Những 'đám cưới' với đại gia: Sau hôn nhân là đấu tranh

04/02/2015 14:30 PM | Kinh doanh

“Bắt tay là để tận dụng công nghệ, tận dụng nguồn lực lẫn nhau. Còn sau hợp tác, là đấu tranh, để tránh bị nuốt. Điều này tùy thuộc vào năng lực và sự đoàn kết của người Việt”.

Nội dung nổi bật:

- Trong xu thế hội nhập, khi doanh nghiệp ngoại tràn vào thị trường nội địa, doanh nghiệp nội thường có 3 chiến lược. 1 là đối đầu - đấu với doanh nghiệp ngoại; 2 là đối thoại - tham gia một phần trong chuỗi cung ứng, hoặc hợp tác cùng phát triển; 3 là đối tác – bán mình cho doanh nghiệp ngoại.

- Trong các cuộc ‘hôn phối’ với đại gia ngoại, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng lợi thế, hay sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, mua đứt?


Trong thương vụ giữa Aeon – Citimart và Fivimart, bên cạnh việc các chuỗi siêu thị nội tiếp cận kinh nghiệm và công nghệ quản lý của Aeon, Aeon cũng thông qua Citimart và Fivimart để nhanh chóng tăng quy mô chuỗi siêu thị hiện tại và tiến tới con số 500 vào năm 2025.

Hay như Nguyễn Kim, sau khi công bố thông tin bán 49% cổ phần cho Tập đoàn Central của Thái Lan, cũng tuyên bố sẽ tăng quy mô siêu thị điện máy này từ 23 lên 50 siêu thị vào năm 2019.

Hội nhập, doanh nghiệp Việt không thể chọn đối đầu

Giới doanh nhân thường nói đùa rằng: Trong xu thế hội nhập, khi doanh nghiệp ngoại tràn vào thị trường nội địa, doanh nghiệp nội thường có 3 chiến lược. 1 là đối đầu - đấu với doanh nghiệp ngoại; 2 là đối thoại - tham gia một phần trong chuỗi cung ứng, hoặc hợp tác cùng phát triển; 3 là đối tác – bán mình cho doanh nghiệp ngoại.

Ông Nguyễn Trung Chính – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CMC, cho rằng: “Nói đối đầu hay đối thủ, trong ngành bọn tôi, doanh nghiệp nào đứng riêng lẻ chết ngay”.

“Câu chuyện ở đây là câu chuyện hợp tác. Mỗi doanh nghiệp đều có những sản phẩm, dịch vụ hay. Nếu phối hợp được với nhau, đem lại lợi ích cho xã hội, thì mô hình ấy rất bền vững”.

Tuy nhiên, trong câu chuyện hợp tác nội – ngoại, không phải ai cũng lạc quan.

Không còn tâm thế chiến thắng, chỉ có tâm thế tồn tại

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nội – ngoại sẽ rất cao: Trước ngưỡng cửa thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các doanh nghiệp của ASEAN, đặc biệt là ASEAN+, có bề dày hoạt động trong kinh tế thị trường, có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng quản lý tốt hơn, sechuẩn bị tốt hơn cho hội nhập.

“Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam ít kinh nghiệm, độ sẵn sàng hội nhập chưa cao. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn đang cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức họ gặp phải do bất ổn vĩ mô trong thời gian vừa qua”.

Ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc tế Sơn Hà – cho rằng, nói biến đối thủ thành bạn để cạnh tranh trong thời buổi hội nhập chỉ là một lối nói văn hoa. “Đối thủ là đối thủ. Và chúng ta sẽ có một cách để song hành và tồn tại cùng họ. Lúc này đây, chắc chắn chúng ta không có một điều nào để nói rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Chúng ta không có tâm thế ấy, mà chỉ có tâm thế có tồn tại được hay không”.

Theo thống kê của Thomson Reuters, giá trị của các thương vụ mua lại doanh nghiệp và mua cổ phần chi phối doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á đã tăng 12% trong năm 2014 so với năm trước đó, đạt giá trị 68,4 tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên kể từ đầu thế kỷ 21, giá trị các thương vụ mua lại trong khu vực Đông Nam Á là lớn hơn so với Nhật Bản. Trong đó, thương vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại chuỗi 19 siêu thị Metro Cash & Carry tại Việt Nam dẫn đầu về giá trị thương vụ.

Trước làn sóng đổ bộ vào thị trường Việt Nam của nhiều doanh nghiệp ngoại, CEO Peacesoft Nguyễn Hòa Bình cho rằng, chúng ta không thể chống được xu hướng. “Toàn cầu hóa rồi. Người ta được tự do đầu tư, tự do kinh doanh, chống kiểu gì khi chúng ta tiền ít hơn, công nghệ không bằng...”

“Chỉ có cách là một mặt, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Tất cả phải liên doanh với nhau. Tận dụng nguồn vốn của nước ngoài vì nước ngoài vào bao giờ cũng bỡ ngỡ. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, sẽ có rất ít doanh nghiệp hoàn toàn 100% vốn Việt Nam, bao giờ cũng có việc bán cổ phần cho nước ngoài, tận dụng công nghệ, tận dụng nguồn vốn lẫn nhau”.

Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng lợi thế, hay sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, mua đứt? “Tôi đã nói đến khía cạnh hợp tác. Còn sau hợp tác, là đấu tranh, để tránh bị nuốt. Điều đó tùy thuộc vào năng lực và sự đoàn kết của người Việt Nam” – CEO Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.

>> Citimart - Aeon: Bước trên vai người khổng lồ

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM