Quá giàu có, HSBC tính kế rời khỏi nước Anh
Theo tờ Wall Street Journal, một trong những nguyên nhân khiến hội đồng quản trị ngân hàng HSBC xem xét chuyển trụ sở khỏi thủ đô Luân Đôn là số tài sản mà ngân hàng này nắm giữ tại Anh đã quá lớn so với nền kinh tế Châu Âu này.
Hội đồng quản trị ngân hàng HSBC đã thông báo cho chính phủ Anh rằng họ sẽ quyết định xem có chuyển trụ sở khỏi Luân Đôn hay không vào cuối tháng 12/2015. Theo nguồn tin của tờ Wall Street Journal, những thành phố như Hồng Kông, Thượng Hải và Paris cũng như một số thành phố của Mỹ là những lựa chọn tiềm năng.
Hiện ngân hàng này đang có tổng tài sản trị giá 2,57 nghìn tỷ USD, mức gần tương đương với tổng GDP của Anh. Chuyên gia Chirantan Baruaat của hãng nghiên cứu thị trường Bernstein Research nhận định số tài sản quá lớn này sẽ khiến những nhà hoạch định chính sách của Anh gia tăng áp lực cho việc kinh doanh của HSBC.
Trước đây, ngân hàng HSBC cũng đã có những động thái tương tự về việc chuyển trụ sở. Cách đây 5 năm, ngân hàng này đã “ám chỉ” với chính quyền Luân Đôn rằng những quy tắc ngành ngân hàng mới được thông qua trong tình hình khủng hoảng toàn cầu sẽ làm tăng chi phí hoạt động của HSBC và có thể ngân hàng sẽ phải chuyển trụ sở. Ngân hàng Standard Chartered cũng có động thái tương tự vào thời gian đó, nhưng cuối cùng cả 2 ngân hàng đều không chuyển trụ sở.
Năm 1993, ngân hàng HSBC đã chuyển trụ sở từ Hồng Kông đến Luân Đôn nhưng hội đồng quản trị luôn xem xét đánh giá khả năng di dời trụ sở một lần nữa. Động thái xem xét này ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây khi chính phủ Anh gia tăng các quy định trong ngành ngân hàng. Mới đây, ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tách biệt hoạt động của ngân hàng bán lẻ với đầu tư, đồng thời giới hạn mức thưởng của ngành.
Bên cạnh đó, việc chính phủ Anh tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng rời Liên minh Châu Âu (EU) vào cuối năm 2017 cũng tác động đến quyết định xem xét chuyển trụ sở của HSBC.
Ngân hàng HSBC đã cho biết họ sẽ tập trung hơn vào các hoạt động kinh doanh tại Châu Á, khu vực chiếm 70% lợi nhuận của họ, một dấu hiệu cho khả năng chuyển trụ sở. Tuy nhiên, những cổ đông của HSBC muốn ngân hàng này thực hiện kế hoạch trên nhanh chóng hơn nữa nhằm cắt giảm chi phí và có thời gian tái tập trung vào công việc kinh doanh chính.
Hiện ngân hàng trên có khoảng 46.000 nhân viên tại Anh và theo Giám đốc điều hành Stuart Gulliver, việc di dời trụ sở có thể khiến ít nhất 250 việc làm tại đây phải thay đổi cùng với khoảng thời gian 2 năm để thực hiện. Ngân hàng dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 12/2015, nhưng có khả năng thời hạn chót sẽ được lùi sang năm 2016.
Trong khi đó, Hãng Moody’s Investor Services cảnh báo rằng việc di chuyển trụ sở của HSBC sẽ tốn kém, phức tạp và làm xói mòn khả năng quản lý đối với công việc kinh doanh chính trong khi lợi nhuận của ngân hàng đang giảm tốc.
Theo nguồn tin của tờ Wall Street Journal, một số thành viên hội đồng quản trị HSBC đã tới Hồng Kông để gặp gỡ các luật sư nổi tiếng. Hiện HSBC đang khá quan tâm đến tình trạng của Hồng Kông sau năm 2047, khi thỏa thuận bán tự trị của khu vực này với Trung Quốc hết hiệu lực.
Một số thành phố của Mỹ cũng được đưa vào danh sách xem xét dù HSBC đã phải trả gần 2 tỷ USD cho chính phủ nhằm dàn xếp một số vụ bê bối rửa tiền cũng như thực hiện giao dịch với các nước bị Mỹ cấm vận.
Chính phủ Anh đang cố gắng duy trì thủ đô Luân Đôn là một trung tâm tài chính toàn cầu, cùng với số việc làm và tiền thuế mà ngành ngân hàng mang lại, đồng thời hạn chế những rủi ro tài chính mà nước này có khả năng gặp phải. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, chính quyền Luân Đôn đã phải chi hơn 100 tỷ bảng Anh (153 tỷ USD) vào một số ngân hàng để cứu vãn nền kinh tế.
Kể từ khi ngân hàng HSBC tuyên bố sẽ xem xét khả năng di dời trụ sở vào tháng 4/2015, chính phủ Anh đã “dịu giọng” hơn đối với ngành ngân hàng. Tháng 7/2015, Bộ Tài chính Anh sẽ giảm bớt mức lệ phí cho ngành ngân hàng, số tiền mà HSBC dự kiến sẽ phải trả 1,5 tỷ USD trong năm 2015.
Trụ sở của HSBC tại Luân Đôn
Không lâu sau đó, Cục trưởng Martin Wheatley của Cục quản lý tài chính Anh (FCA), người có quan điểm cứng rắn với các ngân hàng thương mại, đã bị cách chức. Đầu tháng 10/2015, các nhà hoạch định chính sách cũng đã loại bỏ một quy định gây tranh cãi, trong đó buộc các giám đốc điều hành ngân hàng phải chứng minh họ không chịu trách nhiệm cho sự phá sản của ngân hàng đó.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, những nhượng bộ và thay đổi trong phát ngôn của chính phủ Anh có thể khuyến khích các ngân hàng xem xét lại và ngừng quyết định chuyển trụ sở.