Rạng Đông vs. Điện Quang: Lợi nhuận tỷ lệ nghịch với với doanh thu

30/04/2015 10:13 AM | Kinh doanh

Mặc dù đèn huỳnh quang, đèn compact vẫn đang là sản phẩm chủ lực của 2 doanh nghiệp, tuy nhiên đèn LED đang trở thành xu thế tất yếu trong ngành sản xuất thiết bị chiếu sáng hiện nay và Điện Quang- Rạng Đông cũng không đứng ngoài cuộc đua đó.

Điện Quang (DQC) và Rạng Đông (RAL) là 2 doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và cung ứng các sản phẩm, thiết bị chiếu sáng trong nước. Sản phẩm của cả 2 doanh nghiệp không những đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn được đánh giá cao ở những thị trường xuất khẩu.

Tuy vậy, cơ cấu tiêu thụ sản phẩm của 2 doanh nghiệp này lại có đôi chút khác biệt. Trong khi Điện Quang tập trung khá mạnh vào mảng xuất khẩu, đặc biệt tới các thị trường Mỹ- Latin, Trung Á, Nam Á với cơ cấu doanh thu từ xuất khẩu chiếm khoảng 45% thì Rạng Đông có xu hướng tập trung ở thị trường nội địa khi doanh thu từ hoạt động xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%.

Trong khi Điện Quang chủ yếu tập trung ở mảng bóng đèn, thiết bị chiếu sáng thì Rạng Đông bên cạnh mảng chính là thiết bị chiếu sáng vẫn còn mảng phích nước mang lại doanh thu không nhỏ cho công ty.

 

Doanh thu: Rạng Đông lấn lướt

Xết về yếu tố doanh thu, Điện Quang đang tỏ ra khá lép vế khi so với Rạng Đông và đặc biệt kể từ năm 2008 trở đi, Điện Quang luôn đạt doanh thu khá thấp, chỉ ở mức dưới 1.000 tỷ đồng cho đến năm 2014 mới vượt lên trên ngưỡng này. Trong khi đó, Rạng Đông luôn duy trì được ngưỡng doanh thu trên 1.000 tỷ đồng kể từ năm 2009.

Lợi nhuận: Điện Quang vượt trội

Lợi nhuận của Điện Quang cũng có sự sụt giảm mạnh kể từ năm 2008 và thường xuyên duy trì ở mức thấp hơn so với Rạng Đông. Tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây, lợi nhuận Điện Quang đã được cải thiện đáng kể và tỏ ra vượt trội so với Rạng Đông.

Chưa tính tới các yếu tố như doanh thu tài chính hay chi phí bán hàng, tỷ suất lợi nhuận gộp của Điện Quang đang được cải thiện đáng kể.

Nguyên nhân của vấn đề một phần xuất phát từ việc Điện Quang xuất hiện khoản phải thu khá lớn khoảng 1.000 tỷ đồng đến từ CuBa vào năm 2008 và hiện vẫn chưa thu hồi hết được. Chính điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Tuy nhiên kể từ năm 2013, hoạt động thu hồi nợ đã có những tiến triển và điều này đã giúp cải thiện đáng kể tình hình kinh doanh của Điện Quang.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, giải quyết hàng tồn kho cũng khiến Điện Quang đạt lợi nhuận tích cực, vượt qua Rạng Đông trong 2 năm qua.

Còn với Rạng Đông, mặc dù cũng xuất hiện khoản phải thu với đối tác CuBa vào cuối năm 2008, tuy nhiên giá trị của khoản phải thu này không quá lớn và Rạng Đông đã thu hồi được hoàn toàn khoản nợ này.

Khác biệt trong hoạt động đầu tư sản xuất

Kể từ năm 2007 tới nay, mặc dù nền kinh tế trong nước cũng như thế giới có những biến động hết sức khó khăn, phức tạp nhưng Rạng Đông vẫn liên tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất dây chuyền. Điều này cũng giải thích một phần tại sao doanh thu của Rạng Đông duy trì ở mức khá cao so với Điện Quang.

Trong khi đó, Điện Quang lại hầu như không đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Có lẽ do những quan ngại về tình hình khó khăn của thị trường cũng như áp lực từ khoản công nợ khó đòi khiến công ty khó khăn trong việc mở rộng sản xuất.

Đèn LED- xu thế tất yếu

Mặc dù đèn huỳnh quang, đèn compact vẫn đang là sản phẩm chủ lực của 2 doanh nghiệp, tuy nhiên đèn LED đang trở thành xu thế tất yếu trong ngành sản xuất thiết bị chiếu sáng hiện nay với những ưu điểm riêng của mình như tiết kiệm năng lượng, tuổi thọ, độ bền cao. Nắm bắt nhu cầu đó, Điện Quang đã bắt đầu tung ra các sản phẩm đèn LED từ năm 2010, tuy nhiên chỉ thực sự đẩy mạnh hoạt động phát triển vào năm 2013.

Tương tự đối thủ, Rạng Đông cũng bắt đầu hợp tác với ĐH BKHN nghiên cứu, chế tạo đèn LED từ năm 2010 và hiện tại các sản phẩm đèn LED Rạng Đông đã có mặt trên thị trường.

Vốn hóa thị trường

 

Chốt phiên giao dịch 27/4/2015, DQC có mức giá 57.500đ, tương ứng vốn hóa thị trường đạt 1.516 tỷ đồng. Còn với mức giá 47.600đ, RAL có vốn hóa 514 tỷ đồng, bằng xấp xỉ 1/3 so với DQC.

>> Hòa Bình và Coteccons: Cuộc chiến không khoan nhượng

Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
XEM