Citimart - Aeon: Bước trên vai người khổng lồ
Trước những nghi ngờ sau những thông tin về việc vào tay đối thủ ngoại, tối 15/11, Citimart đã ra mắt thương hiệu Aeon-Citimart sau hành trình 20 năm chinh phục thị trường.
Citimart không bán
Bắt đầu từ ngày 15/11, hệ thống siêu thị Citimart sẽ thay đổi theo phong cách của thương hiệu bán lẻ Nhật Bản Aeon. Cùng với đó, thương hiệu của siêu thị này đổi tên thành Aeon-Citimart. Điều này dễ khiến dư luận đặt vấn đề "Citimart rơi vào tay đối thủ Nhật Bản".
Thế nhưng, theo ông Lâm Minh Huy, Chủ tịch Công ty Đông Hưng (sở hữu thương hiệu Citimart) thì "hai bên hợp tác toàn diện qua một hợp đồng li-xăng về kỹ thuật. Hợp đồng này cho phép Citimart tiếp cận, kinh nghiệm cũng như công nghệ quản lý của Aeon.
Ngoài ra, Citimart cũng được sử dụng thương hiệu Aeon song hành cùng logo của mình". Cả hai phía (Citimart và Aeon) đều không tiết lộ giá trị của hợp đồng này nhưng theo những người trong giới đây là con số không nhỏ.
Sau khi chuyển đổi thương hiệu, ngoài những mặt hàng vốn đã bán trước đây thì Aeon-Citimart sẽ là nơi bán các loại thực phẩm và hàng tiêu dùng độc quyền của Aeon với thương hiệu Topvalu được chuyển từ hệ thống siêu thị của Aeon tại Thái Lan và Malaysia sang.
Sau đó, Aeon sẽ liên kết với các doanh nghiệp thực phẩm và hàng tiêu dùng Việt Nam sản xuất theo đơn đặt hàng riêng. Thông qua liên kết này, Aeon sẽ tiêu thụ được hàng hóa đồng thời xây dựng được hệ thống cung ứng sản phẩm, hệ thống lưu thông nhằm chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng hàng loạt siêu thị mà cụ thể là đến năm 2020 sẽ có 20 Aeon Mall tại Việt Nam.
Ngay khi hai bên ký kết hợp tác, nhân sự cấp quản lý của Citimart đã được tham gia khóa huấn luyện tại Nhật do phía Aeon tổ chức. Và hiện tại, 4 nhân sự quản lý phía đối tác Nhật đã bắt đầu làm việc tại Citimart để chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong điều hành và quản lý siêu thị.
Citimart là thương hiệu siêu thị đầu tiên mở đầu cho cách kinh doanh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Đến nay, Citimart có gần 30 siêu thị tại 6 tỉnh - thành phố. Chia sẻ lý do chọn Aeon để hợp tác, ông Lâm Minh Huy, cho biết: "Tiến trình toàn cầu hóa giúp chúng tôi nhận ra rằng, chìa khoá thành công chính là tối ưu hóa hoạt động quản trị nội bộ và hiệu quả hóa bộ máy vận hành. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một hệ thống chuẩn mực cao hơn, chuyên nghiệp hơn để đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của thị trường. Để vươn xa hơn, Citimart tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ từ các tập đoàn bán lẻ trên thế giới với kinh nghiệm và năng lực đã được khẳng định; và Aeon là các tên mà Citimart nghĩ đến đầu tiên".
Trong khi đó, ông Nagahisa Oyama, Tổng giám đốc Tập đoàn Aeon Khu vực Châu Á, cho rằng, với sự hợp tác này, Aeon-Citimart sẽ cung cấp sản phẩm và dịch vụ với giá cả phải chăng và chất lượng cao cho khách hàng thông qua phối hợp với mạng lưới tìm nguồn cung ứng toàn cầu của Aeon và mạng lưới bán lẻ của Citimart. Hai bên cùng hợp tác để tăng hiệu quả công nghệ quản lý chuỗi cung ứng, thiết lập liên minh siêu thị, đặc biệt là tại TP.HCM.
Đây là một dự án nằm trong chiến lược "phủ châu Á" của tập đoàn có tổng doanh thu đạt 60.000 tỷ yên/năm và mức lợi nhuận đạt trên 200 tỷ yên/năm. Hiện Aeon đã có mặt tại 14 quốc gia châu Á trong các lĩnh vực bán lẻ, phát triển và vận hành trung tâm mua sắm, dịch vụ tài chính. Trong tương lai, nhà đầu tư này còn tập trung vào mảng trung tâm mua sắm, kết hợp loại hình siêu thị và cửa hàng tiện ích.
Tầm nhìn đối tác
Theo các chuyên gia bán lẻ, việc chọn Aeon làm đối tác của Ctimart cũng không lấy gì làm lạ. Bởi nói như ông Lâm Minh Huy thì "qua quá trình tiếp xúc, Citimart đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự chuyên nghiệp, năng lực vận hành của Aeon cũng như tầm nhìn và quan điểm đối với thị trường bán lẻ Việt Nam".
Việc sử dụng thương hiệu Aeon song hành cùng Citimart sẽ càng làm tăng thêm sự nhận diện và sức mạnh thương hiệu của cả hai bên khi Aeon đã là tên tuổi có uy tín trên thế giới, còn Citimart có truyền thống tại thị trường Việt Nam.
Chưa biết kết quả trong thời gian tới như thế nào nhưng theo đại diện của Citimart thì chỉ "trong giai đoạn phát tờ rơi giới thiệu về sự hợp tác này, doanh số tại Citimart đã tăng thấy rõ”.
Ông Huy tin rằng, với sự hợp tác cùng Aeon, Citimart đã tìm được một người bạn đường tin cậy và phù hợp để đi tiếp con đường đã lựa chọn, đưa Citimart trở thành hệ thống siêu thị chuyên nghiệp và lớn nhất Việt Nam. Kế hoạch mà thương hiệu Aeon-Citimart đặt ra là "sẽ đạt 500 siêu thị đến năm 2025".
Thật ra, việc liên doanh, liên kết để tăng sức mạnh thương hiệu trong điều kiện Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường và các nhà đầu tư nước ngoài đang ồ ạt tràn vào là điều mà các doanh nghiệp trong nước phải làm. Vấn đề là hợp tác trong lĩnh vực nào và đến đâu.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho rằng: "Phải biết chọn bạn mà chơi. Một yêu cầu quan trọng trong liên doanh, liên kết là lựa chọn đối tác. Đi với người khổng lồ cũng có cái hay nhưng phải cẩn trọng và lường trước các tình huống có thể xảy ra". Năm 2013, Saigon Co.op đã liên doanh với nhà bán lẻ hàng đầu Singapore là Tập đoàn NTUC FairPrice.
Với triết lý của hợp tác xã, giữa Saigon Co.op và FairPrice đã có "tiếng nói chung" nên hoạt động của Co.opXtra (đại siêu thị do liên doanh Co.op và FairPrice triển khai) đã khá thành công. Và từ hợp tác này, đã có 400 mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống 270 đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi của FairPrice ở Singapore.
Nhưng trên thực tế, cũng có những liên doanh, liên kết bị tan rã vì "không tìm được hướng đi chung". Chẳng hạn, thương hiệu cửa hàng tiện lợi Family Mart của Công ty Phú Thái và Family Mart Nhật Bản. Thành lập vào tháng 6/2011, sau 2 năm hợp tác, Phú Thái và Family Mart "chia tay".
Sau khi chia tay Family Mart, Phú Thái tiếp tục hợp tác với thương hiệu BJC của Thái Lan và đổi tên chuỗi cửa hàng tiện lợi thành Bmart. Trong khi đó, phía đối tác Nhật Bản lại tiếp tục phát triển thương hiệu Family Mart tại Việt Nam.
Hay như trường hợp G7 Mart của Công ty tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, sau thời gian hoạt động không hiệu quả, G7 Mart liên doanh với thương hiệu Ministop (công ty con của Tập đoàn Aeon) ra mắt thương hiệu G7 Ministop.
Trong giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư của dự án này là 10 triệu USD, trong đó, Trung Nguyên chiếm 75% và 25% thuộc về Ministop. Hiện tại, chưa biết hợp tác của hai bên như thế nào mà các cửa hàng này chỉ còn bảng hiệu "Ministop".
Theo Minh Hào