“Ở nước ngoài đóng góp đôi khi tốt hơn là về rồi phí hoài tài năng”

10/12/2015 17:06 PM | Kinh doanh

“Thế giới ngày nay không còn biên giới và sự thay đổi còn đến từ bên ngoài đôi khi hữu hiệu hơn là trở về để rồi phải phí hoài tài năng, và lớn hơn hết là không nhận được một cuộc sống tương xứng với những gì họ đã bỏ ra một quãng đời tuổi trẻ để học tập”.

Bài viết là chia sẻ của nhà báo Nguyễn Phước Trung Bảo. Anh từng học đại học California tại Los Angeles thường được biết đến với tên gọi (UCLA), Mỹ.


Tôi đến Mỹ năm 2009 và rời khỏi đó vào năm 2012. Trong thời gian này tôi theo học một chương trình tu nghiệp cho những nhà báo đến từ nước ngoài. Đây là chương trình dành cho những nhà báo đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường báo chí chuyên nghiệp.

Việc lựa chọn một nơi để đi học không chỉ bởi chất lượng của môi trường giáo dục ở đó mà còn phụ thuộc vào mối liên quan giữa đất nước của chúng ta với chính đất nước đó. Với tôi, nước Mỹ không chỉ có mối dây liên hệ với Việt Nam qua những biến động lịch sử mà nơi đó còn có một cộng đồng Việt Nam lớn nhất trên thế giới.

Về việc đi hay ở của các du học sinh, tôi cho rằng mỗi người đều tự do lựa chọn cơ hội cho mình. Nếu họ nhận thấy có cơ hội làm việc tại nước ngoài, có cơ hội để tìm một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình, có cơ hội đóng góp hết sở học thì việc ở lại là rất đáng khuyến khích.

Mỗi cá nhân có quyền tìm cho mình một môi trường sống và làm việc tốt nhất, để họ có thể tìm được một cuộc sống yên ổn cũng như có thể đóng góp tốt nhất cho đời sống. Đừng đặt mình vào những biên giới hữu hạn bởi vì kiến thức và cuộc sống thì mênh mông, ai ai cũng có thể đóng góp được cho cuộc sống ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ vị trí nào miễn là họ thật tâm muốn như vậy.

Tôi cho rằng, việc không trở về của những người có thực tài không phải là câu chuyện cá nhân mà nên được nhìn trên bình diện của nền giáo dục Việt Nam. Chúng ta không thể nào từ chối được sự thật rằng đang ngày càng có nhiều người có điều kiện đưa con cái đi du học mà người ta gọi là "tỵ nạn giáo dục".

Có thật sự là họ chỉ mong muốn con mình được tiếp nhận những kiến thức mới nhất không? Câu trả lời "đúng" là chưa đủ. Người ta mong con mình được tiếp nhận tinh thần học thuật dân chủ, được hít thở bầu không khí trong lành, hằng ngày có thể ăn uống mà không lo bị đầu độc.

Họ đi tìm cho con cái mình một cuộc sống tốt đẹp hơn, nơi mà con người được đối xử xứng đáng với phẩm giá của mình, nơi ai ai cũng có quyền nói lên được mong muốn và đều có được cơ hội tiến thân bình đẳng như nhau. Hãy nhìn những giá trị đó trước khi đặt câu hỏi tại sao họ không trở về hoặc tại sao ngày càng có nhiều người ra đi.

Đã có ý kiến nói rằng nếu họ muốn thực tâm thay đổi thì nên trở về để đóng góp. Tôi cho rằng ý kiến này tuy không sai nhưng chưa hẳn đúng. Thế giới ngày nay không còn biên giới và sự thay đổi đến từ bên ngoài đôi khi hữu hiệu hơn là trở về để rồi phải phí hoài tài năng, và lớn hơn hết là không nhận được một cuộc sống tương xứng với những gì họ đã bỏ ra một quãng đời tuổi trẻ để học tập.

Lớn hơn hết, chúng ta không ai có quyền phán xét lựa chọn của bất kỳ cá nhân nào bởi đó là tinh thần tự do mà nhân loại này hướng đến.

Trung Bảo

Cùng chuyên mục
XEM