SaigonBank, OceanBank và GPBank: Vietcombank gọi tên ai?

24/04/2015 11:37 AM | Kinh doanh

Hiện Vietcombank đang có cổ phần sở hữu ở 5 tổ chức tín dụng, trong đó, tỷ lệ sở hữu ở SaigonBank là 4,37%.

Tại Đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sáng 24/4, việc chọn ngân hàng sáp nhập của Vietcombank trở thành chủ đề nóng khi xung quanh vấn đề này còn nhiều đồn đoán trên thị trường.

Trước đó, hồi cuối năm 2014, Viecombank đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, trong đó có nội dung trình cổ đông “xem xét, thông qua chủ trương sáp nhập một ngân hàng TMCP khác vào Vietcombank”.

Với thông tin này, một cổ đông chất vấn: Liệu Vietcombank có nhắm đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank), Ngân hàng TMCP Đại dương (OceanBank) hay sẽ chọn Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank)?

Trả lời chất vấn này, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết: Sau Đại hội cổ đông bất thường ngày 26/12/2014, quá trình tìm kiếm ngân hàng sáp nhập đang triển khai theo đúng tinh thần đã được Đại hội cổ đông thông qua.

“Đã tìm hiểu thì phải chọn tổ chức tín dụng sáp nhập phù hợp với mục tiêu, đề án... nên quá trình tìm hiểu chưa đi đến chung kết... Thời điểm này, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm đối tác sao cho bổ trợ được cho Vietcombank trở thành ngân hàng hàng đầu trong thời gian tới” – ông Thành cho biết.

Về việc sở hữu các tổ chức tín dụng, theo ông Thành, hiện Vietcombank có tham gia cổ phần, là cổ đông của 5 tổ chức tín dụng.

Theo dữ liệu của CafeF, 5 tổ chức tín dụng Vietcombank đang sở hữu gồm:

- Ngân hàng TMCP Quân đội ( MBB ), tỷ lệ sở hữu 9,59%

- Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tỷ lệ sở hữu 8,24%

- Ngân hàng TMCP Phương Đông ( OCB ), tỷ lệ 5,07%

- Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank), tỷ lệ 4,37%

- Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (TCXM ), tỷ lệ 10,91%

Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết: Định hướng trong 5 tổ chức tín dụng vừa nêu, HĐQT và Ban điều hành chưa có chủ trương, kế hoạch đàm phán sáp nhập với 1 trong 5 tổ chức tín dụng mà Vietcombank đang sở hữu cổ phần.

Theo thông tư 36, một TCTD không được sở hữu ở quá 2 tổ chức tín dụng và không vượt quá 5%. Cho nên, ông Thành cho biết: “Vietcombank vừa xây dựng đề án và báo cáo Ngân hàng Nhà nước chấp nhận chủ trương. Nếu được Thống đốc phê chuẩn, chúng tôi sẽ thoái vốn, giảm dần cổ phần ở các tổ chức tín dụng khác”.

4 tiêu chí “chọn mặt gửi vàng” của Vietcombank

Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành cho biết, việc lựa chọn ngân hàng sáp nhập phải đảm bảo mục tiêu của Vietcombank là trở thành hàng đầu trong thời gian tới. Theo đó, Vietcombank đưa ra 4 tiêu chí để tìm ngân hàng sáp nhập. Cụ thể:

1 - Quy mô. Ngân hàng lựa chọn phải có quy mô nhất định để làm sao khi sáp nhập, sẽ tăng được quy mô của ngân hàng mới.

2 - An toàn. “Vietcombank là ngân hàng có uy tín, phải tìm 1 tổ chức tín dụng an toàn về tài chính. Nếu ngân hàng âm về vốn thì chúng tôi cũng không đặt vấn đề”- ông Thành nói.

3 - Có mạng lưới, nhất là mạng lưới bổ trợ được cho Vietcombank, đặc biệt ở những nơi mà Vietcombank chưa có.

4 - Tăng vốn. Để vốn tăng lên, thì tổ chức tín dụng phải an toàn. Sau khi trừ đi khoản trích lập dự phòng rủi ro và các rủi ro khác, vốn của tổ chức tín dụng đó phải còn để tăng vốn.

“Về nội dung sáp nhập, ban lãnh đạo Vietcombank không quá gấp gáp mà chúng ta bình tĩnh, chờ đợi thời gian chín muồi” – ông Thành nói.

Về vấn đề sáp nhập ngân hàng, trong một sự kiện hồi đầu năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Dự kiến trong năm 2015 sẽ có khoảng 6 thương vụ sáp nhập, hợp nhất (M&A) trong ngành ngân hàng.

Reuters cũng cho rằng, một số thương vụ M&A có thể xảy ra sẽ là: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại dương (OceanBank) và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Vietcombank có thể nhận sáp nhập SaigonBank.

Đến nay, VietinBank đã chính thức công bố kế hoạch nhận sáp nhập PGBank. Còn SaigonBank liệu có về cùng nhà với Vietcombank hay không, có lẽ thông tin chính thức phải chờ thêm một thời gian nữa.

>> [Infographics] Tổng quan quá trình phát triển của Vietcombank

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM