VietJet sẽ phát hành 200-300 triệu USD trái phiếu để mua máy bay
Số tiền huy động được sẽ được dùng cho một phần đơn hàng mua 100 chiếc máy bay Airbus A320 với trị giá trên 9 tỷ USD của VietJet, đồng thời chi vào việc mở rộng các cơ sở bảo trì và đào tạo của VietJet.
Tóm tắt:
- Bloomberg: VietJet Air có kế hoạch huy động từ 200 đến 300 triệu USD qua kênh trái phiếu để mở rộng hoạt động. Tháng tới sẽ chọn nhà tư vấn để chuẩn bị IPO.
- VietJet đang nhắm vào phân khúc khách hàng trẻ tuổi và lần đầu tiên đi máy bay vốn đang có tốc độ tăng trưởng tốt.
- Thương hiệu Vietjet không được biết đến ở bên ngoài Việt Nam, cạnh tranh rất khốc liệt.. VietJet sẽ mở nhiều đường bay quốc tế trong năm nay nhưng hoạt động sẽ phát triển phần lớn ở thị trường nội địa.
Bloomberg đưa tin, Công ty cổ phần Hàng không VietJet - VietJet Air (hãng hàng không tư nhân duy nhất ở Việt Nam) có kế hoạch huy động từ 200 đến 300 triệu USD qua kênh trái phiếu để mở rộng hoạt động. Đồng thời VietJet Air cũng đang ráo riết chuẩn bị cho việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg hôm 22/1 tại TP HCM, ông Lưu Đức Khánh – Giám đốc điều hành của VietJet Air – cho biết công ty sẽ huy động 200 – 300 triệu USD sớm nhất là trong quý II và hiện vẫn chưa quyết định sẽ huy động trên thị trường quốc tế hay nội địa. Trong tháng tới, VietJet Air sẽ lựa chọn nhà tư vấn quốc tế cho đợt IPO cũng như phát hành trái phiếu này.
VietJet đang nhắm vào phân khúc khách hàng trẻ tuổi và lần đầu tiên đi máy bay vốn đang có tốc độ tăng trưởng tốt. Đây cũng là chiến lược mà các hãng hàng không giá rẻ khác như AirAsia và Bangkok Airways đang áp dụng.
“Mục tiêu của chúng tôi là đem đến cơ hội bay cho tất cả mọi người. Mọi người thường nghĩ hàng không giá rẻ đi kèm với chất lượng thấp, chúng tôi muốn thay đổi điều này. Vé giá rẻ không đồng nghĩa với dịch vụ tồi”, ông Khánh nói.
Năm 2014, VietJet Air ghi nhận năm có lãi thứ hai liên tiếp với mức lợi nhuận vượt mục tiêu mà cổ đông đề ra. VietJet dự báo sẽ đạt doanh thu 13.800 tỷ đồng trong năm 2015 sau khi đạt mức 8.100 tỷ đồng năm 2014.
Ông Khánh cũng cho biết trong năm nay VietJet muốn huy động tổng cộng khoảng 800 triệu USD từ các kênh bao gồm IPO, phát hành trái phiếu, và vay nợ. Tháng 5 năm ngoái, ông đã chia sẻ VietJet đặt mục tiêu huy động được khoảng 500 triệu USD qua IPO. “Đây là thời điểm tốt để phát hành trái phiếu vì chi phí đi vay trên thị trường quốc tế đang ở mức hợp lý và xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã được cải thiện”, ông Khánh nói.
Hãng hàng không này đã phục vụ xấp xỉ 6 triệu lượt khách trong năm 2014, gấp đôi so với năm 2013. Ông Khánh kỳ vọng số khách sẽ tăng 70% trong năm nay với các đường bay mới trong nước và quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Trung Quốc. Thị phần nội địa cũng đã tăng lên mức 35% trong năm 2014.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu hàng không CAPA-Centre for Aviation, Vietnam Airlines đang dẫn đầu thị trường nội địa với tỷ lệ 54% và hiện là hãng có thị phần nội địa lớn nhất ở Đông Nam Á. Sau VietJet, thị phần còn lại thuộc về Jetstar Pacific Airlines, công ty liên doanh giữa Vietnam Airlines và tập đoàn Jetstar của Australia.
Brendan Sobie, chuyên gia phân tích từ CAPA-Centre for Aviation (Singapore), nhận định cạnh tranh trên thị trường quốc tế là thách thức lớn nhất của VietJet. “Thương hiệu này không được biết đến ở bên ngoài Việt Nam và mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. VietJet sẽ mở nhiều đường bay quốc tế trong năm nay nhưng hoạt động sẽ phát triển phần lớn ở thị trường nội địa. Các điều chỉnh này là hợp lý và sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của VietJet, đồng thời giảm rủi ro”.
Ông Khánh cũng cho biết VietJet đã hoãn kế hoạch mở đường bay tới Nga vào tháng 5 vì đồng ruble lao dốc. Công ty sẽ xem xét tiến hành đường bay tới Nga vào tháng 11 năm nay.
Hiện tại VietJet đang chiếm lĩnh thị phần bằng cách thuyết phục các hành khách đi máy bay lần đầu tiên – những người thường di chuyển ở trong nước bằng tàu hỏa hoặc xe khách. Ít nhất 30% khách hàng của VietJet là người đi máy bay lần đầu. Giá vé từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh ở mức khoảng 1,3 triệu đồng, thấp hơn so với vé tàu nằm (1,7 triệu đồng).
Trên máy bay VietJet, các chỉ dẫn cách sử dụng túi nôn để đựng bã kẹo cao su và giữ gìn vệ sinh chung cũng nằm trong công đoạn hướng dẫn an toàn trước mỗi chuyến bay. Nhiều hành khách đi máy bay lần đầu đã không biết khóa cửa nhà vệ sinh và tiếp viên của VietJet được đào tạo để hướng dẫn hành khách ra vào nhà vệ sinh nhằm tránh sai sót, ông Khánh cho biết.
VietJet đã trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với các khách hàng trẻ tuổi. Trước đây hãng đã bị phạt 1.000 USD vì một chương trình biểu diễn trên máy bay với các tiếp viên mặc bikini mà chưa được cấp phép. “Nếu khách hàng nói rằng họ muốn xem các màn trình diễn áo tắm trên máy bay, chúng tôi sẽ đáp ứng. Chúng tôi muốn trở thành hãng một hàng không giá rẻ và vui vẻ”, ông Khánh nói.
Thu Hương