Sách lược của các đại gia bán lẻ ngoại ở Việt Nam
"Sự gia nhập của các doanh nghiệp ngoại là môt xu thế không thể tránh khỏi, và doanh nghiệp Việt Nam buộc phải học cách để thích nghi với điều này".
Việt Nam, với thị trường bán lẻ hiện đại vẫn còn kém phát triển, đang thu hút sự đầu tư của không ít các tên tuổi bán lẻ nổi tiếng thế giới.
Tháng 9 vừa qua, Thương hiệu Mark & Spencer nổi tiếng của Anh đã khai trương showroom đầu tiên rộng 1.200m2 tại Vincom Center Đồng Khởi. M&C cho biết, họ sẽ mở thêm 20 cửa hàng tại Việt Nam từ nay cho tới năm 2020. Theo Bruce Findlay, giám đốc khu vực châu Á tại Marks & Spencer thì tập đoàn sẽ tiến hành xây dựng hệ thống tại Việt Nam cùng các đối tác nhượng quyền nội địa.
Một tên tuổi nổi tiếng khác là Aeon (Nhật Bản) vừa khai trương trung tâm mua sắm thứ 2 tại Bình Dương. Aeon cũng tuyên bố bắt tay với Citimart của Việt Nam và đổi tên thương hiệu Citimart thành Aeon-Citimart. Mục tiêu mà Aeon-Citimart hướng tới là hệ thống 500 cửa hàng vào năm 2025.
Trong vòng vài năm trở lại đây, thị trường bán lẻ đã chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của không ít tên tuổi Quốc tế lớn. Đó là những tên tuổi lớn trên thị trường Quốc tế từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan,… Có thể thấy, các nhà bán lẻ quốc tế mở rộng với tốc độ chóng mặt để tạo lợi thế người đến trước trên thị trường.
Thị trường hấp dẫn
9 tháng đầu năm, doanh thu từ thị trường bán lẻ đã đạt hơn 76 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng tốt và tiềm năng phát triển lâu dài giúp Việt Nam trở thành thị trường đầy hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Thứ nhất, theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 56% người tiêu dùng Việt Nam dưới 30 tuổi. Thứ hai, nhóm trung lưu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng từ 8 triệu người lên tới 44 triệu người vào năm 2020.
Theo Ac Nielsen, đến năm 2020, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt 44 triệu người và 95 triệu người vào năm 2030
Dân số trẻ với thu nhập ngày càng tăng là mảnh đất vàng cho các doanh nghiệp bán lẻ, đủ để các nhà đầu tư bỏ qua những thiếu thốn về cơ sở hạ tầng hay khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải. Hiện tại, thị trường đã có rất nhiều tên tuổi lớn ở cả nội địa và quốc tế. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam còn khá nhiều “đất” để phát triển.
Trong một Hội thảo do Hiệp hội bán lẻ tổ chức gần đây, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ cho biết, bán lẻ hiện đại hiện mới chỉ chiếm 20% thị trường bán lẻ Việt Nam,, 80% còn lại là bán lẻ truyền thống với chợ cóc, quán xá vỉa hè,… Tỉ lệ này rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Tại Singapore, bán lẻ hiện đại chiếm tới 90%, Malaysia là 60% và ở Philippines là 33%.
Sự đầu tư ồ ạt của các nhà bán lẻ quốc tế còn đến từ những chính sách vĩ mô quan trọng. . Tới năm 2015, Hiệp định với WTO sẽ buộc chính phủ phải mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Đây cũng là thời điểm mà Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) với một thị trường chung lên đến 600 triệu người với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động, có thể sẽ đi vào hoạt động. Việc tăng đầu tư của các hãng bán lẻ Quốc tế là để chuẩn bị đón đầu tiến trình này.
Lời giải cho bài toán mặt bằng
Đối với các nhà bán lẻ, mặt bằng luôn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, theo Marc Townsend, giám đốc CBRE Việt Nam, không dễ để các nhà bán lẻ nước ngoài xin được giấy phép đầu tư tại Việt Nam cũng như tìm được hệ thống những mặt bằng ưng ý. “Các nhà bán lẻ không thể duy trì với 1 hay 4 cửa hàng kinh doanh. Họ phải mở tới 14 cửa hàng mỗi năm”, ông Townsend nhận định.
Trong số 900 điểm bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, hiện chỉ có 60 - 70 địa điểm nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại. Nhu cầu về lượng mặt bằng lớn rất khó đáp ứng, cộng thêm giá thuê mặt bằng cao cùng với hệ thống hạ tầng, cung ứng kém hiệu quả là những vấn đề khó với nhà đầu tư nước ngoài.
Để giải quyết bài toán mặt bằng, các hãng bán lẻ Quốc tế đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. NTUC FairPrice (Singapore) hay Aeon (Nhật Bản) chọn cách liên kết với các công ty bản địa. NTUC FairPrice đã bắt tay với Saigon Coop, nhà bán lẻ nội địa có hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam để xây dựng hai chuỗi siêu thị Co.opXtra và Co.opXtra Plus. Aeon chọn liên kết với Citimart và đổi tên cả 30 trung tâm Citimart thành Aeon-Citimart. Nếu con số 20 trung tâm mua sắm vào năm 2020 cộng với 500 siêu thị Aeon - Citimart vào năm 2025 của Aeon không phải nói chơi, thì tham vọng của hãng bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam là rất lớn.
Bản thân Aeon mới khai trương trung tâm mua sắm thứ 2 tại Bình Dương. Để đẩy nhanh sự hiện diện của Aeon tới người tiêu dùng Việt thì hãng bán lẻ Nhật Bản cần nhiều mặt bằng hơn nữa. Cái bắt tay với Citimart và Fivimart là một đáp án thích hợp. Hàng hóa của Aeon sẽ xuất hiện trên các quầy kệ của 2 chuỗi siêu thị Việt để người tiêu dùng quen dần với sự hiện diện của tập đoàn này.
Trong khi đó, một số lại chọn cách mở rộng nhanh nhất là mua lại hệ thống sẵn có. Berli Jucker của Thái Lan đã chọn cách này để đẩy nhanh nhất sự hiện diện của mình tại thị trường bán lẻ. Tháng 8, tập đoàn này mua lại toàn bộ hệ thống gồm 19 cửa hàng Metro Cash & Carry tại Việt Nam với giá 829 triệu USD. Trước đó, tập đoàn này cũng mua lại toàn bộ hệ thống cửa hàng tiện lợi Family Mart do tập đoàn Phú Thái sở hữu và đổi tên thành B’mart. Thông qua M&A, tập đoàn Thái Lan nhanh chóng sở hữu những mặt bằng lớn hoặc có vị trí thuận tiện để khai thác.
Đánh đổ rào cản vùng miền
Trong khi bán lẻ ngoại tăng tốc thì các thương hiệu nội dường như đang bị mắc kẹt. Tại Việt Nam, yếu tố vùng miền trong ngành bán lẻ rất rõ nét. Các thương hiệu thành công ở miền Bắc lại ít thành công ở miền Nam và ngược lại.
Saigon Co.op, chuỗi siêu thị nội địa lớn nhất nước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đổ bộ sang ra miền Bắc. Sau nhiều lần thất bại, chuỗi siêu thị này mới chỉ mở 2 siêu thị đặt ở khá xa trung tâm Hà Nội và đang tiến hành mở rộng hơn sang các tỉnh phía Bắc lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh. Ngược lại, các nhà bán lẻ có tiếng miền Bắc như Phú Thái, Fivimart cũng không thể "Nam tiến" và phải ngậm ngùi đóng cửa siêu thị ở miền Nam sau một thời gian làm ăn thua lỗ.
Trong khi đó, với kinh nghiệm trên nhiều thị trường khác nhau, Big C, Metro là những doanh nghiệp làm ăn lâu năm ở Việt Nam và có hiện diện ở cả 3 miền. Lotte mart đã khai trương 6 trung tâm thương mại trên khắp cả nước bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng,... Aeon cũng đang xây dựng trung tâm thương mại ở Hà Nội. Điều đó cho thấy, yếu tố vùng miền, vốn là rào cản rất lớn trong phát triển của các thương hiệu bán lẻ nội, lại không phải vấn đề lớn đối với các nhà bán lẻ quốc tế.
Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường, khi ý thức được nâng cao, người tiêu dùng Việt Nam sẽ ngày càng hướng tới các sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe và đảm bảo chất lượng hơn. Những yếu tố đó sẽ thúc đẩy các kênh bán lẻ hiện đại phát triển và thu hẹp dần những kênh truyền thống như chợ, cửa hàng đường phố. Nhìn vào cách các nhà bán lẻ quốc tế hoạt động trong thời gian qua, có thể thấy họ đang có những bước chuẩn bị rất tốt.
"Sự gia nhập của các doanh nghiệp ngoại là môt xu thế không thể tránh khỏi, và doanh nghiệp Việt Nam buộc phải học cách để thích nghi với điều này" bà Loan nhận định.
Còn theo một chủ doanh nghiệp bán lẻ mới khai trương một chuỗi cửa hàng ở miền Bắc trong năm nay, nên tránh đối đầu với các doanh nghiệp nước ngoài. "Nếu có nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề thì đối tác, trao đổi đôi bên cùng có lợi mới là điều chúng tôi hướng đến", vị này cho biết.
>> Những nước cờ chiến lược của Aeon Việt Nam
Trang Lam