Đế chế bán lẻ lớn thứ 2 thế giới sắp sụp đổ?

28/04/2015 10:09 AM | Kinh doanh

Tesco đã thua lỗ tới 6,4 tỷ Bảng (tương đương 9,6 tỷ USD), mức cao nhất trong lịch sử ngành bán lẻ của Anh, gấp 8 lần so với kỷ lục trước đó được thiết lập bởi hãng Morrison vào năm ngoái.

Nội dung nổi bật:

- Tesco - tập đoàn bán lẻ lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Walmart mới công bố mức thua lỗ kỷ tục 6,4 tỷ Bảng.

- Liên tục công bố kết quả kinh doanh đáng thất vọng và những khó khăn có thể nhìn thấy được của thị trường bán lẻ đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về tương lai của Tesco.


Ngày 22/4 vừa qua, nhà bán lẻ lớn nhất nước Anh đã công bố kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Theo đó, mọi con số đều tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì các chuyên gia phân tích có thể nghĩ đến.

Cụ thể, Tesco đã thua lỗ tới 6,4 tỷ Bảng (tương đương 9,6 tỷ USD), mức cao nhất trong lịch sử ngành bán lẻ của Anh, gấp 8 lần so với kỷ lục trước đó được thiết lập bởi hãng Morrison vào năm ngoái. Đây cũng là mức thua lỗ lớn thứ 6 trong lịch sử các tập đoàn lớn tại Anh. Hầu hết trong số đó (khoảng 4,7 tỷ Bảng) là do sự sụt giảm giá trị các cửa hàng tại Anh. 

Ngoài những vấn đề hiển thị rõ ràng qua các con số kể trên, có nhiều dấu hiệu cho thấy các đại siêu thị lớn như Tesco đang ngày càng giảm sự hấp dẫn với khách hàng bởi họ chuyển sang mua sắm trực tuyến hay sử dụng cửa hàng tiện lợi.

Hàng hóa của Tesco trong các kho hiện trị giá 570 triệu Bảng, ít hơn so với trước đó và quỹ lương cũng đang bị thâm hụt 3,89 tỷ Bảng và còn rất nhiều vấn đề khác nữa.

Trong năm qua, các nhà đầu tư – người sở hữu cổ phiếu của Tesco cũng phải chịu mất đi một nửa giá trị so với năm trước đó. Trong khi đó, dư âm của nghi án báo cáo kết quả kinh doanh sai lệch của Tesco vào năm ngoái với lợi nhuận đạt 263 triệu Bảng vẫn còn khiến các nhà đầu tư hoang mang.

Dẫu vậy, vẫn có một vài điểm sáng.

Tesco Bank vẫn làm ăn tốt. Tốc độ phát triển của các chi nhánh tại châu Á chỉ giảm nhẹ 15% so với năm trước đó so với mức 79% của các cửa hàng tại Anh. Điều này cho thấy Tesco đã đúng khi đa dạng hóa khu vực kinh doanh: Châu Á và châu Âu hiện tại đóng góp hơn 1 nửa tổng doanh thu cho Tesco.

Rõ ràng, điều khiến CEO David Lewis đau đầu nhất vẫn là tình trạng hoạt động đáng buồn của hơn 3.000 cửa hàng Tesco tại Anh. Trong vòng 6 tháng liên tiếp, cỗ máy kiếm tiền chủ yếu của Tesco đã không tạo ra được bất kể đồng lợi nhuận nào.

Kể từ năm 2011, họ đã mất thị phần, chủ yếu là do các đối thủ cạnh tranh đến từ Đức như Lidl và Aldi khi cung cấp sản phẩm với giá rẻ hơn. Trong suốt giai đoạn suy thoái kinh tế, khách hàng đã chuyển sang các cửa hàng mới này và dường như họ đã trở nên quen thuộc với chúng. 2 cửa hàng này hiện chiếm gần 9% thị phần thị trường bán rau củ của Anh, tăng mạnh so với mức 5% vào năm 2010 (chủ yếu do giành được từ Tesco). Aldi còn đặc biệt mở rộng thị phần một cách không khoan nhượng và hứa hẹn tốc độ mở cửa hàng nhanh chóng mặt.

Mặc cho những khó khăn kể trên, hiện Tesco vẫn là đại siêu thị lớn nhất tại Anh, đơn vị sử dụng lao động nhiều nhất châu Âu và là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới chỉ sau Walmart. Tuy nhiên, tất cả những danh hiệu này đều đang bị lung lay.

Vậy liệu còn đường sống nào cho Tesco hay không?

Để cạnh tranh, Tesco đang cố gắng trở nên giống Aldi hơn. Họ nỗ lực đầu tư để giảm giá bán. Mặc dù điều này sẽ gây ra sự sụt giảm lợi nhuận đáng kể, nhưng có một vài dấu hiệu cho thấy khách hàng đang quay trở lại.

Tesco cũng tăng một lượng lớn sản phẩm trên kệ, đặc biệt nếu một cửa hàng của Aldi bán 2.000 sản phẩm thì một cửa hàng Tesco sẽ có 45.000 sản phẩm. CEO Lewis cũng đã đóng cửa một trong những trụ sở chính của công ty khiến hàng nghìn người bị mất việc và bán 5 chiếc máy bay riêng của tập đoàn.

Tuy vậy, tất cả những biện pháp này sẽ cần có thời gian mới có thể cho ra kết quả và vì thế cả CEO Lewis và các nhà đầu tư đều cần phải kiên nhẫn. Bản thân các nhà đầu tư cũng đã tỏ ý sẽ cho ông Lewis thời gian. Họ tỏ ra hài lòng với kế hoạch cắt giảm chi phí cũng như hy vọng vào doanh số bán hàng của Tesco sẽ tăng cao hơn.

Tuy nhiên, mọi thứ còn phụ thuộc vào việc liệu người tiêu dùng có sẵn sàng quay trở lại với Tesco như thời điểm trước khủng hoảng hay không. Và các nhà đầu tư có thể kiên nhẫn ủng hộ Tesco đến khi nào.

Cùng nhìn lại một số mốc phát triển quan trọng của đế chế Tesco:

1919: Nhà sáng lập Jack Cohen bắt đầu mở một quầy hàng nhỏ trong khu chợ ở phía Tây London.

1934: Cohen mở một cửa hàng thực phẩm tại phía Bắc London để phục vụ khách hàng. Cái tên Tesco cũng xuất hiện trong thời điểm này. Nó được ghép từ 3 chữ cái đầu của một nhà cung cấp trà cho Tesco là T. E. Stockwell và 2 chữ cái đầu của tên của nhà sáng lập.

1947: Tesco chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán London.

1957: 10 năm sau đó, siêu thị lớn, tự chọn đồ đầu tiên của Tesco mở cửa tại Essex.

Từ 1950 - 1960: Công ty mua hơn 500 cửa hàng mới. Phương châm bán hàng của Cohen thời điểm này là “bán thật nhiều với giá thật rẻ”. Nhà sáng lập Cohen mất vào năm 1979.

Những năm 2000: Tesco bắt đầu mở rộng thị trường ra nước ngoài với nhiều cửa hàng tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia và châu Âu. Tuy nhiên, giai đoạn này doanh số bán hàng bắt đầu suy giảm.

2008: Giữa tâm bão khủng hoảng tài chính, Tesco cũng chịu tổn thất không hề nhỏ. Trong khi nhiều công ty khác bắt đầu giảm giá bán thì Tesco lại có các phản ứng rất chậm chạp.

2013: Lần đầu tiên sau 20 năm Tesco công bố lợi nhuận sụt giảm và đồng thời tuyên bố rút khỏi thị trường Mỹ.

2014: Tesco vướng nghi án giả mạo kết quả kinh doanh khi công bố lợi nhuận đạt 250 triệu USD. Vụ việc sau đó đã được các nhà chức trách điều tra. Sau sự cố này, Tesco đã trải qua việc thay đổi nhân sự cấp cao và giá cổ phiếu ảnh hưởng nghiêm trọng.

2014 - nay: Tesco liên tục gây sốc cho thị trường chứng khoán khi giá cổ phiếu liên tục sụt giảm khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi về tương lai nhà bán lẻ lớn thứ 2 thế giới.

>> Đã đến ngày tàn của cửa hàng bán lẻ?

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM