Đã đến lúc bỏ lối suy nghĩ “Du học về nước làm việc là chấp nhận hi sinh, thiệt thòi”

08/12/2015 16:22 PM | Kinh doanh

“Về nước hay ở lại nước ngoài làm việc” là câu hỏi muôn thuở của bất kỳ du học sinh nào. Nếu coi du học là một khoản đầu tư, thì với chi phí đầu tư ban đầu lớn, hiển nhiên, bất kỳ ai cũng muốn chọn biện pháp hoàn vốn an toàn hơn, đó là cố gắng tìm được một công việc ở nước ngoài.

Có quá nhiều lý do để biến đây thành một lựa chọn lý tưởng: công việc tốt hơn, chế độ ưu đãi hơn, thu nhập cao hơn,… cho tới những yếu tốt xã hội, giáo dục, hay cả môi trường cũng đỡ ô nhiễm hơn. Truyền thông lo sợ và gọi đó là tình trạng chảy máu chất xám.

Ở mặt ngược lại, những du học sinh quyết định không ở lại mà về nước làm việc thì được “tung hô” như những người hùng. Họ được ca ngợi trong những bài viết bỏ lương ngàn đô về Việt Nam lập nghiệp, hay du học sinh từ chối công việc ở Mỹ để về làm tình nguyện,…

Trong mắt của ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc của một công ty công nghệ tại Việt Nam, những bài viết như vậy đang bẻ cong suy nghĩ của nhiều người khi ám chỉ việc về nước là hi sinh, là thiệt thòi so với ở lại nước ngoài làm việc.

“Chúng ta cần từ bỏ lối suy nghĩ này”, ông Tuấn chia sẻ.

Dưới đây là 3 nhận xét của ông Tuấn với du học sinh trở về nước:

Thứ nhất: Tôi đã từng phỏng vấn rất nhiều bạn du học sinh ứng tuyển vào công ty tôi làm việc, đúng là khá khó để nhận các bạn vì các bạn thường đòi hỏi rất cao, nghĩ rằng mình mất mấy năm trời ở trời Tây thì về phải được đối đãi xứng đáng.

Các bạn đó đã nhầm. Các công ty họ tuyển người để làm được công việc cụ thể, và trả lương tương xứng với kết quả của công việc đó chứ không phải trả lương cao vì bạn đi học ở Tây về.

Thứ hai: Tôi cực dị ứng với những bài viết có tiêu đề như: "Bỏ mức lương $10.000, về nước lập nghiệp" hay "8x từ chối làm việc ở Mỹ, về Việt Nam làm tình nguyện",... Với lối suy nghĩ và viết bài như này, vô tình ám chỉ việc về nước là hi sinh, là thiệt thòi.

Xin lỗi chứ, thời này chẳng ai chịu đói rách để hi sinh hay cống hiến đâu (có chăng thì thuộc hàng hiếm) khi mà họ chưa no đủ thì đừng có mong họ hi sinh cho xã hội, thời chiến đi qua đủ lâu rồi. Người ta bảo "có thực mới vực được đạo" mà.

Lý do chính họ chịu về nước vì họ nhìn thấy rõ cơ hội ở ta hơn hẳn ở trời Tây kia, về nhanh mà kiếm tiền không người khác lại “xơi” mất, và tôi đã thấy không ít người đã thành công với quyết định đó.

Số còn lại về nước hoặc là do không thi đấu nổi với Tây, không bám trụ được nên về, hoặc là họ đã thành công ở trời Tây rồi, muốn về nước để sử dụng những kiến thức mình đã có truyền lại cho lớp trẻ, và cũng nhằm thoả mãn cái tôi của cá nhân họ.

Thứ ba: Việc một số du học sinh không về nước, đó là do các bạn ấy sợ. Sợ về nước không kiếm được nhiều tiền như ở bển, sợ về nước phải đối mặt với những mặt trái của xã hội, với cơ chế hành chính và quản lý phức tạp, với nền y tế giáo dục không tiên tiến, với những thói hư tật xấu, với xã hội bất công, với tình trạng thực phẩm bẩn và nguồn nước bị ô nhiễm.

Rốt cuộc là họ muốn bảo vệ cá nhân họ, gia đình họ, nghe thì thấy khá ích kỷ nhưng đó là lựa chọn của cá nhân họ, không ai ép họ phải hành xử khác đi cả. Đi hay ở là quyền của họ.

Vậy nên, chúng ta cũng không cần phải trách móc hay ca ngợi, mà chúng ta nên định hướng, nên mở đường, nên đưa ra những cơ hội hiện hữu để họ có thể thấy được rằng cơ hội có ở mọi nơi.

Truyền thông nên viết bài về những thành công của những con người trở về, lấy đó làm gương cho các bạn khác noi theo, đừng kêu gọi sự hi sinh nữa, nhàm quá rồi và chẳng ai nghe đâu.

Tuấn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM