. Cũng cùng thời điểm đó, Việt Nam bắt đầu thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô, nhưng đến nay chưa đâu vào đâu.
Phó Tổng thống Indonesia, ông Boediono, hồi cuối tháng 9/2014 đã khẳng định, sản xuất ô tô hiện đã trở thành xương sống của ngành công nghiệp Indonesia khi đáp ứng được ba trụ cột của phát triển công nghiệp, gồm: tăng giá trị cho sản phẩm, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và cho phép Indonesia tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Chính phủ Indonesia đã thiết lập các mục tiêu rõ ràng, cụ thể cho ngành công nghiệp ô tô ngay từ đầu, với ngắn hạn là phục vụ nhu cầu trong nước, trung hạn và dài hạn là xuất khẩu ra thị trường thế giới. Một loạt các chính sách từ thu hút đầu tư, liên doanh với nước ngoài là những đối tác đang chi phối thị trường ô tô thế giới như Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đến tạo điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi cho các nhà sản xuất, thực hiện kế hoạch dài hạn phát triển các ngành công hỗ trợ trợ, thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển,... nhanh chóng được thông qua và áp dụng.
Ngay từ 1995, Indonesia đã đưa ra chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất ô tô. Nếu nhà sản xuất nào đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% đến 60%, thì phần linh kiện còn lại nhập khẩu sẽ được áp thuế suất 0%.
Trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, đến tháng 6/1999, Chính phủ Indonesia tuyên bố chính sách mới cho ngành công nghiệp ôtô với mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp hiệu quả và mang tính cạnh tranh toàn cầu. Lúc này, xe nhập nguyên chiếc bị hạn chế, còn thuế nhập khẩu cho xe CKD tùy thuộc vào từng loại xe.
Năm 2007, Indonesia đặt kế hoạch phát triển xe chiến lược giá rẻ và tiết kiệm nhiên liệu. Chính phủ đã quy định ôtô nằm trong diện ưu đãi cần có dung tích động cơ dưới 1.200 phân khối, giá dưới 10.000 USD và tiêu thụ nhiên liệu dưới 5 lít cho 100 km. Tỷ lệ nội địa hóa trên 60%. Nhờ chính sách thuế và các chế độ ưu đãi, đã giúp các DN định được mức giá rất thấp cho các dòng xe nhỏ thân thiện với môi trường.Giá phổ biến trong nước chỉ 10 - 15 ngàn USD tương đương 300 triệu VND
Đến 2013, hầu hết các hãng xe đã giới thiệu đến người dùng một loạt mẫu xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu và có giá rẻ, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người tiêu dùng bình dân và đáp ứng đầy đủ các thiết bị cần thiết cũng như thiết bị an toàn.
Kết thúc năm 2014, sản lượng ô tô của Indonesia đạt 1,3 triệu chiếc, đáp ứng hầu hết nhu cầu trong nước và xuất khẩu 200.000 chiếc. Hiệp hội các nhà chế tạo xe ôtô Indonesia cho biết, năm 2015 sản lượng ô tô có thể đạt 1,61 triệu chiếc, xuất khẩu 396.000 chiếc. Còn đến năm 2020 sản lượng ô tô của Indonesia sẽ đạt 2,59 triệu chiếc, trong đó tiêu thụ nội địa 1,97 triệu và xuất khẩu 620.000 chiếc.
Việt Nam chủ yếu nhập linh kiện về để lắp ráp. Sắp tới thuế giảm, các DN đang tính chuyện nhập khẩu xe nguyên chiếc (ảnh minh họa - Lao động)
Tập đoàn Tư vấn và nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting cho biết, khoảng 7-10 năm nữa, Indonesia sẽ chiếm giữ vị trí số 1 về sản xuất ô tô của Đông Nam Á. Khi đó, các nhà sản xuất linh kiện Thái Lan sẽ quay sang phục vụ Indonesia và cả ngành công nghiệp ôtô Thái Lan cũng sẽ dựa vào Indonesia để xuất khẩu.
Việt Nam: Chính sách thiếu nhất quán
Sau khi đã xây dựng và ban hành các chính sách về ô tô, thì Indonesia rất ít thay đổi, nhằm tạo môi trường ổn định, cho DN yên tâm đầu tư, nhất là các chính sách về thuế.
Chẳng hạn, Indonesia áp dụng hai mức thuế cơ bản với ô tô là nhập khẩu và hàng xa xỉ (tương tự như thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam). Thuế nhập khẩu ở mức 40% dành cho xe nguyên chiếc. Nếu lắp ráp dưới dạng CKD (bộ linh kiện hoàn chỉnh) thuế nhập là 10% và lắp dưới dạng IKD (bộ linh kiện không hoàn chỉnh) thuế là 7,5-8%.
Thuế xa xỉ phân theo các dung tích động cơ, dao động trong khoảng 30-75%. Riêng với dòng xe chiến lược với tỷ lệ nội địa hóa trên 60% thì thuế xa xỉ chỉ là 10% hoặc thấp hơn, nhằm khuyến khích các hãng tham gia. Các mức thuế này đã duy trì hơn 10 năm qua và không có thay đổi.
Trong khi đó, thuế, phí ô tô tại Việt Nam thay đổi chóng mặt. Năm 2007 và 2008 được coi là đỉnh cao của sự bất ổn thuế. Riêng 2007, thuế nhập khẩu khẩu xe mới giảm từ 90% xuống 80% rồi 70% và cuối cùng là 60%. Sang 2008, với mục tiêu "giảm ách tắc giao thông", chỉ trong 4 tháng thuế tăng lại thành 70% và 83%. Một tốc độ thay đổi mà gần như không quốc gia nào có, theo nhận định của giới chuyên gia.
Không chỉ thuế, thị trường ôtô Việt Nam còn liên tục bị ảnh hưởng bởi chính sách phí. Trong 2012, việc tăng lệ phí trước bạ lên 15-20%, đã khiến cho thị trường ô tô sụt giảm doanh số tới 33% so với 2011.
Hiện nay, trong khi Bộ Công Thương xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô, thì các Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải xây dựng các chính sách hạn chế ô tô. Mỗi cơ quan một kiểu, không chung một hướng nhìn, là nguyên nhân dẫn đến ngành công nghiệp ô tô lẹt đẹt như hiện nay.
>> Nếu biết làm, công nghiệp ô tô vẫn có chỗ đứng
Theo Trần Thủy