Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Kinh Đô diễn ra vào ngày 30/6/2014, cổ đông của công ty đã thông qua kế hoạch hợp tác với Saigon Vewong và đầu tư vào Vocarimex và Công ty PhinDeli.
Ông Phạm Đình Nguyên, ông chủ của PhinDeli, nổi tiếng sau sự kiện trở thành người Việt đầu tiên mua lại quyền sở hữu thị trấn Buford với giá 900.000 USD.
Sau khi mua thị trấn, ông lập công ty PhinDeli, kinh doanh cà phê mang thương hiệu PhinDeli.
Theo website của PhinDeli, công ty hiện đặt trụ sở tại TPHCM, quán cà phê và văn phòng tại Mỹ đều đặt ở thị trấn Buford. Thị trấn Buford hiện đã được ông Nguyên đổi tên thành thị trấn PhinDeli.
Theo lý giải của ông Phạm Đình Nguyên, PhinDeli có thể hiểu nôm na là “cà phê thơm ngon”.
Theo website của PhinDeli, các sản phẩm đều là cà phê Việt Nam, được rang xay, dùng để pha phin/pha máy.
Tại đại hội, ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Kinh Đô cho biết, trong ngành hàng cà phê, Kinh Đô sẽ mua cổ phần của công ty PhinDeli.
Ước tính quy mô thị trường cà phê trong nước chỉ riêng cà phê hòa tan đã đạt hơn 4.750 tỉ đồng/năm với tốc độ tăng trưởng 15-20%/ năm. Với một thị trường rộng lớn và cạnh tranh khốc liệt này, Kinh Đô sẽ mua cổ phần của Công ty PhinDeli - doanh nghiệp nổi tiếng sau khi ông chủ mua quyền sở hữu thị trấn Buford ở Mỹ.
Lãnh đạo Kinh Đô cũng chưa tiết lộ về thời điểm ra mắt sản phẩm cà phê của mình, cũng như giá mua và tỷ lệ sở hữu ở PhinDeli (theo cam kết bảo mật), nhưng cho biết "đại gia bánh kẹo" giữ quyền chi phối ở PhinDeli.
Mấy năm gần đây, một "đại gia mì gói và nước chấm" khác là Masan cũng lấn sân mảng đồ uống bằng việc mua nước khoáng Vĩnh Hảo, Vinacafé và Bia Phú Yên.
Năm nay, đến lượt Kinh Đô thâm nhập ngành thực phẩm và đồ uống, gồm 3 mặt hàng: mì gói (hợp tác toàn diện với Saigon Vewong), dầu ăn (mua 24% cổ phần Vocarimex) và cà phê (đầu tư vào PhinDeli).
Với 3 ngành hàng mới này, cùng với bánh kẹo - kem sữa, Kinh Đô đang hiện thực hóa "thực đơn tăng trưởng" theo hướng phủ kín chuỗi thời gian tiêu dùng của mình.
Các sản phẩm Kinh Đô trong "chuỗi thời gian tiêu dùng" hiện tại.
Các sản phẩm Kinh Đô trong "chuỗi thời gian tiêu dùng" tương lai.
Chia sẻ thêm về hoạt động, chủ tịch HĐQT ông Trần Kim Thành cho biết, không phải chờ đến khi ngành bánh kẹo tăng trưởng chậm lại Kinh Đô mới tính đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng nhanh, Kinh Đô đã có sự chuẩn bị tốt.
Hiện Kinh Đô đang thực hiện tái cấu trúc ngành bánh kẹo, và xác định vẫn đây là mảng kinh doanh chủ lực, đang tiếp tục mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Đối với 3 ngành hàng mới, Kinh Đô hướng đến việc tích hợp thế mạnh của Kinh Đô và đối tác để tiếp tục phát triển công ty.
Link bài gốcLấy link!
http://ttvn.toquoc.vn/search.htm?keyword=%27Phin+c%C3%A0+ph%C3%AA%27+m%E1%BB%9Bi+c%E1%BB%A7a+Kinh+%C4%90%C3%B4+mang+t%C3%AAn+PhinDeli