CEO HSBC, PepsiCo Việt Nam nói gì về chuyện ở hay về của du học sinh?

08/12/2015 20:19 PM | Nhân vật

Tại hội thảo Vietnam HR Awards Forum 2015 ngày 8/12, các CEO như ông Phạm Phú Ngọc Trai của Suntory Pepsico, Phạm Hồng Hải của HSBC và Ngô Hùng Phương của CSC đã chia sẻ quan điểm cá nhân về việc du học sinh nên về nước hay ở lại nước ngoài làm việc sau khi học xong.

Ông Phạm Hồng Hải cho rằng vấn đề này làm ông nhớ lại câu nói của Đặng Tiểu Bình “mèo trắng hay mèo đen mà bắt được chuột thì đều là mèo tốt”.

Theo ông Hải, dù làm việc ở trong hay ngoài nước nhưng làm tốt thì đều mang lại giá trị cho xã hội và cộng đồng. Và cuối cùng rồi ai cũng sẽ quay về nhưng trước khi về thì cần phải hoàn thiện bản thân để mang về những giá trị tốt nhất xây dựng đất nước.

“Bối cảnh hội nhập AEC và TPP sắp tới chính là cơ hội để những bạn trẻ đã có quá trình làm việc ở nước ngoài quay về cống hiến cho đất nước. Việc xác định thời điểm nào để quay về là tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Phong trào startup hiện nay là rất tốt nhưng sẽ không thể thành công nếu các bạn trẻ không có quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế và xây dựng được networking trong và ngoài nước”, ông Phạm Hồng Hải nhận định.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, các bạn du học sinh cần phải thực tế nhưng không nên thực dụng. Chi phí nuôi các bạn ăn học từ lớp 1 đến khi tốt nghiệp đại học rồi sau đó đi du học là không nhỏ, đây chính là món nợ của các bạn với gia đình và lớn hơn là với xã hội.

Do đó, các bạn nên ý thức rằng mình phải tìm kiếm được một khoản “return investment” nào tốt nhất. Các bạn làm giàu ở nước ngoài, giúp đỡ gia đình và đóng thuế đầy đủ cũng là đóng góp giá trị của mình cho đất nước một cách gián tiếp.

“Theo tôi không phải bạn trẻ du học nào cũng có thể làm việc tốt trong môi trường Việt Nam hiện nay vì việc làm việc trong hệ thống có sẵn sẽ khác với việc xây dựng hệ thống. Chính bản thân tôi trước khi trở thành người xây dựng hệ thống cũng phải trải qua nhiều năm đi làm thuê và học hỏi.

Ngoài ra, hãy nhìn con số hằng trăm ngàn kĩ sư và cử nhân đang thất nghiệp để đưa ra quyết định, tôi đã gặp nhiều bạn trẻ có kiến thức rất cao nhưng không thể hòa hợp với môi trường trong nước”, ông Phạm Phú Ngọc Trai nói.

Là CEO của công ty chuyên về gia công phần mềm, ông Ngô Hùng Phương cho rằng chúng ta hãy nhìn sang trường hợp của Ấn Độ, họ có nguồn nhân lực công nghệ thông tin rất phát triển nhưng đa phần làm thuê cho các nước nước phát triển.

Rất nhiều kỹ sư Ấn Độ sang làm việc ở Silicon Valley và thành công với dự án startup, trở thành triệu phú đô la. Nếu ở trong nước thì họ không thể làm được đó.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM